Chuỗi hệ lụy từ việc hoãn AFF Cup 2020

Covid-19 một lần nữa lại xới tung các dự định của bóng đá Việt Nam, đẩy HLV Park Hang-seo và V-League 2020 vào trạng thái tiến thoái lưỡng nan.
AFF Cup bị hoãn, và ảnh hưởng đi kèm ở vòng loại World Cup 2022 khiến bóng đá Việt Nam gặp khó khăn trong việc chuẩn bị lực lượng. Ảnh: Chiến Hữu.

AFF Cup bị hoãn, và ảnh hưởng đi kèm ở vòng loại World Cup 2022 khiến bóng đá Việt Nam gặp khó khăn trong việc chuẩn bị lực lượng. Ảnh: Chiến Hữu.

Thể thức thi đấu sân khách - sân nhà, cũng như sự góp mặt của bốn đội bóng Đông Nam Á, khiến việc lùi AFF Cup có thể làm các trận đấu thuộc bảng G vòng loại World Cup 2022 - khu vực châu Á khó diễn ra vào tháng 10 hay tháng 11, theo kế hoạch đã điều chỉnh gần đây của FIFA. Tính chất của sân chơi này không cho phép phương án đá tập trung, mà bắt buộc phải sân khách – sân nhà để bảo đảm tính công bằng. Việc cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh là trở ngại không thể giải quyết. Thế nên, khả năng lùi vòng loại World Cup 2022 sang năm sau cũng rất cao.

Nếu điều đó xảy ra, trong năm 2020, HLV Park Hang-seo chỉ phải làm nhiệm vụ ở vòng chung kết giải U23 châu Á. Tại đó, Việt Nam thi đấu không thành công, khiến nhà cầm quân Hàn Quốc không có nhiều lựa chọn để thay thế các cựu binh ở đội tuyển quốc gia. Việc hoãn AFF Cup 2020 đẩy HLV Park vào một tình thế hiếm gặp: Hơn một năm không thể làm việc chung với các cầu thủ cho một nhiệm vụ cụ thể nào đó.

Khó người, khó ta. Nhưng xét theo phong cách cầm quân, HLV Park đối diện với nhiều vấn đề nhất. Trong khi đa số HLV các đội tuyển trên thế giới đều lựa chọn cầu thủ dựa trên phong độ gần nhất, ông có xu hướng xây dựng hệ thống cố định và dùng dài hạn. Tỷ lệ cầu thủ mới được thi đấu trong màu áo đội tuyển luôn dưới 10%. Các cầu thủ đạt phong độ tốt tại V-League vẫn có thể bị từ chối với lý do không phù hợp với triết lý, đấu pháp. Ngược lại, một người không chơi bóng nhiều tháng như Trọng Hoàng vẫn có thể được trọng dụng.

Nhưng, một trường hợp không đá vài tháng khác hẳn cả tập thể không chơi chung với nhau hơn một năm. Bộ khung quen thuộc của HLV Park thực tế đang rơi rụng nhiều vị trí chất lượng. Anh Đức từ giã đội tuyển, Xuân Trường ít nhiều đang mất cảm giác sau chấn thương dài hạn, các trung vệ Đình Trọng, Duy Mạnh chưa chắc sẽ lại chơi tốt sau khi hồi phục, Văn Hậu và thủ thành Văn Lâm không thi đấu cả năm nay... Trong 23 cầu thủ đăng ký thi đấu Thái Lan ở vòng loại World Cup 2022 hồi tháng 9, không ai đạt bước tiến lớn về trình độ, ngoại trừ Công Phượng được thi đấu thường xuyên hơn sau khi trở về từ Bỉ. Như vậy, về lý thuyết chất lượng đội hình đang kém đi, cần được thay đổi.

Vấn đề là trong bối cảnh này không dễ để lên kế hoạch cho các trận giao hữu hạng A theo "FIFA Day". Việc di chuyển giữa các quốc gia rất phức tạp, trong khi các trận đấu này không phải là công việc cấp thiết.

Điều duy nhất có thể chủ động giúp được cho HLV Park giải bài toán nhân sự là kéo dài thời hạn thi đấu của V-League để cầu thủ giữ phong độ.

Đây có thể là lý do mà công ty VPF từ chối đề xuất hủy bỏ mùa bóng từ một số CLB. V-League đang là cái phao duy nhất để giúp HLV Park, đồng thời cũng tránh cho bóng đá Việt Nam lãng phí một năm tiền trả lương cho nhà cầm quân người Hàn Quốc. V-League diễn ra, HLV Park và các cộng sự vẫn miệt mài di chuyển để có mặt ở các trận đấu. Nếu từ nay đến cuối năm không có hoạt động thi đấu nào, ông chẳng khác gì một du khách.

Nhưng các nhà điều hành V-League cũng đang bối rối. Theo dự kiến ban đầu, khi đưa V-League trở lại hồi tháng 5, VPF đã thay đổi thể thức thi đấu nhằm rút ngắn thời gian với mục tiêu kết thúc trước tháng 10, nhằm phục vụ đội tuyển tập trung cho các nhiệm vụ cuối năm. Bây giờ, họ không còn bị giới hạn thời điểm kết thúc, tức là đợt tạm hoãn này của V-League có thể kéo dài cho đến khi nào tình hình dịch bệnh đã an toàn. Ở đợt đầu, giải nghỉ hai tháng. Sang đợt này, V-League có thể nghỉ đến tháng 9 và kết thúc vào tháng 11. Nhưng khi mùa giải cứ kéo dài như vậy, thì thiệt hại tài chính ai chịu?

Không phải bỗng dưng các đội bóng như Quảng Nam, SLNA nhanh tay nhất trong việc đề xuất hủy bỏ mùa giải. Với họ, không thi đấu thì nhiều lắm chỉ trả lương cho các cầu thủ. Thông thường, khoản tiền này chiếm 30% tổng ngân sách hoạt động của một mùa, vốn được ngân sách địa phương hỗ trợ. Phần tiền lớn nhất là dành cho việc di chuyển, tổ chức trận đấu trên sân nhà, mua và trả lương cho các cầu thủ ngoại. Không thi đấu, nghĩa là sẽ... trụ hạng an toàn, lại chẳng phải ngược xuôi kiếm tiền. Những đội bóng đang nằm ở nhóm cuối vốn chẳng có động lực nào liên quan đến đội tuyển. Cầu thủ ở các đội đứng đầu V-League còn chưa có cơ hội, thì tầm của họ càng không. Càng kéo dài V-League, số tiền mà họ phải bỏ ra càng nhiều, trong khi số phận chẳng có gì thay đổi.

Rõ ràng, khi AFF Cup 2020 bị hoãn, và vòng loại World Cup chưa biết ra sao, đội tuyển quốc gia, VFF rồi V-League... đều chịu thiệt. Nhưng khó khăn nhất vẫn là những đội bóng bé nhỏ. Họ cần một hướng giải quyết, đặc biệt là vấn đề tài chính.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục