Chuyển biến trong công tác bình đẳng giới ở Bằng Cốc

Xã Bằng Cốc (Hàm Yên) là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Cao Lan… Trước đây, ở xã có những tập tục, quan niệm lạc hậu khiến người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi. Sau khi chị em được tuyên truyền, khuyến khích tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao..., công tác bình đẳng giới trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực.

 


Chị Đặng Thị Son, thôn Cọ Sẻ, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) cùng chồng chăm sóc vườn chè của gia đình.

Chị Ngô Thị Hồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” khiến cuộc sống người phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất vất vả. Trước đây người Dao, người Cao Lan tồn tại quan niệm “Vợ phải phục vụ chồng”, nghĩa là người phụ nữ phải gánh vác mọi việc trong gia đình. Từ việc nuôi dạy con cái, việc nhà, việc đồng áng, kiếm tiền đều tự tay người vợ, người mẹ chịu trách nhiệm. Còn người đàn ông được thoải mái làm những việc mình thích, không gò ép nên họ thường ở nhà, đi chơi, tụ tập uống rượu…

Để xóa bỏ tư tưởng, quan niệm lạc hậu đó, Hội Phụ nữ xã đã thực hiện công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức người dân bằng nhiều hình thức. Bao gồm tuyên truyền lồng ghép qua các cuộc họp thôn, bản; thành lập câu lạc bộ; vận động chị em tham gia hoạt động xã hội. Năm 2013, Hội đã thành lập “Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình bình đẳng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” thu hút nhiều thành viên tham gia, trong đó có cả nam giới. Các câu lạc bộ thường xuyên tổ chức sinh hoạt tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình… Qua đó, giúp các cặp vợ chồng biết được vị trí, vai trò cũng như quyền, nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, quan niệm “Vợ phải phục vụ chồng” dần được xóa bỏ. 

Chị Nguyễn Thị Son, thôn Cọ Sẻ nói, thời gian trước chị thường một mình làm mọi việc trong nhà. Sau thời gian được cán bộ Hội tuyên truyền, tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, chồng chị đã chia sẻ công việc nhà với chị, như: Khi vợ nấu cơm, chồng cho lợn, gà ăn; cả hai cùng chăm sóc, nuôi dạy các con... 

Nhờ thay đổi quan niệm, người phụ nữ có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, điển hình là phong trào văn nghệ, thể thao ở cơ sở. Từ đó, phong trào văn nghệ tại các thôn, bản diễn ra sôi nổi. Hiện nay, toàn xã có 12 đội văn nghệ, mỗi năm, các đoàn thể xã tổ chức được 6 - 8 hội diễn, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Bên cạnh đó, các hoạt động thể thao được tổ chức hiệu quả, với các bộ môn như: Bóng chuyền hơi, bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co... Trong đó, môn bóng chuyên hơi có sự tham gia của vận động viên nam và nữ nên nhiều gia đình có cả 2 vợ chồng cùng tập luyện, thi đấu, tạo sự gắn bó, đoàn kết. 

Chị Triệu Thị Thanh, thôn 2 Hợp Hòa chia sẻ, cả hai vợ chồng chị cùng tham gia tập luyện môn bóng chuyền hơi. Những lúc bận rộn công việc nhà, anh lại giúp đỡ chị để hai vợ chồng cùng có thời gian tập luyện thể thao. Qua đó, anh chị không chỉ được rèn luyện sức khỏe, mà còn được giao lưu, mở mang thêm nhiều kiến thức mới.

Nhờ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đời sống người dân trên địa bàn xã được nâng lên. Toàn xã hiện có 92 mô hình kinh tế thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Đến nay, tất cả 9 thôn, bản của xã đều có nhà văn hóa với khuôn viên rộng rãi, phù hợp với việc sinh hoạt và giao lưu văn hóa, văn nghệ. Hàng năm, xã có gần 90% số hộ đạt Gia đình văn hóa.     

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục