Giảm nghèo bền vững hiệu quả ở huyện miền núi Hàm Yên

Hàm Yên là huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, với 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 60%; sau 03 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2018, nhờ các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm đáng kể, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

 

 
Mô hình trồng cam sành ở Hàm Yên góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: Đức Tuấn
 
Từ các giải pháp đồng bộ...
 
Bước vào giai đoạn mới, huyện Hàm Yên đã xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với quyết tâm giảm nghèo nhanh và bền vững. Theo đó, huyện đã tiến hành điều tra, khảo sát, phân loại các hộ nghèo một cách chuẩn xác, khoa học để đề ra các giải pháp giảm nghèo phù hợp với từng địa phương, hộ dân.
 
Theo Phòng LĐTBXH huyện Hàm Yên, xác định rõ nguyên nhân chính dẫn đến nghèo là do bà con thiếu vốn, đất, phương tiện sản xuất; có lao động nhưng không có việc làm, kế hoạch sản xuất, chi tiêu, không biết cách làm ăn, cách thức tổ chức cuộc sống..., Hàm Yên đã chú trọng triển khai hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo việc làm cho người lao động, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư vào sản xuất, mang lại những hiệu quả thiết thực. 
 
Từ năm 2016 đến năm 2018, huyện đã cho 8.365 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với số tiền là 295.884 triệu đồng. Riêng năm 2018, toàn huyện đã có 7.122 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo với số tiền trên 263,7 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn này, Hàm Yên đã chủ động thực hiện công tác khuyến nông và hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức về tổ chức sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Riêng năm 2018, huyện đã mở 14 lớp dạy nghề chăn nuôi, trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp… cho 490 học viên; tổ chức 728 buổi tập huấn kiến thức khuyến nông, khuyến lâm tại thôn, bản, tổ dân phố với 37.375 lượt người tham gia. 
 
Huyện cũng thực hiện hỗ trợ mua 16.606 con giống gia súc, gia cầm chăn nuôi, hỗ trợ trồng 88,79ha cây trồng bao gồm chè, mía, keo giống, hỗ trợ mua 543 máy móc phục vụ sản xuất; tổ chức trên 50 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết việc làm mới cho 8.706 lao động. Cùng với đó là nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung như: cây cam, chè, lúa, chăn nuôi vịt, cá lồng... với các nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường như: Cam sành Hàm Yên, Vịt bầu Minh Hương, Chè Tân Thái 168, Chè Làng Bát, Cá đặc sản Thái Hòa… 
 
Ngoài ra, Hàm Yên cũng tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở..., giúp người nghèo từng bước tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như: Thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ gạo, tiền nhà, sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập... cho trẻ em mẫu giáo, học sinh nghèo, học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người; hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số với kinh phí hơn 145.000.000 đồng; thực hiện hỗ trợ làm mới nhà ở với tổng kinh phí là 15.640 triệu đồng... 
 
Với các giải pháp nêu trên, từ năm 2016 - 2018, số hộ nghèo của huyện đã giảm đáng kể, từ 9.989 hộ xuống còn 5.816 hộ (giảm 14,8%, bình quân mỗi năm giảm 4,933%). Các chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo giảm dần qua các năm, đặc biệt chỉ số thiếu hụt về tiếp cận dịch vụ y tế giảm còn 0%, chỉ số thiếu hụt về trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em đều giảm so với đầu giai đoạn.
 
 
Lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hàm Yên. Ảnh Huy Hoàng
 
... đến những thách thức và phương hướng thời gian tới
 
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên thì công tác giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Hàm Yên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Là một huyện miền núi, giao thông đi lại khó khăn nên tỷ lệ nghèo, cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao (chiếm khoảng 86,26%). Trong khi đó, năng lực quản lý, điều hành các dự án giảm nghèo ở một số xã còn yếu và lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Nhiều hộ dân có xuất phát điểm thấp. Công tác tuyên truyền, vân động nhân dân tham gia thực hiện dự án còn hạn chế; việc giám sát thực hiện dự án của cấp huyện, của Ban giám sát một số xã chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên; một số hộ gia đình được hỗ trợ còn ỷ lại vào Nhà nước, hiệu quả dự án chưa cao, một số hộ sử dụng hỗ trợ vốn sai mục đích...
 
Phát huy những kết quả và khắc phục những hạn chế nêu trên, năm 2019, huyện Hàm Yên phấn đấu giảm 900 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 18,64% xuống còn 15,37%. Để đạt được mục tiêu này, huyện Hàm Yên cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; đa dạng hóa các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo; tập trung sản xuất nông lâm nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của huyện; đẩy mạnh việc giao chỉ tiêu, kế hoạch, giải pháp chi tiết về giảm nghèo bền vững đến từng thôn, tổ dân phố, hộ nghèo trên địa bàn. Đặc biệt, cần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm để chủ động, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài.  

 

An Nhiên/TC GĐ&TE

 

Tin cùng chuyên mục