Hàm Yên giữ gìn văn hóa truyền thống

Huyện Hàm Yên có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có phong tục, tập quán riêng, tạo thành bức tranh đa sắc màu. Nhiều năm qua, sự giao thoa giữa các nền văn hóa diễn ra mạnh mẽ, song huyện luôn khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc trên địa bàn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

 

Ở xã Thành Long ai cũng biết ông Trần Văn Thanh, dân tộc Cao Lan, thôn Đoàn Kết 2 là người có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc Cao Lan. Hiện ông Thanh đang giữ hơn 100 quyển sách cổ của người Cao Lan như sách hát Sình ca, cúng hương hỏa, cầu mùa, cầu mưa… Ông Thanh chia sẻ, với ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, ông đã lưu giữ những sách cổ, hướng dẫn làm các nghi lễ cấp sắc, lễ cầu mùa của người Cao Lan. Ông đã thực hiện nhiều lễ cấp sắc cho nam thanh niên trong và ngoài thôn, truyền dạy cho nhiều người cách đọc, cách viết, thực hành nghi lễ truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, ông còn truyền dạy cho thế hệ trẻ các điệu múa, hát truyền thống của dân tộc như hát Sình ca, lễ Nối dây tơ hồng, lễ cầu mùa. Đến nay, ông đã dạy cho 30 học trò về văn hóa truyền thống của người Cao Lan.


 Ông Trần Văn Thanh, thôn Đoàn Kết 2, xã Thành Long (Hàm Yên) hướng dẫn người dân trong thôn bài múa Nối dây tơ hồng.

Bản sắc văn hóa dân tộc còn thể hiện đậm nét thông qua ngôn ngữ, tiếng nói. Năm 2015, Câu lạc bộ (CLB) sử dụng tiếng Mông thôn Cao Đường, xã Yên Thuận được thành lập, thu hút 20 thành viên là người dân tộc Mông, Tày, Dao, Nùng, Kinh tham gia. Sau những ngày lao động vất vả, các thành viên của CLB cùng tập trung tại nhà văn hóa thôn hay tại nhà của một thành viên để sinh hoạt. Anh Đặng Văn Sặn, Chủ nhiệm CLB cho biết, CLB sử dụng tiếng Mông được thành lập giúp các thành viên không chỉ là người dân tộc Mông mà còn các dân tộc khác cùng sinh sống trong thôn được tìm hiểu, trau dồi, bổ sung thêm vốn từ, hiểu hơn về phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc Mông. 

Đến với thôn Khau Làng, xã Yên Thuận vào những lúc nông nhàn không khó để bắt gặp hình ảnh người phụ nữ cần mẫn bên khung cửi dệt vải. Trong thời buổi quần áo may sẵn được bày bán tràn ngập trên thị trường nhưng người phụ nữ Khau Làng vẫn gìn giữ nghề dệt vải truyền thống của dân tộc. Bà Triệu Thị Hiệp, thôn Khau Làng bày tỏ, hiện nay, nhiều phụ nữ Dao trong thôn, trong xã không còn mặc trang phục truyền thống nên nghề dệt cũng dần mai một. Nhưng bà luôn tâm niệm, giữ nghề dệt là giữ gìn nét văn hóa truyền thống. Vì vậy, mỗi dịp nông nhàn, bà cùng 15 người dệt lâu năm trong thôn truyền dạy cho con, cháu nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Trong những buổi dạy đó, bà còn dạy con, cháu ý nghĩa của mỗi hoa văn trên trang phục truyền thống của người dân tộc Dao.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Hàm Yên, hiện nay, một số nét văn hóa truyền thống như tiếng nói, chữ viết, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đang dần bị mai một. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số, huyện tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 16 câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và 396 tổ, đội văn nghệ cơ sở. Đồng thời, huyện khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy và giới thiệu phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống dân tộc đến công chúng.    

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục