Viettel: Khi cờ đến tay

Trận derby thủ đô hôm nay là cơ hội tuyệt vời để Viettel tiến chiếm ngôi báu và lật đổ sự thống trị của Hà Nội FC ở V-League.

 

Năm 1998, tiền vệ Vũ Minh Hiếu từng công khai chỉ trích cố HLV Alfred Rield, cho rằng ông quá ưu ái các cầu thủ Thể Công ở đội tuyển Việt Nam, gây ra mất đoàn kết nội bộ. Sự thẳng thắn ấy đã trả giá đắt, ông Riedl buộc phải loại một trong những nhà tổ chức lối chơi hay nhất bóng đá Việt Nam khỏi đội tuyển dự Tiger Cup 1998. Câu chuyện đó cũng đủ nói lên cuộc "đối đầu" không khoan nhượng trong làng cầu Hà Nội một thời, giữa Công an Hà Nội và Thể Công. Những trận đấu giữa họ khi đó được xem là trận derby lớn nhất Việt Nam, dù về lý thuyết, Thể Công không phải là đại diện cho làng cầu Hà Nội khi đa số cầu thủ của họ đến từ các địa phương lân cận, còn CAHN gần như "100% trai Hà Thành".

Viettel đang có cơ hội lớn để lần đầu xưng vương ở V-League. Ảnh: Đức Đồng

Viettel đang đứng trước cơ hội lớn để lần đầu xưng vương ở V-League. Ảnh: Đức Đồng.

Cuộc đấu Hà Nội FC - Viettel bây giờ có chất "derby Thủ đô" nhiều hơn do cùng có cơ sở đào tạo, tuyển sinh và trụ sở đặt tại Hà Nội. Dù được xem là "hậu duệ Thể Công", Viettel hiện tại không liên quan đến Đoàn công tác thể thao Quân Đội (Thể Công) sau quyết định của Bộ quốc phòng giải thể đội bóng này năm 2009. Lúc đó, đội một Thể Công được chuyển giao cho Thanh Hóa, tức tiền thân của CLB Thanh Hóa hiện nay. Còn đội trẻ được bàn giao cho Hà Nội T&T và bây giờ, chính là Sài Gòn FC. Còn Viettel hiện nay được phát triển từ Trung tâm Bóng đá Viettel thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Tuy nhiên, trung tâm này có sự đóng góp rất nhiều của các cựu cầu thủ Thể Công. Vì thế, vẫn có thể nói rằng, Thể Công không còn nhưng nguồn cảm hứng từ truyền thống của đội bóng giàu thành tích nhất Việt Nam vẫn chảy trong lòng Viettel hiện tại.

Làm sao có thể khác được khi nhìn vào băng ghế huấn luyện, thấy những "người cũ" như Trương Việt Hoàng, Đỗ Mạnh Dũng hay Nguyễn Hải Biên. Năm ngoái, khi mới thăng hạng, Viettel đã muốn thoát khỏi gánh nặng của quá khứ khi tuyển mộ cầu thủ ngoại và một ban huấn luyện nước ngoài. Nhưng khi mọi thứ không đi đúng hướng, chính "người cũ" lại đang đưa đội bóng đi về quỹ đạo cần thiết. Bởi hơn ai hết, các cựu cầu thủ Thể Công ngày xưa hẳn vẫn còn đau đáu thời vinh quang, với chức vô địch lần cuối cùng của Thể Công năm 1998. Khát khao đó chính là yếu tố giúp Viettel có thể tạo ra sự cân bằng một cách sòng phẳng với Hà Nội FC. Bởi đến giờ, Hà Nội FC mới giành 5 chức vô địch quốc gia, chưa thể vượt qua thành tích của Thể Công. Đánh bại Hà Nội, Viettel không chỉ tiến gần đến chức vô địch đầu tiên của một cái tên mới, mà còn ngăn Hà Nội không thể che mờ cái bóng lồng lộng của đội bóng áo lính ngày xưa.

Đấy là thứ phẩm chất mà Hà Nội FC không thể vượt Viettel. Bầu Đức từng nói "Một ông mập mà đánh với năm ông ốm thì cũng thua", điều đó không hẳn sai. Nhưng Viettel cũng cho thấy họ vẫn có cách để làm điều đó. Như ở giai đoạn I, Viettel có thể thua Bình Dương hay Thanh Hóa, nhưng khi đối đầu các đội bóng được cho là "của bầu Hiển", họ bất bại. Nghĩa là, thay vì để các đội bóng ấy "xa luân chiến" phá sức mình, họ chọn cách đối đầu trực diện, phá sức ngược lại. Họ thực hiện điều đó một cách thành công, để sang giai đoạn II, khi số đội bóng trong nhóm ấy giảm đi gần phân nữa, Viettel lại càng có cơ hội nhiều hơn. Chuyển khao khát vô địch thành từng hành động cụ thể, thực hiện nó một cách quyết liệt nhất rõ ràng vẫn tốt hơn là cứ ngồi đó mà than thở "đánh không lại" hay "đá cho vui".

Người đang dẫn dắt Viettel là HLV Trương Việt Hoàng, vốn đã rút ra được bài học từ cú hụt chân khi ông còn cầm quân ở Hải Phòng mùa 2016. Năm đó, Hải Phòng đứng đầu bảng đến 20 vòng, nhưng chỉ về nhì dù bằng điểm Hà Nội T&T. Trong sáu trận thua của Hải Phòng mùa đó, có đến năm trận diễn ra trước các đội bóng được cho là "của bầu Hiển", và hòa năm trận thì có đến hai trận thuộc nhóm này. Như vậy là Hải Phòng bị "quây" và phá sức rất nhiều, nên càng đá càng yếu.

Diễn biến của Viettel mùa này hoàn toàn ngược lại. Họ tập trung vào các trận đấu "không được để thua" với nhóm các đội nói trên và sang đến giai đoạn II thì bắt đầu đá thực dụng. Ba vòng gần nhất, Viettel chỉ thắng 1-0, thậm chí không trận nào sút cầu môn nhiều hơn đối phương. Đấy có thể là cách đá tiết kiệm sức và cũng để bảo đảm sự ổn định về lực lượng. Đây là lối chơi từng đem lại thành công cho Sài Gòn FC ở giai đoạn I, giờ Viettel triệt để sử dụng để hoàn thành khát vọng. Với tiềm lực của Viettel hiện tại, để thắng tưng bừng thì không thể trận nào cũng như nhau, nhưng để "đá không thua" và thắng 1-0 thì có vẻ nằm trong tầm tay.

Đấy là cách duy nhất hiện nay để lật đổ ngôi vương của Hà Nội FC. Bản lĩnh, sự đầy đặn về đội hình, sự hỗ trợ (nếu có) từ các "đồng minh" khiến cho đội bóng của HLV Chu Đình Nghiêm có thể vươn lên vị trí dẫn đầu bất kỳ lúc nào. Nhưng vẫn có một thứ mà Hà Nội không thể tự quyết định, đó là chiến thắng ở các trận đối đầu trực tiếp như với Viettel hôm nay. Trong 90 phút cụ thể như thế này, Viettel sẽ chẳng ngán ngại gì cả. Họ thừa khát vọng, biết sẽ được gì nếu chiến thắng, vấn đề còn lại của họ là hãy giữ cho cái đầu thật lạnh. Đã đến lúc, Viettel cần tự xem mình là "hậu duệ của Thể Công" để chiến đấu cho niềm tự hào ấy.

Tất nhiên, nếu Hà Nội khuất phục được Viettel trận này, họ chẳng cần ai phải đưa vương miện cho mình, cứ thế mà lừng lững đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục