Sức vươn mảnh đất bên sông

Chỉ cách vài năm về trước lên Yên Thuận (Hàm Yên) phải mất cả buổi. Rồi từ trung tâm xã Yên Thuận lên thôn Cao Đường có khi mất cả ngày đường. Nhưng giờ đây lên Yên Thuận hay thôn khó khăn nhất của Yên Thuận dễ dàng hơn rất nhiều. Mảnh đất bên sông đang vươn mình nhờ sự lãnh đạo hiệu quả của Đảng bộ, nhờ tinh thần làm việc vì dân của người đứng đầu cấp ủy.

 


Mô hình trồng cam sành của đảng viên Lý Thị Niệm, thôn Cốc Phường, xã Yên Thuận (Hàm Yên).

Hạ tầng khang trang

Từ thành phố lên trung tâm xã Yên Thuận theo đường Phù Lưu chỉ mất 2 tiếng đồng hồ, vì đường nhựa trải đến tận xã. Chúng tôi tới xã Yên Thuận từ sáng sớm, đúng ngày phiên chợ. Người Mông, người Dao từ các thôn chở hàng hóa bằng xe máy đến chợ, không còn cảnh người Mông phải gùi, gánh mang rau, măng hay gà đen xuống chợ nữa. Không khí người mua kẻ bán nhộn nhịp. Những năm trước đây, Yên Thuận chưa có chợ nên giao thương hàng hóa kém phát triển. Năm 2018, Yên Thuận được đầu tư chợ trung tâm xã nên giờ đây, hàng quán, dịch vụ bắt đầu phát triển. Đến Yên Thuận không khó để tìm chỗ nghỉ chân, thưởng  thức những món ăn dân dã, mang đậm bản sắc vùng cao của địa phương. 

Liền kề với phiên chợ là trụ sở xã, trạm y tế vừa được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135. Trường học ở cả 3 cấp từng bước được tu sửa, đầu tư nâng cấp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy và học. Đồng chí Tướng Đức Tôn, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thuận cho biết, đến nay điện lưới quốc gia đã về với 100% hộ dân ở Yên Thuận. Đường giao thông từ Yên Thuận đi các tỉnh xung quanh đã thuận lợi hơn rất nhiều. 


  Đường bê tông từ trung tâm xã lên thôn Cao Đường vừa đưa vào sử dụng,
tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.

Giao thông liên thôn ở Cao Đường được bê tông hóa gần hết. Đặc biệt tuyến đường từ trung tâm xã lên thôn Cao Đường dài gần 10 km vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng là kết quả nổi bật trong công tác dân vận của Đảng bộ xã. Con đường hoàn thành từ nguồn hỗ trợ Chương trình 135 song có tới gần 200 hộ hiến đất. Ông Lý Văn Thạch, người dân thôn Cao Đường phấn khởi cho biết: “Nhà mình hiến 400 m2 đất ruộng cũng không tiếc gì. Vì có con đường mới để đi, đời mình, đời con cháu mình sẽ đỡ vất vả hơn nhiều”. Bên cạnh những công trình này, chỉ trong hai năm trở lại đây, Yên Thuận đã vận động sức dân đóng góp xây dựng 8 nhà văn hóa. Những đổi thay về hạ tầng đang tạo nên một diện mạo đầy sức sống, nhộn nhịp cho mảnh đất bên sông - mảnh đất trước đây từng được xem là mảnh đất còn nhiều khó khăn.

Đảng viên đi đầu trong phát triển kinh tế

Bí thư Đảng ủy xã Tướng Đức Tôn là người Bạch Xa. Anh được điều động từ xã Minh Khương về làm Bí thư Đảng ủy xã Yên Thuận từ năm 2014. Từ khi được về làm Bí thư Đảng ủy xã Yên Thuận, anh Tôn cùng Ban Thường vụ Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo phát triển 3 cây trồng thế mạnh là: Chè, cây lâm nghiệp và cam sành. Trước đây, Yên Thuận chỉ có trên 100 ha chè nhưng nay diện tích chè đã lên tới trên 344 ha, trong đó một nửa là diện tích chè Shan tuyết. Ngoài ra, Yên Thuận còn có 756 ha rừng sản xuất và 644 ha cam sành. Cam sành phát triển mạnh từ năm 2016 đến nay. Có được kết quả đó là nhờ Yên Thuận đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Tướng Đức Tôn cho biết, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh có sự đóng góp của đội ngũ đảng viên trong xã nhờ tinh thần tiên phong, nêu gương trong phát triển kinh tế. Yên Thuận có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đảng viên người dân tộc thiểu số chiếm trên 80% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ. Bởi vậy, phát huy vai trò tiên phong của đảng viên trong phong trào làm kinh tế được Đảng bộ xã chú trọng trong những năm gần đây. Từ khi đảng ủy xã xác định các cây trồng thế mạnh để lãnh đạo, nhiều đảng viên ở Yên Thuận đã mạnh dạn trồng cam sành, trồng chè. 


Mô hình trồng chè của gia đình đảng viên Lý Thị Niệm, thôn Cốc Phường, xã Yên Thuận (Hàm Yên).

Dẫn chúng tôi đi thăm những nương chè mơn mởn, những đồi cam chín muộn vẫn còn trĩu quả, ông Lý Văn Vinh, Bí thư Chi bộ thôn Cốc Phường cho biết, thôn có gần 90% người Dao, Tày. Những năm gần đây, đời sống người dân đã khấm khá hơn rất nhiều. Đường bê tông trải dài từ đầu thôn đến cuối thôn, dẫn vào tận đồi chè, đồi cam. Chi bộ có 16 đảng viên, trong đó có 12 mô hình kinh tế tổng hợp vườn ao rừng của đảng viên. Toàn thôn có gần 100 ha chè, trên 20 ha rừng, trên 30 ha cam. Mô hình kinh tế trồng chè, cam và nuôi cá thịt của đảng viên trẻ Lý Thị Niệm mỗi năm cho thu nhập 250 triệu đồng. Gia đình chị cũng là hộ đầu tiên trong thôn trồng cam sành. Từ mô hình của gia đình chị mà nhiều đảng viên và người dân ở Cốc Phường làm theo. Gia đình đảng viên Lý Văn Lâm cũng là hộ phát triển kinh tế khá trong thôn. Anh đã cải tạo đất đồi để trồng chè, trồng rừng và cam. Mô hình kinh tế của anh Lâm mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Không chỉ có Cốc Phường mà ở các thôn Hau Bó, Cuổm, những loại cây trồng được Đảng bộ xã xác định là cây trồng thế mạnh cũng đang phát triển mạnh, đem lại đời sống ấm no cho người dân. 

Những đổi thay hôm nay ở Yên Thuận chắc chắn sẽ mang lại cảm giác ngỡ ngàng cho những người đã từng lên Yên Thuận. Một Yên Thuận đang bừng lên với một diện mạo mới với hướng đi đúng trong công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục