Hàm Yên quyết liệt xóa bỏ các lò gạch thủ công

Những bãi đất trước đây là các lò gạch thủ công nghi ngút khói nay đã được san gạt bằng phẳng để trồng thanh long, trồng bưởi. Những chiếc xe đẩy, thang bắc lên lò nay đã được xếp vào một góc. Nhiều lò gạch thủ công tuy chưa được tháo dỡ xong cũng đã bỏ không. Đó là những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được khi đến các xã Thái Sơn, Bình Xa, những địa bàn tập trung nhiều lò gạch thủ công nhất của huyện Hàm Yên.

 


Những lò gạch bị dỡ bỏ.

Thực hiện Quyết định số 398/QĐ - UBND ngày 21-10-2013 của UBND tỉnh về kế hoạch lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh, đến ngày 31-3-2020, huyện Hàm Yên sẽ xóa bỏ xong tất cả các lò gạch thủ công trên địa bàn.

Hiện nay, đi đôi với công tác tuyên truyền, vận động, huyện đang quyết liệt thực hiện các biện pháp để yêu cầu các chủ lò tiến hành tự tháo dỡ và hoàn thổ các khu vực đã sản xuất, thậm chí dùng biện pháp cưỡng chế đối với các hộ không chấp hành.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách của Nhà nước mà các chủ lò gạch thủ công ở hai xã Thái Sơn và Bình Xa đều đồng thuận với chủ trương xóa bỏ. Nhiều chủ lò đã tự tháo dỡ từ tháng 6-2019.

Ông Trần Văn Nam, Trưởng thôn An Lâm, xã Thái Sơn là người đầu tiên trong thôn tự tháo dỡ 2 lò gạch của gia đình để từ đó vận động các hộ lân cận làm theo. Ông Nam kể, nhà ông nhiều đời làm nghề sản xuất gạch thủ công. Các con ông cũng tham gia làm cùng ông. Mỗi tháng trừ chi phí, gia đình cũng thu nhập ngót nghét 20 triệu đồng. Ông và vợ đều trên 50 tuổi, tuy chưa hết tuổi lao động nhưng đi làm công nhân cũng không nơi nào nhận vì tuổi cao. Khi chính quyền địa phương có chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, tuy rất hụt hẫng vì chưa biết xoay sở sang làm nghề gì nhưng ông vẫn gương mẫu thực hiện.


Diện tích đất của gia đình anh Trần Văn Hảo, thôn An Lâm, xã Thái Sơn trước đây là lò gạch thủ công nay đã hiện hữu những gốc cây thanh long.

Từ nhiều tháng trước khi tự tháo dỡ, ông đã không nhập các nguyên liệu về để sản xuất. Ông vận động các con ông đi làm công nhân tại một số nhà máy trong tỉnh. Số tiền huyện hỗ trợ để tháo dỡ không đủ để ông trang trải (5 triệu đồng/lò cho chủ lò tự tháo dỡ), ông đầu tư thêm để thuê máy ủi, san gạt đất, chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và chè. Những gốc bưởi, cam, gốc chè tuy vừa mới trồng nhưng cũng lên xanh tốt. Ông còn đầu tư chăn nuôi gia cầm và trâu sinh sản. Ông bảo, tuy thời gian đầu loay hoay nhưng mình vẫn phải nghiêm túc thực hiện chính sách của Nhà nước. Liền kề với nhà ông, anh Trần Văn Hảo trước đây có 2 lò gạch thủ công cũng vừa tự tháo dỡ để san gạt đất, chuyển sang trồng hơn 100 gốc thanh long.

Đến ngày 21-2-2020, xã Thái Sơn có 77 lò gạch thủ công, trong đó đã tháo dỡ 14 lò, ngừng hoạt động 8 lò, còn 55 lò đang hoạt động. Xã Bình Xa có 13 lò, trong đó đã tháo dỡ 9 lò, 3 lò đã ngừng hoạt động, chỉ còn 1 lò đang hoạt động.

Ông Hà Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Bình Xa cho biết, những chủ lò gạch thủ công đã chấp hành tốt chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công trước 31-3-2020. Có chủ lò đi làm công nhân, có người chuyển sang kinh doanh dịch vụ vận tải, trồng cỏ chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả, kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ.

Chúng tôi đến gặp ông Tạ Văn Tuyên, thôn Tân Bình 2, chủ của 2 lò gạch thủ công đã tự tháo dỡ từ tháng 6 - 2019. Ông Tuyên đang tất bật với việc chuẩn bị mở dịch vụ nhà nghỉ. Ông cho biết, chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công của chính quyền địa phương là đúng. Gia đình ông cũng đã chấp hành nghiêm quy định. Sau khi tự tháo dỡ 2 lò gạch của gia đình, ông Tuyên đã san gạt diện tích trước đây làm lò gạch để xây dựng nhà nghỉ, kiến thiết nơi đây thành khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, có rất nhiều cây xanh. Đi từ Thái Sơn đến Bình Xa chúng tôi cảm nhận rõ một cuộc sống mới xanh tươi hơn đang hiện hữu, thay thế cho những mảnh đất lồi lõm, nham nhở, ám mùi khói gạch không nung trước đây.


Diện tích đất trước đây từng sản xuất gạch thủ công của gia đình ông Tuyên nay chuẩn bị chuyển sang kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ.

Tính đến thời điểm 21-2-2020, toàn huyện Hàm Yên có 98 lò gạch thủ công tập trung ở các xã Thái Sơn, Bình Xa, Phù Lưu, Tân Thành, Yên Phú, Đức Ninh. Trong đó, đã tháo dỡ được 28 lò, ngừng hoạt động nhưng chưa tháo dỡ 14 lò và đang hoạt động 56 lò chủ yếu ở xã Thái Sơn. Xóa bỏ tất cả các lò gạch thủ công đến ngày 31-3-2020 là mục tiêu mà các ban, ngành, chính quyền hai xã Thái Sơn, Bình Xa đang quyết liệt thực hiện cho được.

Ngay từ cuối tháng 1 - 2020, huyện đã thành lập tổ công tác thực hiện việc xóa bỏ các lò gạch thủ công. Các thành viên trong tổ công tác thường xuyên phối hợp với chính quyền xã Thái Sơn, Bình Xa nắm tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân tự tháo dỡ và báo cáo về UBND huyện kết quả thực hiện. Tuy nhiên để thực hiện mục tiêu này, huyện cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân cả trước mắt và lâu dài để có cuộc sống ổn định sau dỡ bỏ các lò gạch.

Chị Nguyễn Thị Tâm, thôn An Lâm, xã Thái Sơn cho biết, hiện nay có 2 lò gạch vẫn đang hoạt động. Chị bảo, chị đã biết quy định và thời gian phải tháo dỡ, chấm dứt hoạt động của lò gạch nhưng chị chỉ mong chính quyền địa phương cho thời gian lui lại để gia đình chị sản xuất hết những nguyên liệu như đất sét, than, củi…. đã nhập về từ trong tết. Đồng thời có chính sách hỗ trợ tháo dỡ lò, san gạt mặt bằng để gia đình chị chuyển đổi nghề. Cùng ý kiến với chị Tâm, nhiều chủ lò gạch thủ công ở Thái Sơn cũng mong muốn như vậy.

Mang những trăn trở này đến Tổ công tác của huyện, ông Nguyễn Duy Phượng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, Tổ trưởng Tổ công tác của huyện cho biết, mới đây, UBND huyện đã mời các chủ lò gạch lên làm việc, lắng nghe và đều nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các chủ lò gạch. Về thời gian xóa bỏ tất cả các lò gạch thủ công vẫn là ngày 31-3-2020, không kéo dài thời gian.

Trong lúc tỉnh chưa ban hành chính sách hỗ trợ đối với các chủ lò gạch tự tháo dỡ, huyện đã trích ngân sách của huyện để hỗ trợ 5 triệu đồng/lò tháo dỡ. Đối với những chủ lò gạch cố tình nhập đất về để sản xuất, dù biết kế hoạch và lộ trình phải dừng hoạt động, huyện đang liên hệ với một số doanh nghiệp để mua lại lượng đất này của nhân dân. Đồng thời tiếp tục thực hiện việc cấm không cho các xe vận chuyển nguyên liệu đất để tiếp tục sản xuất. Khi cần thiết, huyện sẽ thành lập các chốt để ngăn chặn việc làm gạch mới, vận chuyển nguyên liệu sản xuất, xem xét việc không cung cấp điện phục vụ cho sản xuất gạch không nung đối với những hộ cố tình vi phạm.

Huyện tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề, tư vấn về xuất khẩu lao động, ưu tiên cho lao động tại địa bàn 2 xã Thái Sơn, Bình Xa. Huyện cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để cơ quan chức năng hướng dẫn các chủ lò gạch san lấp, hoàn thổ, trả lại hiện trạng đất để lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Như vậy, vừa tuyên truyền sâu rộng, vừa có biện pháp quyết liệt đi liền với các cơ chế, chính sách hỗ trợ trước mắt và lâu dài, huyện Hàm Yên chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu xóa bỏ tất cả các lò gạch thủ công trước ngày 31-3-2020.

 
 

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục