Trận bom kinh hoàng Mỹ trút xuống Tokyo năm 1945 giết chết 100.000 người

Trận bom mà Mỹ dội xuống thủ đô Tokyo của Nhật Bản ngày 10/3/1945 đã khiến 100.000 người thiệt mạng, biến cả một khu vực rộng lớn thành tro bụi.

Ký ức kinh hoàng

Dù có chạy bất cứ hướng nào, cô bé Haruyo Nihei – 8 tuổi cũng chỉ nhìn thấy lửa và lửa. Những quả bom mà Mỹ ném xuống thành phố Tokyo đã tạo ra những cơn bão lửa khủng khiếp đến mức cuốn phăng cả chăn nệm từ trong các ngôi nhà, ném chúng xuống đường cùng với con người và đốt cháy tất cả.

tran bom kinh hoang my trut xuong tokyo nam 1945 giet chet 100.000 nguoi hinh 1
Các tòa nhà tại Tokyo, Nhật Bản, bị bốc cháy sau vụ ném bom của Mỹ. Ảnh tư liệu: CNN

“Ngọn lửa đã thiêu rụi chúng, biến chúng thành những quả cầu lửa”, cụ bà Haruyo Nihei, hiện giờ đã 83 tuổi nhớ lại.

Vào thời điểm Mỹ trút mưa bom xuống thành phố Tokyo – nơi có phần lớn là những căn nhà gỗ, Haruyo Nihei, lúc đó mới 8 tuổi, vùng chạy ra khỏi ngôi nhà mà em đã ở cùng với bố mẹ, anh trai và em gái. Khi em chạy xuống đường, những trận gió quá nóng khiến tấm bạt che của em bốc cháy, Nihei đã nhanh chóng buông tay cha mình để ném nó đi. Lúc đó, cha em đang bị cuốn vào dòng người hối hả chạy thoát thân.

Khi ngọn lửa lụi đi, Nihei đang ở ngã tư đường và em gào lên để tìm cha. Một người lạ đã dùng thân mình che chắn cho em. Sau đó, dòng người tiếp tục đổ xô đến ngã tư và em bị đẩy ngã xuống đất. Trong lúc bị xô đẩy giữa dòng người,   Haruyo Nihei đã nghe thấy những giọng nói như bị bóp nghẹt: “Chúng ta là người Nhật. Chúng ta phải sống. Chúng ta phải sống”. Giọng nói ngày càng trở nên yếu hơn và cuối cùng tắt lịm.

Lúc Nihei được kéo ra khỏi đám người, em nhìn thấy nhiều thi thể bị cháy đen và nhận ra người lạ đã bảo vệ mình chính là cha em. Sau khi ngã xuống đất, cả hai cha con đều được che chắn bởi những xác chết đã bị ngọn lửa thiêu đến mắt cá chân.

Đó là ngày 10/3/1945 và Nihei đã sống sót sau trận ném bom đẫm máu nhất trong lịch sử loài người. Khoảng 100.000 người Nhật Bản đã thiệt mạng và khoảng 1 triệu người bị thương, hầu hết là dân thường,  khi hơn 300 máy bay ném bom B-29 của Mỹ thả 1.500 tấn bom cháy xuống thủ đô Tokyo.

Trận bom đã biến một khu vực rộng hơn 40km2 thành tro bụi. Ước tính, 1 triệu người đã bị mất nhà cửa. Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ, số người thiệt mạng  hôm 10/3/1945 còn vượt quá con số thiệt mạng do hai vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki gây ra với số người chết lần lượt là 70.000 và 46.000. Bất chấp sự tàn phá khủng khiếp như vậy, đến nay vẫn không có một bảo tàng nào được xây dựng tại thủ đô Tokyo để tưởng nhớ sự kiện 10/3.

B-29 – máy bay ném bom chủ lực

Những hình ảnh kinh hoàng mà Nihei chứng kiến hôm 10/3 là kết quả của chiến dịch Meetinghouse – chiến dịch đẫm máu nhất trong số các vụ không kích bằng bom cháy nhằm vào thủ đô Tokyo mà lực lượng không quân của quân đội Mỹ thực hiện từ giữa tháng 2 đến tháng 5/1945. Chúng được thiết kế phần lớn bởi Tướng Curtis LeMay – chỉ huy phi đội máy bay ném bom của Mỹ tại Thái Bình Dương.

Sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941, Mỹ đã quyết tâm trả thù. Vào năm 1942, Nhật Bản là quốc gia hùng mạnh nhất tại khu vực Thái Bình Dương. Các nhà hoạch định chiến tranh của Mỹ đã đưa ra một danh sách các mục tiêu được thiết kế để xóa sổ bất cứ thứ gì có thể làm gia tăng sức mạnh của Tokyo, từ các căn cứ không quân đến các nhà máy sản xuất ổ bi. 

B-29 với khả năng bay nhanh và cao, có thể mang theo khối lượng bom lớn là vũ khí lý tưởng để tiến hành cuộc chiến tranh chống lại Nhật Bản. Máy bay này ban đầu được chế tạo với mục đích tấn công quân đội Đức Quốc xã trong trường hợp Anh bị thất bại trước các lực lượng của Hitler.

Máy bay ném bom B-29 là đỉnh cao của 20 năm phát triển trong lĩnh vực hàng không thời bấy giờ, là máy bay đầu tiên có khoang được điều áp và giữ nhiệt, cho phép chúng hoạt động ở độ cao trên 18.000m mà không đòi hỏi phi hành đoàn phải được trang bị đặc biệt hoặc sử dụng mặt nạ oxy. Điều này giúp chúng nằm ngoài tầm bắn của hầu hết các loại súng phòng không, giúp chúng có thêm nhiều thời gian trước khi tiêm kích đối phương bay lên để đánh chặn, Jeremy Kinney, người phụ trách Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia Smithsonian ở Virginia, Mỹ cho biết.

"Superfortress B-29 là công nghệ tiên tiến nhất thời bấy giờ," ông nói. Và các nhà hoạch định chiến tranh Mỹ đã sẵn sàng sử dụng chúng để tấn công Nhật Bản. Nhưng các cuộc tấn công ban đầu của B-29 đều bị cho là thất bại.

Các máy bay B-29 đã thả bom từ độ cao hơn 9.000m nhưng chỉ có 20% trúng mục tiêu. Phi hành đoàn của Mỹ đã đổ lỗi cho thất bại là do tầm nhìn kém trong điều kiện thời tiết xấu và luồng gió mạnh mà dòng máy bay phản lực tạo ra thường khiến bom bị lệch mục tiêu.

Ông LeMay được giao nhiệm vụ tìm ra cách thức để đạt hiệu quả. Câu trả lời của ông quyết liệt đến nỗi ngay cả các phi hành đoàn thực hiện chiến dịch không kích cũng bị sốc.  Những chiếc B-29 sẽ phải hạ độ cao, xuống còn 1.500m đến 2.400m và hoạt động vào ban đêm. Chúng phải bay từng hàng một, thay vì bay trong đội hình nhiều lớp như cách Mỹ từng vận dụng trong các vụ đánh bom ban ngày nhằm vào quân đội Đức tại Châu Âu.

tran bom kinh hoang my trut xuong tokyo nam 1945 giet chet 100.000 nguoi hinh 2
Cả một khu vực rộng lớn ở Tokyo bị thiêu rụi sau trận bom kinh hoàng ngày 10/3/1945. Ảnh tư liệu: CNN.

Điều quan trọng nhất là chúng mang theo bom cháy để phá hủy Tokyo, nơi mà phần lớn các công trình đều được làm bằng gỗ. Khi các phi hành đoàn của Mỹ được thông báo về nhiệm vụ này, đã có nhiều người trong số hơn 3.000 phi công phản ứng với sự hoài nghi. Nếu bay theo hàng một, họ sẽ không thể bảo vệ nhau khỏi sự đáp trả của máy bay chiến đấu Nhật Bản. Chưa hết, LeMay đã ra lệnh tước bỏ gần như toàn bộ vũ khí phòng thủ của B-29 để chúng có thể mang được nhiều bom cháy hơn.

 

 “Hầu hết các phi công rời khỏi phòng họp ngày hôm đó đều nhận thức 2 điều: Một, ông LeMay thực sự là một kẻ điên. Hai, nhiều người trong số họ sẽ không thể sống sót để xem điều gì xảy ra vào ngày hôm sau”, James Bowman – con trai của một phi công lái B-29 tham gia chiến dịch này viết trong một bài báo được tổng hợp từ hồ sơ của các đơn vị liên quan.

“Hỏa ngục” dưới trần gian

Tối 9/3/1945, những chiếc B-29 bắt đầu rời khỏi các căn cứ trên đảo Saipan, Tinian và Guam, thực hiện hành trình bay hơn 2.400 km, kéo dài 7 tiếng đồng hồ đến Nhật Bản. Rạng sáng ngày 10/3, khi người dân Nhật Bản đang say giấc nồng, những chiếc máy bay ném bom đầu tiên trên bầu trời Tokyo đã thực hiện 5 đợt nã hỏa lực và phần còn lại của phi đội ném bom thực hiện các cuộc tấn công quy mô nhỏ hơn, Robert Bigelow – phi công lái B-29, hồi tưởng về cuộc không kích trong khuôn khổ Dự án Lịch sử Hàng không Virginia cho biết.

Trong khoảng từ 1h30 đến 3h sáng 10/3 (giờ Nhật Bản), lực lượng chủ lực của phi đội B-29 đã thả 500.000 quả bom M-69. Mỗi quả nặng gần 3 kg, được thiết kế thành từng chùm. Các chùm sẽ tự tách rời trong quá trình rơi. Chất lỏng dễ bắt cháy bên trong vỏ kim loại của bom sẽ bốc cháy chỉ vài giây sau khi nó va vào vật rắn và bắn lên các bề mặt xung quanh.

Haruyo Nihei trước đó đã chứng kiến nhiều vụ ném bom của Mỹ vào Tokyo, nhưng khi cha em đánh thức em dậy trong bóng tối vào sáng sớm ngày 10/3, ông hét lên rằng cuộc tấn công này hoàn toàn khác biệt. Họ cần phải ra khỏi nhà và đến nơi trú ẩn dưới lòng đất ngay lập tức.

Sau đó, gia đình em đã đến nơi trú ẩn dưới lòng đất nhưng họ không thể ở lại lâu. “Chúng tôi đã chui vào bên trong. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng bước chân vội vã, giọng nói cất lên, những đứa trẻ thét lên tìm cha mẹ còn cha mẹ chúng thì hét lớn tên con cái”, Haruyo Nihei nói.

Chẳng mấy chốc, cha của Nihei bảo họ ra ngoài. “Bạn sẽ bị thiêu sống ở đây”, ông nghĩ lửa và khói sẽ dễ dàng phá hủy cánh cửa hầm. Nhưng khi ra bên ngoài, cảnh tượng kinh hoàng khó mà tưởng tượng được. Mọi thứ đều bốc cháy. “Các em bé bị bỏng khi đang ở trên lưng cha mẹ”. Động vật cũng bị thiêu cháy. Nihei nhớ lại cảnh một con ngựa kéo theo chiếc xe gỗ chở đầy hành lý. “Đột nhiên nó dang rộng 4 chân và không đi nữa. Sau đó hành lý bốc cháy, lan đến đuôi ngựa và ngọn lửa nuốt chửng con ngựa.

Trên bầu trời, các phi công B-29 cũng cảm nhận được tác động của gió và lửa. Ông Bowman dẫn lời Jim Wilde – một kỹ sư trên chiếc máy bay B-29 cho biết: “Mọi thứ bên dưới chúng tôi đỏ rực và khói ngay lập tức len vào mọi ngóc ngách trong máy bay".

Bigelow – phi công lái máy bay B-29 nhớ lại: “Chúng tôi đã tạo ra một địa ngục nằm ngoài sức tưởng tượng điên rồ nhất của Dante (Dante Alighieri - nhà thơ lớn người Italy thời Trung Cổ)". Ngay cả khi đã bay cách xa Tokyo 241km, họ vẫn thấy được ánh sáng phát ra từ đám cháy.

Tướng LeMay: “Giết hại người Nhật Bản không khiến tôi phiền lòng”

Trong số những người Nhật Bản bị thiệt mạng ngày 10/3, có 6 người bạn thân của Nihei. Họ đã chơi cùng nhau vào buổi chiều muộn hôm trước.

"Chúng tôi đã chơi bên ngoài cho đến lúc hoàng hôn. Chúng tôi đã chơi các trò chơi nhập vai chiến tranh. Mẹ tôi gọi bữa tối đã sẵn sàng và chúng tôi hứa sẽ gặp lại nhau vào ngày hôm sau”, Nihei nhớ lại.

Mùa hè năm 1945 thực sự là giai đoạn khó khăn đối với gia đỉnh Nihei. Em và gia đình - những người sống sót trong cuộc không kích ngày 10/3 đã phải chuyển từ nhà người họ hàng này đến nhà người họ hàng khác, hoặc đến nơi lưu trú tạm thời, sống trong tình trạng thiếu thốn lương thực.

Vụ không kích dù được coi là đẫm máu nhất trong lịch sử, nhưng không khiến Nhật Bản chịu quy hàng, trái lại nó chỉ khiến các lãnh đạo của Tokyo nổi giận.

“Chúng tôi rất giận dữ vì hành vi của Mỹ. Tôi cam kết với phần còn lại của 100 triệu người dân tại quốc gia này rằng chúng tôi sẽ đánh bại kẻ thù kiêu ngạo – những kẻ có hành vi không thể chấp nhận được trong mắt chúa trời và trong mắt loài người”,  ông Suzuki Kantaro – người sau đó trở thành Thủ tướng của Nhật Bản tuyên bố, theo một bài viết của Richard Sams trên tạp chí Châu Á-Thái Bình Dương.  

Tướng LeMay sau đó cũng phải thừa nhận sự tàn bạo của chiến dịch không kích. Nhưng ông nói: “Giết hại người Nhật Bản không khiến tôi phiền lòng nhiều vào thời điểm đó. Mà tôi cho rằng nếu tôi thua trong cuộc chiến này thì tôi sẽ bị xét xử như một tội phạm chiến tranh”.

LeMay sau đó được ca ngợi như một anh hùng, được trao nhiều huy chương và được thăng chức trở thành Tư lệnh Lực lượng không quân chiến lược Mỹ. Ông mất năm 1990 ở tuổi 84./.

Theo: VOV.VN

Tin cùng chuyên mục