Hàm Yên nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” huyện Hàm Yên đã chủ động rà soát, phân loại đối tượng đào tạo. Từ đó có hình thức đào tạo nghề phù hợp, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại thu nhập ổn định cho người lao động.

 

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 54,3%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 35,5%. Kế hoạch năm 2020, trên địa bàn sẽ mở 10 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với 350 học viên. Đến nay đã mở được 6 lớp cho 210 học viên. Ngoài các lớp đào tạo chuyên sâu còn các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật được mở tại các xã, thị trấn. 


Được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cá, anh Nguyễn Văn Bình (bên trái), thôn Ba Luồng,
xã Thái Hòa (Hàm Yên) đầu tư lồng bè nuôi cá chiên.

Với lợi thế có dòng sông Lô chảy qua địa bàn, nhiều năm trước người dân xã Thái Hòa đã biết tận dụng lòng sông để nuôi cá lồng mang lại nguồn thu nhập ổn định. Nắm bắt được nguyện vọng của nhân dân muốn phát triển chăn nuôi với các loại cá đặc sản, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp đào tạo nghề nuôi cá chiên đặc sản trong lồng bè trên sông tại xã. Ông Nguyễn Văn Bình, thôn Ba Luồng nói, sau khi được tham gia lớp học nghề, bản thân ông đã cải tạo và nhân rộng được 10 lồng nuôi cá chiên. Ông cũng tập hợp một số hộ dân tâm huyết thành lập “Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa”. Nhờ được học nghề, nắm vững kiến thức mà hiện nay các thành viên Hợp tác xã đều có thu nhập ổn định mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Việc tổ chức các lớp học nghề theo nhu cầu đã giúp nhiều lao động gải quyết được khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế hiệu quả. Anh Nguyễn Anh Tuấn, thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu có 3 ha cam. Sau khi tham gia lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp do UBND xã phối hợp tổ chức, anh đã có thể tự sửa được máy móc của gia đình. Công việc thuận lợi, hàng năm nhờ cây cam gia đình anh cũng thu được 400 triệu đồng, cuộc sống khấm khá hơn nhiều so với trước.

Điểm nổi bật trong công tác đào tạo nghề ở huyện đó chính là định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức; đào tạo nghề theo nhu cầu của người học gắn với những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; thực hiện mô hình dạy nghề lưu động cho nông dân, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Theo hợp đồng ký giữa Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, việc tổ chức các lớp học nghề sẽ theo yêu cầu của người dân, đảm bảo số học viên có thể tham gia đầy đủ nhất. Chính vì sự thiết thực trong dạy nghề mà đến nay trên địa bàn huyện có khoảng 95% lao động ở nông thôn sau học nghề đã có việc làm.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục