Carlos Queiroz - người đánh thức gã khổng lồ bóng đá Iran

Iran, đối thủ lớn nhất của Việt Nam ở vòng bảng Asian Cup 2019, từng thống trị bóng đá châu Á. Dưới chiếc đũa thần của HLV Carlos Queiroz, gã khổng lồ ấy đã thức giấc và đang vươn lên mạnh mẽ.

Từ năm 1968 tới 1976, Iran đã ba lần liên tiếp vô địch Asian Cup. Họ cũng từng lọt vào tứ kết Olympic 1976 ở Canada. Tuy nhiên, những biến cố liên tiếp sau đó, bắt đầu là cuộc Cách mạng Trắng năm 1979 - cuộc cách mạng đã đưa Iran từ một nước theo chế độ quân chủ thành một quốc gia Cộng hòa Hồi giáo - và ngay sau là cuộc chiến Iran - Iraq (1980-1988), đã khiến gã khổng lồ ấy bị đánh sụm. 

Trong hơn 10 năm, bóng đá bị gạt sang một bên. Vì những lý do khác nhau, Iran từ chối tham dự vòng loại World Cup 1982 và 1986. Họ cũng không có một giải đấu cấp CLB thực thụ nào cho tới tận năm 1989, khi Qods League ra đời (một năm sau được đổi tên thành Azadegan League, giải đấu hạng cao nhất Iran cho tới năm 2001 - thời điểm khai sinh Persian Gulf Pro League). Phải tới đầu những năm 1990, bóng đá Iran mới có dấu hiệu hồi phục. Nền bóng đá Iran bắt đầu sản sinh ra những cầu thủ giỏi, đủ trình độ chơi bóng cả ở châu Âu. 

Nhưng về cơ bản, bóng đá Iran vẫn thiếu một nền tảng vững chắc, và do đó, đội tuyển của họ đã ở trong tình trạng phập phù suốt một thời gian dài. Ngay trước khi Queiroz tới tháng 4/2011, Team Melli gần như đã xuống đáy thêm một lần nữa. Họ không thể dự World Cup 2010 sau khi đứng bét bảng 5 của vòng loại thứ ba. Ở Asian Cup 2011, họ một lần nữa phải dừng bước ở tứ kết. Đó là lần thứ hai liên tiếp Iran không thể có mặt trong nhóm 4 đội mạnh nhất khu vực. Trên bảng FIFA, họ tụt xuống thứ 54. Xét riêng các đội châu Á, họ chỉ xếp thứ bảy.

Dưới thời Queiroz, Iran đã tham dự World Cup hai lần liên tiếp, và để lại những ấn tượng nhất định.

Dưới thời Queiroz, Iran đã tham dự World Cup hai lần liên tiếp, và để lại những ấn tượng nhất định.

Nhiều người nói Queiroz bị điên khi nhận lời dẫn dắt Iran. Khoản lương mà Liên đoàn bóng đá Iran đề nghị, khoảng 1,5 triệu đôla mỗi năm, quả thực rất hấp dẫn. Nhưng với danh tiếng của HLV từng hai lần làm trợ lý cho Alex Ferguson, từng dẫn dắt cả Real Madrid lẫn đội tuyển Bồ Đào Nha, Queiroz thừa khả năng tìm kiếm những công việc hấp dẫn không kém. Chưa kể công việc ông sắp nhận tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Vực dậy một nền bóng đá là một chuyện. Vực dậy một nền bóng đá ở một quốc gia bị phương Tây đánh giá là "phức tạp" như Iran lại là chuyện khác. Ngay trước Queiroz, một HLV danh tiếng khác là Javier Clemente đã phải "bỏ của chạy lấy người" khi được yêu cầu sống và làm việc toàn thời gian ở Iran.

Sống ở Iran, hóa ra, không phải là vấn đề. "Nhiều người châu Âu cứ gặp tôi là lại hỏi cuộc sống ở Iran thế nào", Queiroz từng tâm sự. "Tôi trả lời là bình thường. Tôi nghĩ là phương Tây đang hiểu sai về Iran. Ở đây, tôi thấy những gì tôi vẫn thấy ở các quốc gia mà tôi từng tới. Tôi thấy người ta cười, khóc, ca hát và nhảy múa. Tôi thấy những bà mẹ đưa con đến trường vào các buổi sáng. Tôi thấy người ta cũng phàn nàn về giao thông. Thật đáng buồn, thế giới đang nhận thức hoàn toàn sai về Iran".

Và Queiroz còn thấy một quốc gia 80 triệu dân với tiềm năng bóng đá vô cùng to lớn. Khác với phần lớn các quốc gia châu Á khác, bóng đá du nhập vào Iran rất sớm, từ thế kỷ 19, bắt đầu với những cư dân Anh sinh sống ở thành phố cổ Isfahan. Tới đầu thế kỷ 20, số người quan tâm và chơi bóng đá tăng mạnh ở các thành phố cảng phía Nam, nơi đón nhiều thuyền Anh tới giao thương và các thủy thủ tranh thủ thời gian giữa hai chuyến đi tổ chức các trận bóng với dân địa phương.

Và như ở các quốc gia cuồng bóng đá khác, bóng đá đường phố - ở Iran được gọi là Gol Koochik - cũng rất phát triển. Với những khung thành tự tạo và những trái bóng được làm từ đủ loại chất liệu, hàng triệu trẻ em Iran trong nhiều thập kỷ đã mài giũa những kỹ năng rê dắt, khả năng phán đoán (chủ yếu để... tránh xe cộ) và sự chính xác trong khi chờ ngày bước chân vào thế giới chuyên nghiệp. "Iran là một đất nước bóng đá", Queiroz nói. "Bóng đá có trong DNA của mọi người."

Những thách thức lớn nhất, hóa ra, lại đến từ những người trong giới. Đó là HLV của các CLB trong nước. Là các cựu cầu thủ, HLV. Là cánh phóng viên. Thậm chí cả quan chức liên đoàn. Lý do: Queiroz không chịu "an phận" làm công việc của một HLV. Ông muốn thay đổi cả nền bóng đá. Để thay đổi, không có cách nào khác là ông phải tấn công vào những "thành trì tư tưởng" đã tồn tại suốt bao năm qua. Không có cách nào khác là ông phải biến mình thành kẻ đáng ghét trong mắt nhiều người, không ít trong đó là những người có thế lực.

Cho tới lúc này, đã ít nhất bốn lần Queiroz đệ đơn từ chức lên Liên đoàn bóng đá Iran. Cả bốn lần ông đều bị từ chối. Nhưng cũng sau bốn lần ấy, ông lại có thêm một chút không gian và quyền hạn để tiến hành những đổi thay mà ông mong muốn.

Queiroz (phải) từng là trợ lý thân tín của Sir Alex Ferguson.

Queiroz (phải) từng là trợ lý thân tín của Sir Alex Ferguson.

Một trong những thay đổi đầu tiên và quan trọng nhất của Queiroz là thiết kế lại triết lý chơi bóng cho đội tuyển (nói riêng, và nền bóng đá nói chung). Trước đây, Iran bị đánh giá là một đội bóng lỏng lẻo về tổ chức, thường chờ đợi sự tỏa sáng của những ngôi sao như Ali Karimi thay vì sức mạnh tập thể. Nhưng dưới thời Queiroz, họ đã lột xác thành một đội bóng chơi cực kỳ kỷ luật và gắn kết. Họ có thể gặp khó khăn với khâu ghi bàn, nhưng ghi bàn vào lưới họ cũng chẳng dễ. Bằng chứng là Argentina ở World Cup 2014, hay Morocco, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ở World Cup 2018.

Để có thể xây dựng được một đội bóng đề cao tính tập thể như thế, Queiroz rất quyết liệt gạt bỏ những cầu thủ tự cho mình là ngôi sao, bất chấp tầm quan trọng của họ và bất chấp sự phản đối của truyền thông hay giới chuyên gia. Thủ thành ngôi sao Mehdi Rahmati và trung vệ Hadi Aghili từng bị loại vĩnh viễn vì dám bỏ về sau một trận đấu không được đá chính năm 2013. Đội trưởng Andranik Teymourian và thủ môn Alireza Haghighi cũng từng bị loại khỏi trận đấu vòng loại với Syria trong sự phản đối và hồ nghi của nhiều giới. Với Queiroz, không có ai là không thể bị thay thế.

Một kế hoạch tham vọng khác cũng được Queiroz triển khai, góp phần thay đổi không chỉ bóng đá mà còn một phần xã hội Iran, là tìm kiếm những tài năng bóng đá trong các cộng đồng Iran tha hương - những người phải rời bỏ đất nước có thể vì lý do kinh tế, cũng có thể vì lý do chính trị - và tạo điều kiện cho họ thử sức với đội tuyển quốc gia. Trước thời Queiroz, đội tuyển chỉ gồm toàn những cầu thủ được sinh ra ở Iran. Thực ra có Fereydoon Zandi, cầu thủ mang hai dòng máu Đức-Iran, từng góp mặt ở World Cup 2006 và Asian Cup 2007. Nhưng sau hai giải ấy anh không xuất hiện trở lại nữa. Và sau đó cũng không có thêm trường hợp nào giống anh được triệu tập.

Phải tới khi Queiroz nắm quyền, việc tìm kiếm các tài năng hải ngoại mới thực sự được tiến hành rộng khắp và bài bản. Danh tiếng và sự nhiệt tình của Queiroz được xem là một nguyên nhân quan trọng để các gia đình - không ít trong đó chạy ra nước ngoài sau cuộc cách mạng Trắng - yên tâm cho con em của mình trở lại chơi bóng cho đội tuyển quê hương. Nhưng quá trình này không hề đơn giản. Nhiều cầu thủ được triệu tập không biết tiếng Ba Tư và thậm chí chưa một lần tới Iran, ví dụ thủ môn "người Đức" Daniel Davari hay hậu vệ "người Mỹ" Steven Mehrdad Beitashour. Cả hai đều được triệu tập cho World Cup 2014, nhưng dự bị cả giải, rồi dần dần bị lãng quên.

Ngoài ra, thuyết phục xã hội chấp nhận những cầu thủ được sinh ra ở các nước phương Tây và thậm chí còn không mang dòng máu Iran thuần chủng cũng không phải là điều dễ dàng. Khi Queiroz triệu tập những cầu thủ như tiền vệ người Iran lai Đức Ashkan Dejagah hay tiền đạo lai Hà Lan Reza Ghoochannejhad, ông đã phải chịu rất nhiều áp lực, không chỉ từ những người trong giới. Nhưng Queiroz đã quyết liệt bảo vệ quyết định, và cuối cùng thì ông đã chứng tỏ được là mình đúng khi Dejagah và Ghoochannejhad nhanh chóng trở thành những trụ cột của đội tuyển. Từ những thành công ban đầu ấy, Queiroz phát đi một thông điệp rõ ràng: Tất cả những người Iran trên khắp thế giới - dù là "thuần chủng" hay là "con lai" - đều được chào đón ở Team Melli.

Những nỗ lực không biết mệt mỏi của Queiroz cuối cùng cũng sinh trái ngọt. Đội tuyển Iran dự Asian Cup 2019 lần này không chỉ có các cầu thủ đang chơi cho các CLB trong nước, mà còn có các cầu thủ tới từ các CLB của Anh (tiền vệ Alireza Jahanbakhsh đang chơi cho Brighton, tiền đạo Karim Ansarifard đang đá cho Nottingham Forrest), Pháp (tiền vệ Saman Ghoddos đang chơi cho Amiens), Nga (hậu vệ Milad Mohammadi thuộc biên chế Akhmat Grozny, còn tiền đạo Sardar Azmoun, "Messi Iran", đang chơi cho Rubin Kazan), Bồ Đào Nha (thủ môn Amir Abedzadeh, Maritimo), Bỉ (Morteza Pouraliganji, Eupen) hay Thổ Nhĩ Kỳ (hậu vệ Majid Hosseini và tiền vệ Vahid Amiri, đều thuộc Trabzonspor)...

Tiền vệ công Alireza Jahanbakhsh là một trong những cầu thủ chất lượng nhất của Iran hiện nay.

Tiền vệ công Alireza Jahanbakhsh là một trong những cầu thủ chất lượng nhất của Iran hiện nay.

Sự xuất hiện của những cầu thủ chất lượng cũng giúp Queiroz tự tin thay đổi lối chơi cho Iran. "Đội bóng bây giờ rất khác (so với hồi World Cup 2014)", Queiroz phát biểu trước thềm World Cup 2018. "Chúng tôi có những cầu thủ trẻ tài năng đang chơi bóng ở châu Âu. Một dòng máu mới. Chúng tôi sở hữu tiềm năng tấn công lớn hơn, có thể lựa chọn một cách chơi mạo hiểm hơn". Iran vẫn giữ được sự chắc chắn và tính kỷ luật trong phòng ngự, nhưng chất lượng của những pha phản công thì tăng lên đáng kể. Ngoài ra, trước những đối thủ dưới tầm, như Việt Nam hay Yemen, họ cũng có thể chơi tấn công kiểm soát một cách hiệu quả.

Về mặt chiến thuật, Iran khá linh hoạt. Họ có thể chuyển đổi một cách mượt mà giữa các sơ đồ 4-2-3-1, 4-1-4-1 và 4-1-3-2. Sở dĩ họ có thể làm được như thế là bởi các cầu thủ của họ đã được luyện tập rất kỹ để có thể chơi được ở nhiều vị trí trong nhiều sơ đồ khác nhau. Và sở dĩ các cầu thủ có thể làm được như thế là vì Iran có một đội ngũ trợ lý đa quốc gia giàu kinh nghiệm được Queiroz quy tụ về dưới trướng. Đó là Dan Gaspar, HLV thủ môn người Mỹ đã đào tạo được một thế hệ thủ môn mới đáng tin cậy hơn nhiều so với các thế hệ thủ môn cũ. Là Oceano, cựu tiền vệ đội tuyển Bồ Đào Nha, người phụ trách tuyển trạch và do thám. Hay Diego Giacchino, HLV thể lực người Argentina...

Như truyền thống, Iran chuẩn bị cho Asian Cup 2019 trong sự... hỗn loạn. Họ không thể tổ chức được những trận giao hữu chất lượng cao theo ý Queiroz, một phần vì thiếu tiền, một phần vì các nước khác không muốn đá giao hữu với một đội bóng đang chịu lệnh cấm vận quốc tế. Cũng vì lệnh cấm vận mà Iran làm gì cũng khó, từ di chuyển, thiết lập các trại tập huấn, tới mua trang thiết bị. Ngay cả mua đồng phục thi đấu cũng không hề đơn giản (trước World Cup 2018, Nike từng từ chối cung cấp áo đấu cho Iran, cũng vì lý do chính trị).

Cùng lúc ấy, Queiroz vẫn tiếp tục những "cuộc chiến" của riêng mình. Ông đấu tranh với Liên đoàn trong mọi vấn đề, từ việc không để các cầu thủ phải di chuyển bằng vé máy bay hạng phổ thông trên những chuyến bay vòng tốn thời gian, tới việc chuẩn bị cho đội những sân tập đúng chuẩn (trước World Cup 2018, Iran phải tập trên sân bóng chỉ dài có... 60 mét). Ông chống đỡ những đợt tấn công từ truyền thông và giới chuyên gia, những người cho rằng ông đã quá hèn nhát khi chỉ đặt mục tiêu top 4 cho Iran. Đấy là chưa kể tới cơn đau đầu liên quan tới việc một số trụ cột không thể góp mặt vì chấn thương.

Asian Cup 2019 là giải đấu cuối cùng của Queiroz với Iran, và họ đang muốn hướng đến chức vô địch để làm món quà chia tay ông thầy Bồ Đào Nha.

Asian Cup 2019 nhiều khả năng là giải đấu cuối cùng của Queiroz với Iran, và họ đang muốn hướng đến chức vô địch để làm món quà chia tay ông thầy Bồ Đào Nha.

Nhưng với Queiroz thì nghịch cảnh không phải là vấn đề. Từ khi tới Iran, ông đã quá quen với việc luôn phải đương đầu với đủ kiểu nghịch cảnh, không ít trong đó được xem như "đặc sản" của bóng đá Iran. Song Team Melli của ông vẫn tiến những bước vững chắc. Từ sau World Cup 2014, họ chỉ mới thua thêm đúng một trận chính thức (trận gặp Tây Ban Nha ở World Cup 2018, giải đấu mà họ đã tạo được ấn tượng cực mạnh). Những kết quả tích cực ấy đã đưa Iran vào top 30 FIFA, và bước vào Asian Cup 2019 với tư cách đội bóng số một châu Á.

Không những không ngại, Queiroz còn tỏ ra thích thú với những thách thức. Bởi vì ông có thể biến chúng thành động lực cho các học trò của mình. "Những khó khăn đó trở thành một nguồn cảm hứng cho mọi người", Queiroz nói tiếp. "Chúng khiến cho mọi người trở nên đoàn kết hơn, muốn chiến đấu cho đất nước của mình hơn". Những thách thức đó, Queiroz thú nhận, cũng khiến ông yêu Iran hơn. Và Iran yêu ông. Ngoài tài năng, ngoài sự nghiêm túc, tính chuyên nghiệp, ngoài những gì Queiroz làm được cho bóng đá Iran, họ còn yêu ông vì cảm thấy ông chính là một phần trong số họ. Cái cách Queiroz "tấn công" HLV đối thủ, phản ứng với trọng tài, đương đầu với cả giới có chức quyền để đòi quyền lợi cho đội tuyển nói riêng và cả nền bóng đá nói chung..., thực sự đã giúp ông chiếm trọn được trái tim của các CĐV Iran.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục