Tổng thống Palau nêu lý do không tin Trung Quốc

Tổng thống Palau ngờ vực Trung Quốc sau nhiều lần bị gây sức ép và tuyên bố nước ông sẽ không để bị ai bắt nạt khi quyết định tương lai.

 

Surangel Whipps, 52 tuổi, trở thành tổng thống Palau năm ngoái sau khi đánh bại ứng viên ủng hộ thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Quốc đảo Thái Bình Dương với dân số 21.000 này là một trong 15 quốc gia vẫn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với đảo Đài Loan, điều Whipps kiên quyết không thay đổi, bất chấp chiến dịch gây sức ép của Trung Quốc.

Tổng thống Palau Surangel Whipps phát biểu khi chào đón du khách từ Đài Loan đến bang Koror hôm 1/4. Ảnh: AFP.

Tổng thống Palau Surangel Whipps phát biểu khi chào đón du khách từ Đài Loan đến bang Koror hôm 1/4. Ảnh: AFP.

"Nếu chúng tôi là những người cuối cùng ủng hộ Đài Loan thì chúng tôi vẫn sẽ làm vậy vì Đài Loan đã sát cánh cùng chúng tôi ngay từ đầu", ông nói sau khi trở về từ chuyến thăm Đài Loan tuần trước. Trong chuyến thăm, hai bên quyết định sẽ mở cửa du lịch tự do hai chiều.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả phải sử dụng vũ lực. Trong những năm qua, Trung Quốc đã dùng chiến lược "Cây gậy và củ cà rốt" để các đồng minh ngoại giao của hòn đảo chuyển sang ủng hộ Bắc Kinh.

Trong năm 2019, hai quốc đảo Thái Bình Dương cắt đứt quan hệ với Đài Loan là Solomons và Kiribati. Hiện chỉ còn Palau, quần đảo Marshall, Nauru và Tuvalu ở Thái Bình Dương duy trì quan hệ với hòn đảo.

Whipps được biết đến bởi sự hoài nghi của ông về Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Lãnh đạo Palau cho rằng điều này xuất phát từ lập trường ngày càng quyết đoán hơn của Bắc Kinh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng như những lần gặp gỡ giữa ông với quan chức Trung Quốc.

"Tôi từng gặp họ và điều đầu tiên họ nói với tôi, trong một cuộc gọi, là 'Những gì các ông đang làm là bất hợp pháp, công nhận Đài Loan là bất hợp pháp. Các ông cần dừng lại'", Whipps nhớ lại. "Đó là giọng điệu họ dùng. Không cần ai phải nói chúng tôi không thể làm bạn với ai".

Whipps cho biết ông thường nhận được các cuộc gọi trên điện thoại di động từ quan chức Trung Quốc trong thời gian chuẩn bị cuộc bầu cử năm ngoái. "Điện thoại đổ chuông khoảng 16 lần. Sau bầu cử, tôi không nhận cuộc gọi của họ nữa", ông nói.

Palau nằm cách Philippines khoảng 900 km về phía đông. Quốc đảo này chứng kiện sự bùng nổ du khách Trung Quốc trong nửa đầu thập kỷ qua. Tuy nhiên, Trung Quốc bất ngờ cấm các tour du lịch trọn gói tới Palau vào năm 2017, một động thái nhằm gây sức ép kinh tế.

Whipps tin rằng quyết định đó đã phản tác dụng vì nó nâng cao nhận thức của Palau về áp lực của Trung Quốc.

Sự hoài nghi của Whipps đã khiến Mỹ chú ý, trong bối cảnh Washington nỗ lực củng cố các liên minh ở Thái Bình Dương nhằm đối phó ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Tổng thống Palau Surangel Whipps (trái) gặp người đứng đầu cơ quan đối ngoại Đài Loan Joseph Wu tại Đài Bắc hôm 28/3. Ảnh: AFP.

Tổng thống Palau Surangel Whipps (trái) gặp người đứng đầu cơ quan đối ngoại Đài Loan Joseph Wu tại Đài Bắc hôm 28/3. Ảnh: AFP.

Palau là một trong nhóm các đảo ở Thái Bình Dương do Mỹ quản lý sau Thế chiến II. Quốc đảo tuyên bố độc lập năm 1994 nhưng vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Như các quốc gia Thái Bình Dương lân cận khác, Palau có thỏa thuận quốc phòng 50 năm với Mỹ, gọi là Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA).

Nhật Bản đang gây sức ép để các lực lượng Mỹ rút bớt các căn cứ khổng lồ của họ ở Okinawa, do vậy, Washington đang tìm cách thiết lập căn cứ khắp Thái Bình Dương. Năm ngoái, bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi đó là Mark Esper trở thành lãnh đạo Lầu Năm Góc đầu tiên đến thăm Palau.

Whipps cho biết ông rất muốn Mỹ bố trí thêm nhiều căn cứ quân sự, bởi ông hy vọng điều đó giúp Palau bớt phụ thuộc vào du lịch.

Là chiến trường trọng yếu trong Thế chiến II, Palau tạo thành một phần "chuỗi đảo thứ hai" mà các chiến lược gia quân sự Mỹ coi là trở ngại ngăn Trung Quốc thống trị Thái Bình Dương.

"Người Nhật hồi đó đã nhận thấy tầm quan trọng chiến lược, và tôi nghĩ nó vẫn còn giá trị cho đến ngày nay", Whipps nói.

Tổng thống Palau sinh ra ở thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ, học ở Mỹ và nói giọng Mỹ. Ông đã từ bỏ quốc tịch Mỹ để trở thành thượng nghị sĩ Palau, song vẫn ủng hộ Washington. Ông nhấn mạnh rằng Palau, nơi không ghi nhận ca Covid-19 nào, sẽ tiêm chủng cho toàn bộ người trưởng thành vào tháng 5 nhờ vaccine do Washington cung cấp.

Ông cũng mô tả Đài Loan, hòn đảo bắt đầu quan hệ ngoại giao với Palau năm 1999, không chỉ là đồng minh. Cư dân bản địa trên đảo là người Austronesia và chính tổ tiên của họ đã di cư ra khắp Thái Bình Dương hàng chục nghìn năm trước.

"Chúng tôi có chung nền văn hóa và lịch sử", ông cho hay, đồng thời nói rằng sức ép của Trung Quốc để cô lập Đài Loan, đặc biệt trong đại dịch Covid-19, chỉ làm tăng thêm thiện cảm của quốc tế với hòn đảo này.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục