V-League và niềm vui từ những khán đài

Vòng 9 V-League 2020 cuối tuần trước ghi nhận lượng khán giả vào sân trung bình 10.429 người mỗi trận, cao hơn bất kỳ vòng nào mùa trước.

Nguyên nhân khiến lượng khán giả từ chỗ 8.236 người mỗi trận ở vòng 8 tăng vọt tại vòng 9, đến từ những cặp đấu mà nghe tên thôi đã thấy hừng hực máu lửa. Trận derby xứ Nghệ là một ví dụ. Sau 28 năm, bóng đá Nghệ Tĩnh mới gặp nhau, và theo những diễn biến hiện nay, biết đâu đó lại là trận đấu duy nhất giữa họ ở mùa này nếu hai đội nằm ở hai nhóm khác nhau tại giai đoạn hai. Trận Nam Định - Quảng Nam có đến 18.000 CĐV xem "chung kết ngược"... tập 1. Trận Đà Nẵng - Hà Nội khiến sân Hòa Xuân không còn chỗ trống với 15.000 người đến sân để tìm lời giải cho câu hỏi: ai phải cứu ai, giữa hai đội được cho "cùng nhà". Còn ở sân Gò Đậu, Bình Dương và HAGL chơi trận "phân hạng", vì đội thắng sẽ chắc chỗ trong top 8 tranh vô địch. Khán giả, vì thế, tới sân nhiều gấp đôi trận Bình Dương - Hà Nội ở vòng 6.

Sự sôi động này xuất phát từ một quy định rất quan trọng, mà vào giờ chót, những nhà tổ chức đã đưa vào điều lệ của thể thức thi đấu mới sau dịch Covid-19. Đó là các kết quả của giai đoạn một sẽ giữ nguyên khi sang giai đoạn hai. Điều này có tác dụng rất mạnh. Ví dụ, với Nam Định và Quảng Nam, xét về thành tích hiện tại, cả hai đều không có cơ hội để vào top 8. Nhưng họ cũng chẳng được phép đá lỏng chân dưỡng quân, chờ sang giai đoạn hai mới bung sức đá "xanh chín". Đơn giản, đối thủ của họ hôm nay cũng chính là đối thủ sắp đến. Chiến thắng của Nam Định chỉ có kết quả tối thiểu 1-0 nhưng họ đạt hiệu quả tối đa trong "trận cầu sáu điểm".

Câu chuyện tương tự có thể diễn ra giữa hai đội bóng xứ Nghệ, đây chính là nguyên nhân mà HLV Phạm Minh Đức nổi nóng với các học trò. Nếu ở các mùa giải bình thường, một điểm trên sân Vinh ở lượt đi không quá tệ với Hà Tĩnh. Nhưng nếu SLNA chính là đội sẽ đua tranh trụ hạng ở giai đoạn hai, thì ghi bàn trước mà bị gỡ hòa tức là đã mất đến năm điểm, chứ không chỉ hai như thông thường. Tính quyết liệt của những trận đấu vì thế được nhân đôi, và "chung kết ngược", cụm từ vốn chỉ xuất hiện ở cuối mùa bóng mọi năm - năm nay được dùng ngay ở giai đoạn một.

Đó cũng là lý do khiến ban huấn luyện Sài Gòn FC vui tưng bừng sau trận thắng Thanh Hóa - đội bóng mà về lý thuyết là yếu hơn nên chiến thắng cũng là bình thường. Nhưng những đội như Thanh Hóa, có thể sẽ phải rơi vào nhóm sáu đội đứng cuối, như vậy, Sài Gòn FC sẽ không gặp lại trong giai đoạn hai. Nên nếu bây giờ không thắng, thì không còn cơ hội để lấy điểm nữa. Những trận đấu với đội yếu, hóa ra lại quan trọng hơn.

Chiến thắng trước các đội nhiều khả năng đứng trong nhóm sáu đội xếp cuối như Thanh Hóa giúp Sài Gòn có lợi thế lớn khi vào đua tranh vô địch. Ảnh: Đức Đồng.

Chiến thắng trước các đội nhiều khả năng đứng trong nhóm sáu đội xếp cuối như Thanh Hóa giúp Sài Gòn có lợi thế lớn khi vào đua tranh vô địch. Ảnh: Đức Đồng.

Sài Gòn từng thắng Hà Nội FC và TP HCM, nhưng do có thể gặp nhau ở giai đoạn hai, khả năng thua lại hai đối thủ là bình thường và tổng điểm vì thế có thể bị "mất" đi. Trong khi đó, các chiến thắng trước Thanh Hóa, hay sắp đến là những trận đấu với Nam Định (vòng 10) và Quảng Nam (vòng 11), có giá trị rất cao. Ba điểm trước những đội bóng này sẽ là những điểm số "trọn vẹn", không sợ bị mất đi trong tổng điểm cuối mùa do Sài Gòn FC có thể không gặp lại họ.

Trong bất kỳ cuộc đua vô địch nào, những điểm số trước các đội yếu vẫn có ý nghĩa hơn so với các trận "đại chiến". Mà bây giờ, đội bóng của Chủ tịch kiêm HLV Vũ Tiến Thành đang trên đường trở thành ứng viên sáng giá. Chiến thắng của Thanh Hóa là ba điểm trọn vẹn đầu tiên trên sân nhà của họ, là trận đầu tiên Sài Gòn FC ghi quá hai bàn mà vẫn sạch lưới. Với 19 điểm, chắc chắn Sài Gòn đã có mặt ở top 8 vào tranh vô địch ở giai đoạn hai. Bởi vậy nếu ông Vũ Tiến Thành mạnh miệng tuyên bố bất kỳ điều gì cũng là dễ hiểu.

Những đội như Sài Gòn FC hay TP HCM hiện nay có thể vừa đá, vừa tính toán. Nhưng Hà Nội FC chẳng thể làm gì khác. Trận đấu tại Hòa Xuân trước Đà Nẵng là ví dụ của trạng thái "tiến thoái lưỡng nam" của ĐKVĐ. Đây là trận thứ ba liên tiếp, thầy trò Chu Đình Nghiêm không thắng, nhưng là trận đấu đánh dấu sự tiến bộ nhất định. Họ cầm bóng ngang đối phương nhưng sút cầu môn nhiều hơn, tấn công nhiều hơn. Sự xuất hiện của Quang Hải ở hiệp hai cho thấy Hà Nội rất thèm một chiến thắng lúc này, nhưng rốt cục cơ hội lớn nhất để có trọn ba điểm lại thuộc về Đà Nẵng. Vấn đề lớn nhất mà Hà Nội vẫn không giải quyết được là năng lực ghi bàn. 13 bàn qua chín vòng là thành tích tệ nhất của Hà Nội kể từ năm 2015. Nếu không kịp cải thiện, có khi Hà Nội sẽ có giai đoạn một kém nhất trong vòng 10 năm qua, sau mùa đầu tiên đá V-League 2009.

Khán giả có thể nghi ngờ quan hệ giữa Đà Nẵng và Hà Nội, nhưng ở tình thế hiện nay, việc chia điểm với tỷ số 1-1 không tốt cho cả hai. Cả Đà Nẵng lẫn Hà Nội đều có khả năng rơi vào nhóm sáu đội đứng cuối, cùng với hai đội bóng được cho là "anh-em" Quảng Nam và Hà Tĩnh. Hơn nữa, một trận hòa như thế này chẳng có ích gì kể cả khi lọt vào top 8. Khoảng cách giữa Hà Nội và Sài Gòn đã tăng lên bảy điểm, nếu để tăng lên trên 10 điểm ở cuối giai đoạn một thì dù vào top 8, Hà Nội cũng khó bảo vệ ngôi vô địch do quy định về việc giữ nguyên kết quả của giai đoạn một.

Hà Nội đang ở tình thế nhiều rủi ro hơn cả, vì có thể bị đẩy xuống nhóm sáu đội xếp cuối tranh trụ hạng ở giai đoạn hai. Ảnh: Minh Huy.

Hà Nội đang ở tình thế nhiều rủi ro hơn cả, vì có thể bị đẩy xuống nhóm sáu đội xếp cuối tranh trụ hạng ở giai đoạn hai. Ảnh: Minh Huy.

Đây sẽ là điều vô cùng đáng tiếc, và cũng là điều đáng chờ đợi ở bốn vòng còn lại của giai đoạn một. Chỉ cách nhau một điểm trước bốn vòng đấu cuối, nên nếu Hà Nội (12 điểm) không vào top 8, trong khi HAGL (13 điểm) lại có một suất, thanh danh của nhà vô địch sẽ khó tránh bị hoen ố.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục