Chuyện những người hiến đất

Thời buổi “tấc đất là tấc vàng”, nhưng nhiều người vẫn không ngần ngại hiến đất của mình để xây dựng những công trình phúc lợi. Dường như khi họ hiến tấc vàng chỉ có một suy nghĩ: Vì lợi ích chung của cả cộng đồng.

 

Những người vì cộng đồng

Câu chuyện của ông  Nông Đình Đệ, 71 tuổi, dân tộc Tày ở bản Nà Luộc, xã Phù Lưu (Hàm Yên) 2 lần hiến đất xây nhà văn hóa đã truyền cảm hứng cho cộng đồng trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới.

Ông  Đệ bảo, người Tày bản Nà Luộc này coi trọng nhà sinh hoạt cộng đồng lắm nhưng trước đây vì cuộc sống khó khăn, người Tày Nà Luộc chưa làm được, hội họp lại phải nhờ nhà trưởng bản. Năm 2000, tỉnh có chủ trương xây dựng nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng, ông Đệ đồng ý liền và vận động bà con trong bản chung tay xây dựng, riêng ông xung phong hiến đất. Nhớ lại thời điểm đó, ông Đệ kể, nhà văn hóa với diện tích hơn 300 m2 được dựng lên bà con dân bản mừng lắm, hội họp, văn hóa, văn nghệ tưng bừng bản thân  ông thấy vui thật. Xã hội phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân đi lên, nhà văn hóa cũ không còn phù hợp. Một lần nữa ông Đệ xung phong hiến đất ở điểm khác để xây dựng nhà văn hóa mới rộng rãi hơn đảm bảo đủ tiêu chuẩn cả khuôn viên và sân thể thao. Ông Đệ chia sẻ, được đóng góp với cộng đồng là niềm vinh dự, tự hào, còn sức, còn cống hiến.


Nhà văn hóa thôn Nà Luộc, xã Phù Lưu (Hàm Yên) được xây dựng với sự đóng góp của người dân.

Anh Nông Văn Đoàn, là cháu và cũng Trưởng bản Nà Luộc bảo rằng, không chỉ con cháu trong gia tộc, cả cộng đồng người Tày bản Nà Luộc này cảm kích tấm lòng của ông Đệ. Giờ đây nhà văn hóa mới đã đi vào sử dụng, trở thành điểm đến của cộng đồng Nà Luộc.

Dẫn chúng tôi tham quan nhà văn hóa của cộng đồng người Cao Lan thôn 19, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang), Trưởng thôn Vi Văn Mậu, khẳng định, đây là nhà văn hóa có diện tích lớn nhất xã với hơn 2.000 m2 bao gồm cả khuôn viên và sân thể thao. Đây là tài sản của 6 hộ dân hiến tặng, trong đó hiến nhiều nhất là ông Lê Đức Thọ đã hiến hơn 500 m2.

Trưởng thôn Mậu kể, năm 2016, tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa theo chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên cả thôn tìm đâu cũng không đủ diện tích để xây dựng. Thôn đã thông tin rộng rãi và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con. Ông Lê Đức Thọ ngày đó đang làm cán bộ xã đã xung phong hiến toàn bộ diện tích đất trồng mía. Trưởng thôn Mậu bảo, việc tốt của ông Thọ lan tỏa nhanh lắm, 5 hộ khác trong thôn có đất liền kề với ông Thọ đồng tình ủng hộ mà không đong đếm gì. Thời điểm có quyết định xây dựng nhà văn hóa, mía của của bà con đang tươi tốt, song các gia đình đã đồng tâm nhất trí đốn chặt, thu dọn sạch sẽ mặt bằng để công trình được khởi công đúng tiến độ.

Ông Vi Thanh Bình, một trong những hộ hiến đất xây nhà văn hóa thôn 19, xã Kim Phú chia sẻ, không riêng gì cá nhân ông, cả xóm đều mong mỏi có được nhà văn hóa nên khi có cơ hội ông hưởng ứng ngay. Ông Bình bảo, ông rất vui khi sự đóng góp của mình có ích cho cộng đồng.

Nơi lòng dân quy tụ

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn  hóa  - Thể thao và Du lịch khẳng định, những tấm lòng thơm thảo, việc tốt của các ông như: ông Đệ, ông Thọ, ông Bình... giúp tỉnh hoàn thiện thiết chế văn hóa ở cơ sở cả về chiều rộng và chiều sâu. Thống kê chưa đầy đủ từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 550 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên được xây dựng mới, nâng tổng số nhà văn hóa đạt chuẩn. Nhà văn hóa được xây dựng trở thành ngôi nhà chung, nơi sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu, là sợi dây gắn kết cộng đồng dân cư từ nông thôn đến thành thị và hơn hết ở đó lòng dân được quy tụ.

Chưa đầy 3 tháng kể từ khi nhà văn hóa bản Nà Luộc, xã Phù Lưu (Hàm Yên) khánh thành đi vào hoạt động, đã trở thành “điểm đến”, nhiều người dân trong thôn. Theo Trưởng bản Nông Văn Đoàn, ban ngày bà con đi làm cả nhưng cuối chiều nhà văn hóa như có hội, các hoạt động thể dục thể thao diễn ra sôi nổi. Chưa kể những kỳ, cuộc hội họp đông đảo bà con đều quy tụ về nhà văn hóa để cùng bàn bạc, thống nhất. Trưởng bản Đoàn khẳng định, nhà văn hóa giờ đã là ngôi nhà chung, nơi gắn kết của cả cộng đồng người Tày Nà Luộc.

Cũng như nhà văn hóa Nà Luộc, nhà văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) được cộng đồng người Tày nơi đây ví như “trung tâm tổ chức sự kiện”. Không riêng họp thôn, các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; hoạt động văn hóa, văn nghệ; thể dục thể thao, nhà văn hóa còn là nơi đón tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các địa phương về thăm Tân Trào. Ông Hoàng Ngọc - một người dân trong thôn bảo rằng, thời ông khổ lắm, làm gì có nơi vui chơi, nay bọn trẻ chiều đến nô nức chơi bóng chuyền, tập luyện các môn thể thao truyền thống để thi đấu trong ngày hội Lồng tông tổ chức đầu xuân mới.

Sự chung tay góp sức của cộng đồng dân cư, hệ thống nhà văn hóa ở từng thôn, xóm, bản, tổ dân phố đã dần được hoàn thiện, giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Và cũng từ đó, gắn kết thêm tình làng, nghĩa xóm, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục