Trại vịt bạc tỷ dưới chân núi Cham Chu

Người xưa có câu “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, thế nhưng với chị Phạm Thị Vân, ở thôn 13 Minh Quang, xã Minh Hương (Hàm Yên) thì ngược lại. Nhờ nuôi vịt bầu đặc sản và nhạy bén với thời cuộc đã giúp chị có cơ ngơi đàng hoàng mà bao người mơ ước.

Bí quyết chăn nuôi khác người

12 tuổi chị Vân đã theo cha mẹ đi buôn thâu đêm suốt sáng. Đến 16 tuổi một mình buôn lúa xuống thành phố, vật vã ăn ngủ cả tuần mà không bán hết lúa… Rồi 16 năm sau, chị Phạm Thị Vân trở thành tỷ phú từ nuôi vịt. 16 năm đủ để người ta làm được nhiều thứ nhưng với chị, khởi nghiệp ở tuổi 16 khiến chị thiếu đủ thứ: Kiến thức, kinh nghiệm, vốn liếng… Cái duy nhất chị có lúc ấy là máu liều. Sự liều lĩnh ấy khiến chị gánh đủ bài học: Nuôi lợn lợn chết, nuôi gà lỗ vốn, làm lò gạch phá sản… Và đến năm 2010, khi khởi nghiệp với vịt, lứa đầu tiên hàng nghìn con cũng chết sạch.


Chị Vân kiểm tra khu úm vịt con.

Dường như mọi cánh cửa làm giàu đều đóng lại với chị. Song, chị không còn đường lùi khi cơm áo, gạo tiền đè nặng. Chị Vân suy nghĩ, lợn gà nuôi đủ cả, làm thuê, làm mướn, buôn bán cũng trải nghiệm... Tất cả đều thất bại. Chị nghiệm ra, vấn đề mấu chốt có lẽ do chị chưa theo nó đến cùng. Vì vậy lần này chị quyết không buông bỏ chăn nuôi vịt bởi vịt bầu Minh Hương là sản vật OCOP của huyện đã nức tiếng gần xa nên chị vẫn có niềm tin. Chị mày mò, tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi vịt, các loại bệnh thường gặp trên vịt, hỏi cán bộ chuyên môn... Rồi chị gọi đến VTC, được cho số điện thoại để liên lạc với giáo sư chuyên về chăn nuôi. Song, khi được tư vấn, hướng dẫn về chăn nuôi chị vẫn chưa thấy đủ, chị còn quyết tìm ra căn nguyên của bệnh trên đàn vịt để chủ động phòng trừ. Cái lì lợm, khác người để học chữa bệnh cho vịt của chị cũng không giống ai. Bởi lâu nay, người ta chỉ nói đến cụm từ mổ tử thi người để tìm ra nguyên nhân cái chết chứ còn mổ tử thi vịt để “bắt” bệnh thì có lẽ chỉ có chị mới làm. Chị bảo lúc ấy đường cùng, chuyên gia ở Hà Nội không thể lên đây để bắt bệnh cho đàn vịt, vậy là chị nghĩ ra cách mổ những con vịt đã chết bệnh rồi gửi hình ảnh qua Email để họ nghiên cứu, bắt bệnh. Từ đây chị giải được bài toán về phòng chống dịch bệnh, cũng là bí quyết sống còn để chăn nuôi tồn tại.

Giữ nguồn gen vịt bầu Minh Hương

Yên tâm về khâu phòng bệnh, chị lại tính cách làm giàu. Chị bảo, chính trong cái ngày vợ chồng chị cùng cực nhất thì duyên “làm giàu” lại đến với chị. Ngày đó chăn nuôi nhỏ nên chị đều phải mang trứng vịt đi ấp trứng thuê ở nhà hàng xóm. Hôm đó, chị đến đúng thời điểm bà con gửi trứng đến lò ấp rất đông, chị thấy cơ man nào là trứng; trứng vịt, gà, ngan xếp kín sân, trong khi các lò ấp trứng đã chật cứng. Nhìn số trứng chất cao tới cả đầu người, chị chợt lóe lên ý tưởng: Làm giàu từ đây chứ còn đâu.


Tận dụng nguồn nước từ khe suối Minh Hương, chị Vân chăn thả vịt thịt.

Ngay tối hôm ấy, hai vợ chồng chị rong ruổi xe máy về thành phố Tuyên Quang tìm mua máy ấp trứng. Từ ngày có lò ấp trứng, nhà chị lúc nào cũng chật kín người mang trứng gà, vịt, ngan đến ấp thuê. Chị bảo, tiền tươi thóc thật, thích lắm. Chị tính đơn giản, một quả trứng mua khoảng 2.000 đồng nhưng khi nở ra thì bán tới 10 đến 15 nghìn/con. Lời lãi là đây chứ còn đâu. Càng làm càng ham. Chị mua thêm 6 máy ấp trứng, công suất 1 vạn quả/máy. Có thời điểm cả 6 máy chạy hết công suất đủ biết số tiền chị thu được lớn và nhanh đến cỡ nào. Và chỉ sau hai năm (từ năm 2010 - 2012) vừa bán vịt giống, vừa bán vịt thịt, chị đã có trong tay tiền tỷ.

Song chị suy tính, kinh doanh phải ăn chắc mặc bền. Mua 6 máy ấp trứng nếu chỉ trông chờ người dân gửi trứng vịt, gà đến ấp thì thiếu sự chủ động. Vậy là chị nuôi thêm gần 1.000 con vịt bầu đẻ trứng, để vừa có nguồn vịt giống cho chính gia đình vừa cung cấp cho bà con địa phương. Cơ sở của chị cũng là cơ sở duy nhất của xã được cấp phép sản xuất con giống vịt bầu Minh Hương. Đến năm 2017 thì được chứng nhận đạt tiêu chí kinh tế trang trại.

Tham quan khu chuồng trại chăn nuôi vịt bầu lên tới gần 2.000 con của chị, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chị Vân kể, ban đầu chị mua đất ở đây ai cũng bảo dở hơi vì chăn nuôi cần khuôn viên bằng phẳng, rộng lớn, đằng này chị lại chọn chỗ khỉ ho cò gáy, đất lồi lõm, ao chuôm cỏ dại... Nhưng ở thời điểm đó chị không có sự lựa chọn vì tiền không có, chỗ nào rẻ thì chị mua, quan trọng là có đất chăn nuôi. Có đất rồi sẽ tính tiếp. Và cách mà chị tính chính là phải làm sao để tận dụng khe nước chảy từ núi Cham Chu để nuôi vịt. Bởi vịt muốn thơm ngon phải được sống trong môi trường nước, nước càng trong lành, ra vào thường xuyên vịt càng chắc khỏe. Môi trường biệt lập, xa khu dân cư, nguồn nước tinh khiết cũng chính là cách để phòng chống dịch hiệu quả mà chị học được từ các chuyên gia.

Với diện tích chừng hơn 2.000 m2, chị cải tạo thành từng khu riêng biệt. Khu chăn thả vịt thịt, chị tận dụng khe nước tự nhiên rồi quây lại để vịt thỏa sức bơi lội, kiếm thêm thức ăn tự nhiên. Tiếp đến là khu nuôi vịt giống. Nơi này, chuồng trại luôn sạch sẽ để vịt khỏe mạnh, để trứng đều. Chị cũng dành một phần diện tích đẻ úm vịt con luôn tại đây. Chị bảo, chăm vịt con như chăm con mọn vậy, phải luôn đảm bảo môi trường trong lành, thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông thì vịt con mới khỏe mạnh. Chị còn thuê 3 lao động với mức lương 6 triệu đồng/tháng để thường xuyên dọn dẹp vệ sinh chuồng trại chăn nuôi cũng như trông coi, bảo vệ. Cũng chính cách làm này mà dân buôn hay chính người dân Minh Hương đều tìm đến nhà chị mua vịt. Họ bảo, mua vịt nhiều nơi rồi nhưng vịt nhà chị Vân là yên tâm nhất. Vịt thịt cũng ngon mà vịt giống cũng chuẩn. Hiện hàng tháng, ngoài việc cung cấp vịt giống, vịt thịt cho các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh, chị thường xuyên cung cấp vịt thịt cho nhà hàng ở tỉnh Hải Dương, Hà Giang. Với giá bán khoảng 100 - 120 nghìn/kg vịt thịt (tùy thời điểm), riêng hai nhà hàng này giúp chị có nguồn thu ổn định khoảng 40 - 50 triệu đồng/tháng, cộng với các khoản thu khác, mỗi tháng chị có lãi khoảng 60 - 70 triệu đồng từ chăn nuôi vịt.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi vịt thịt, chị Vân nói rằng: Phải thường xuyên cho vịt ở trạng thái no, đặc biệt không để vịt khan, háo thức ăn. Nếu để vịt quá đói chúng sẽ ăn rất nhiều, vừa tốn thức ăn lại ảnh hưởng đến sức khỏe, không những vịt phát triển chậm mà số lượng thức ăn tăng lên, thậm chí xảy ra tình trạng bội thực, làm chết vịt. Khi vịt được 15 ngày tuổi, phải tiêm phòng bệnh dịch tả. Sau đó 30 - 45 ngày tuổi cho uống thuốc phòng bệnh thương hàn, bệnh đốm gan, cầu trùng... Và còn rất nhiều những yêu cầu quan trọng khác mà người chăn nuôi phải nằm lòng nếu muốn làm giàu từ vịt.

Vịt bầu Minh Hương là sản phẩm OCOP huyện. Đây là vinh dự cho xã nhưng trách nhiệm cũng nặng nề hơn bởi gây dựng thương hiệu đã khó, gìn giữ thương hiệu còn khó hơn. Trao đổi về vấn đề này, anh Triệu Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Minh Hương trải lòng: Xã cần những người chăn nuôi hiểu biết và có tâm như chị Vân. Bởi hiện nay, vịt có rất nhiều trên thị trường, nếu những người dân quê không gìn giữ nguồn gen thì vịt bầu Minh Hương rất dễ bị đánh đồng với vịt khác, thương hiệu cũng sẽ giảm sút.

Vẫn biết việc gìn giữ thương hiệu Vịt bầu Minh Hương và để thương hiệu ấy được bay cao, bay xa hơn là câu chuyện dài và không của riêng ai. Song cách mỗi người chăn nuôi như chị Vân nỗ lực, cố gắng đã khiến cho người nuôi vịt bầu Minh Hương có cơ hội làm giàu.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục