Người giữ hồn văn hóa Dao

Với đồng bào Dao ở thôn 5 Thuốc Hạ, xã Tân Thành (Hàm Yên), hình ảnh của nghệ nhân Phàn Văn Phú, dân tộc Dao, sinh năm 1971 đã trở nên thân thuộc, gắn bó với cuộc sống của họ. Mọi công to, việc lớn trong làng, từ Nghi lễ Cấp sắc cho thanh niên, cúng đặt tên, cúng cưới hỏi đều do ông đứng ra làm lễ. Không những vậy, ông còn giỏi thổi kèn Pí Lè, chơi nhạc cụ, thuộc và hát được nhiều bài hát Páo dung…

 

Người nghệ nhân đa tài


Nghệ nhân Phàn Văn Phú hướng dẫn
học trò thổi kèn Pí Lè.

Đến thôn 5 Thuốc Hạ, xã Tân Thành hỏi đám trẻ con trong làng về nghệ nhân Phàn Văn Phú, hầu như bé nào cũng biết và nhiệt tình chỉ đường cho chúng tôi. Thấy khách, ông Phú liền nở nụ cười cởi mở mời chúng tôi vào nhà. Nhấp ngụm chè xanh, ông Phú kể, ông sinh ra và lớn lên trên bản làng vùng cao Xín Mần (Hà Giang), năm 13 tuổi cả gia đình ông chuyển về xã Tân Thành (Hàm Yên) sinh sống. Ông nội ông vốn là một thầy cúng, thông thạo chữ Hán - Nôm nên ông đã sớm được ông nội dạy chữ Hán và tiếp xúc với những phong tục của người Dao qua những quyển sách do ông viết và những buổi cùng ông đi làm lễ. Hơn 10 tuổi, ông đã biết thực hiện các nghi lễ cúng của người Dao và đọc được sách của người Dao. 

Lấy cho chúng tôi xem những quyển sách đã ố vàng vì thời gian, ông cho biết, đây là những quyển sách về phong tục, văn hóa, nghi lễ thờ cúng của người Dao được ông nội ông truyền lại, nhưng chưa đầy đủ. Giờ ông đang viết lại vì sợ sách bị hỏng không đọc được, đồng thời bổ sung và viết những cuốn mới về những điều mà ông sưu tầm được sau này. Bên cạnh đó, những phong tục nào lạc hậu, ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa xã hội thì ông loại bỏ. Chỉ giữ lại những gì là “hồn cốt” văn hóa nhất của dân tộc Dao. Hiện ông còn giữ được gần 100 cuốn sách cổ về những nghi lễ trong cưới hỏi, đám tang, cầu mùa, lễ cúng tổ tiên, lễ Cấp sắc, những câu đối, câu chúc trong ngày Tết, ngày vui, và cả những bài hát truyền thống của người Dao...

Không chỉ là người am hiểu các nghi lễ thờ cúng, văn hóa Dao, ông còn hát Páo dung rất hay, giỏi chơi các loại nhạc cụ, đặc biệt là kèn Pí Lè. Nếu sự gắn bó với cây kèn của ông được truyền lại từ ông, cha thì tình yêu với những làn điệu dân ca của ông lại xuất phát từ những câu hát ru ngọt ngào của bà, của mẹ, của chị... Chưa đến 10 tuổi, ông đã sử dụng thành thạo chiếc kèn Pí Lè và hát được các điệu Páo dung. Ông bảo, kèn Pí Lè được người Dao coi như báu vật. Vào ngày lễ, ngày Tết, đối với người Dao có thể thiếu thịt, thiếu rượu nhưng không thể thiếu tiếng kèn Pí Lè. Học thổi khèn không khó, quan trọng là phải say mê và kiên trì. Muốn thổi ra âm thanh, người thổi phải dùng hai bàn tay giữ kèn; đồng thời, dùng các ngón tay điều khiển các lỗ hơi - các nốt nhạc. Hơi thổi vào kèn sẽ xuyên qua lưỡi gà phát ra âm thanh. Thổi ra hay hít vào sẽ tạo âm thanh trầm bổng khác nhau.

Tâm huyết truyền dạy

Am tường vốn quý văn hóa truyền thống nên ông Phú luôn trăn trở làm thế nào để gìn giữ, phát huy được các giá trị quý giá ấy. Với ông, dù xã hội có phát triển văn minh hiện đại bao nhiêu thì bản sắc văn hóa dân tộc luôn là niềm tự hào và mạch nguồn chảy mãi trong mọi thế hệ người Dao. Vì vậy, cứ khi nào có thời gian rảnh ông lại vận động các con, cháu, thanh niên trong làng, trong xã đến nhà để truyền dạy tiếng Dao, các nghi lễ thờ cúng, chữ cổ, thổi kèn Pí Lè hay khả năng ứng tác lời hay ý đẹp của làn điệu Páo dung…


Nghệ nhân Phàn Văn Phú truyền dạy chữ viết cổ cho thế hệ trẻ.

Vào những tối cuối tuần, những đợt lễ, Tết hay khi rảnh rỗi, sân nhà của ông Phú lại vang lên những câu hát trữ tình đằm thắm, mượt mà, tươi sáng của làn điệu Páo dung; tiếng du dương, trầm bổng của kèn Pí Lè; rộn ràng tiếng trống, tiếng chiêng, chọe… Thế nên, cũng chẳng có gì là lạ khi các chàng trai, cô gái người Dao ở đây đều biết hát Páo dung, thổi vài điệu kèn Pí Lè, sử dụng thành thạo tiếng Dao…

Anh Bàn Văn Cảnh, thôn Mỏ Nghiều, xã Tân Thành đã có 5 năm là học trò của ông Phú tâm sự, nhiều năm nay, cứ khi nào có thời gian rảnh, anh lại tới nhà ông Phú để học. Đến bây giờ, anh đã đọc thông, viết thạo chữ Hán - Nôm; được ông truyền dạy những lễ tục, bài cúng và các điệu múa, hát truyền thống của dân tộc Dao. Càng học anh càng thêm hiểu và tự hào về những truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của ông, nhiều người từ sự yêu thích, say mê đã ngày càng hát hay, múa giỏi. Đặc biệt, nhiều người đã trở thành hạt nhân văn nghệ ở cơ sở, thường xuyên đi giao lưu, tham gia các hội diễn, liên hoan trong và ngoài tỉnh. Chị Phàm Thị Máy là hạt nhân văn nghệ của thôn 5 Thuốc Hạ, xã Tân Thành nói, chị đã có gần 10 năm theo học hát Páo dung tại nhà nghệ nhân Phàn Văn Phú. Nhờ vậy, chị đã hát được nhiều bài Páo dung khó theo nhiều làn điệu khác nhau như: Hát giao duyên, hát ru, hát đồng dao... Chị còn thường xuyên tham gia các hội diễn văn nghệ của xã, của huyện tổ chức, giúp mọi người được thưởng thức và hiểu hơn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.

Năm 2016, nghệ nhân Phàn Văn Phú phối hợp với Phòng Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Hàm Yên tổ chức dạy lớp hát Páo dung và văn hóa Dao cho hơn 30 học viên là những người yêu thích văn hóa Dao. Ông còn thành lập một đội văn nghệ hát Páo dung xã Tân Thành thường xuyên biểu diễn và đạt nhiều giải cao trong các hội thi các cấp. Tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc năm 2017, đội văn nghệ tham gia biểu diễn và giành giải nhất với tiết mục “Cấp sắc người Dao”.

Say sưa tìm tòi, sưu tầm và phục dựng các lễ hội, phong tục của đồng bào Dao Đỏ, ngôi nhà của ông Phú luôn là nơi để những nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ văn hóa tới đây tụ họp, tìm hiểu, trao đổi với nhau những vốn văn hóa giàu bản sắc...  Đồng thời, còn là một địa chỉ tin cậy mà các cơ quan quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh tìm đến khi muốn nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.

Ông Tạ Đức Bằng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Hàm Yên cho biết, bên cạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy, ông Phú rất nhiệt tình tham gia các hoạt động bảo tồn dân ca các dân tộc tại địa phương. Nghệ nhân Phú là người trực tiếp sáng tạo, dàn dựng những làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền để đội văn nghệ của xã, huyện luôn có những tiết mục mang đậm tính nghệ thuật, gây được ấn tượng và giành được nhiều giải thưởng khi tham gia các hội diễn văn nghệ trong và ngoài tỉnh.

Với những nỗ lực và tâm huyết, nghệ nhân Phàn Văn Phú đã nhận được nhiều giấy khen của các cấp, các ngành vì đã có cống hiến trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Dao.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục