Quốc dân Đại hội Tân Trào thể hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Khi nói đến sự thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 ở nước ta không thể không nhắc đến “Quốc dân Đại hội Tân Trào”. Người ta ví Quốc dân Đại hội Tân Trào như “Hội nghị Diên Hồng” thứ hai trong lịch sử dân tộc, đồng thời mang ý nghĩa của “một tiền Quốc hội”, xây dựng cơ sở pháp lý đầu tiên cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào tại Quảng trường Tân Trào (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) sáng 16-8


Trước hết, khi  ngược trở lại lịch sử, cơ sở pháp lý cho một Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân có mầm mống ngay từ những ngày đầu Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng ở nước ngoài. Vào ngày 18-1-1919 tại Hội nghị ở Véc-xây (Pháp) các nước đế quốc tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất họp nhằm chia lại thị trường thế giới cho các nước thắng trận (Mỹ, Anh, Pháp), nhân danh nhóm người yêu nước Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến Hội nghị bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”. Trong đó, Người yêu cầu rất rõ một số điểm mang tính pháp lý như: “Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam”(1). Cũng trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đã công bố tác phẩm “Việt Nam yêu cầu ca”, trong đó Người đưa ra bản yêu sách tám điều, nêu lên những nhu cầu bức xúc của nhân dân An Nam lúc bấy giờ. Điều thứ bảy nêu rõ “Bảy xin hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”(2). Câu ca nói trên thể hiện tư tưởng hiện đại sau này: Nhà nước pháp quyền. Ở đây pháp quyền được nâng lên tới mức như “thần linh” để chỉ đạo “trăm điều” của cuộc sống của người dân một nước độc lập.

Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc cho xuất bản ở Pa-ri cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”, tố cáo những tội ác tày trời của những nhà cầm quyền ở xứ Đông Dương. Toàn bộ tác phẩm này phản bác lại những ý tưởng cao cả được nêu trong “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Đại cách mạng Pháp năm 1789 làm nền tảng cho bản Hiến pháp 1791 của Cộng hòa Pháp, mà nhân loại coi là mẫu mực với những nguyên tắc cao cả “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Nguyễn Ái Quốc đã phanh phui kiểu pháp quyền - pháp trị thực dân vô pháp vô thiên với nhận thức đúng đắn về dân chủ.

Đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc trở về Hồng Kông, chủ trì thống nhất 3 tổ chức đảng trong nước để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc thảo đã nêu “Làm tư bản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”; “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”; “Dựng ra Chính phủ công nông binh(3). Ngày 10-5-1941, sau một thời gian về nước, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hội nghị đã nhất trí với đề xuất của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi được”(4). Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập, tuyên bố đánh đuổi Nhật, Pháp, xây dựng một nước Việt Nam độc lập và tự do, thành lập Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Như vậy, từ Chính cương vắn tắt của Đảng đề ra năm 1930 và Chương trình của Mặt trận Việt Minh năm 1941 đã có sự tiến triển lớn trong tư tưởng xây dựng Nhà nước. Trong quan niệm của mình về một chế độ nhà nước và pháp quyền dân chủ thích hợp với đất nước và con người Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã đề ra tư tưởng xây dựng chính quyền “công nông binh” của “dân chúng số nhiều” thời kỳ trước đã được Hồ Chí Minh chuyển thành quan điểm chính quyền của toàn dân. Điều này thể hiện trong bức thư “Kính các đồng bào” (ngày 6-6-1941) khi thành lập Mặt trận Việt Minh: “Muốn đánh đổ Pháp Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết”; “Đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật”(5). Trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Ngày 2-3-1946) Bác Hồ kêu gọi: “Đại đoàn kết để kháng chiến và kiến quốc”. Tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng được định hình rõ nét, nhất là từ sau khi Người vượt biên giới Việt - Trung về nước năm 1941. Sau khi về nước một thời gian và nhất là sau khi Mặt trận Việt Minh được thành lập (19-5-1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh dứt khoát định hướng cho chính thể Nhà nước, dân tộc Việt Nam là thể chế Cộng hòa Dân chủ. 

Sau này, cùng với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chuẩn bị và tổ chức nhân dân tiến hành khởi nghĩa từng phần tiến tới Tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng từng bước “chính quyền nhân dân”. Đó là chính quyền của toàn dân, dựa vào lực lượng đoàn kết chiến đấu của Mặt trận Việt Minh để từng bước giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Theo chủ trương trên, chính quyền cách mạng được xây dựng trải qua các bước như sau:

Bước 1. Ở những thôn, xã, tổng, huyện, châu mà do quân giải phóng làm chủ và kiểm soát được thường xuyên thì Ủy ban nhân dân cách mạng, do các giới đồng bào của Hội Cứu quốc cử lên thay hẳn bộ máy cai trị của Nhật, Pháp làm chủ chính quyền. Thực chất và danh nghĩa đó là chính quyền nhân dân địa phương và địa bàn ngày càng được mở rộng. Chính quyền nhân dân thi hành 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. Ủy ban nhân dân cách mạng căn cứ vào 10 chính sách đó để xây dựng, ban hành các quy tắc của mình.Bước 2. Từ tháng 3-1945, cuộc khởi nghĩa từng phần giành thắng lợi ở nhiều nơi, nhất là các vùng nông thôn, miền núi. Chiến khu giải phóng được hình thành, mở rộng ở các tỉnh Cao - Bắc - Lạng; Hà - Tuyên - Thái. Hình thức chính quyền dân chủ trực tiếp tiến dần lên dân chủ đại diện. Đại hội nhân dân trở thành Đại hội đại biểu toàn dân và cử ra Ủy ban nhân dân thay mặt mình làm việc quản lý thường xuyên và chịu trách nhiệm trước Đại hội đại biểu. Vào tháng 6-1945, sáu tỉnh ở Việt Bắc hình thành Khu giải phóng Việt Bắc có Ủy ban nhân dân lâm thời của Khu do Mặt trận Việt Minh cử ra.Bước 3. Vào tháng 10-1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ sự sụp đổ của của phát xít Đức - Nhật, Người nghĩ ngay đến việc triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc. Người đã viết “Thư gửi đồng bào toàn quốc”, trong đó có đoạn ghi: “...chúng ta trước phải có một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta. Mà cơ cấu ấy thì phải do một cuộc toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”(6).

Với tất cả những gì mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chuẩn bị trong suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước và những cụ thể hóa vào cách mạng nước nhà từ khi Bác Hồ về nước đã làm cơ sở vững chắc cho chính thể của Nước Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa. Quốc dân đại hội Tân Trào là một bước hiện thực hóa chính thể này trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công với Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử “khai sinh” ra Nhà nước kiểu mới - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quốc dân Đại hội Tân trào có ý nghĩa là một Quốc hội lâm thời, hay một tiền Quốc hội bởi vì cách mạng chưa thành công. Quốc dân Đại hội Tân Trào là đại hội tạo căn cứ pháp lý cho sự ra đời chế độ cộng hòa dân chủ của nước ta, cho một Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi cách mạng chưa thành công. Đại hội Tân Trào đã thông qua Chương trình 10 điểm, như một Hiến pháp lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Quốc dân Đại hội Tân Trào tuy chỉ có hơn 60 đại biểu, song Đại hội đã tiêu biểu cho toàn thể đồng bào Việt Nam, bao gồm; các đại biểu Bắc, Trung, Nam; kiều bào ở nước ngoài; các đảng phái chính trị; các đoàn thể cứu quốc; các dân tộc, các tôn giáo. Đại hội đã nhất trí thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn để Chính phủ lâm thời thực thi. Đại hội đã cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (sau này là được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, Ủy ban đã lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa thành công, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và xây dựng chính quyền và các lực lượng ở các cấp. Khi quân Đồng Minh vào nước ta thì chính quyền nhân dân đã được thành lập trên phạm vi cả nước, với hệ thống hoàn chỉnh từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã. Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã có tư cách pháp nhân, là người đại diện hợp pháp và chân chính duy nhất của nước Việt Nam đứng ra lãnh đạo, quản lý đất nước, giao thiệp với quân Đồng Minh trong việc giải giáp quân Nhật và có đối sách thích hợp với các đảng phái khác. Rõ ràng nội dung và cách làm của Đại hội chứa đựng nội dung, hình thức của một tiền Quốc hội, tạo ra cơ sở pháp lý cách mạng đầu tiên cho ra đời một chế độ mới ở nước ta: Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nó bắt nguồn từ tư tưởng dân quyền, pháp quyền của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước từ những năm đầu thế kỷ XX.

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 đã thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Lần đầu tiên trong lịch sử cận - hiện đại của thế giới, một nước thuộc địa đã giành được độc lập và tự do với Chính phủ lâm thời do Quốc dân Đại hội cử ra. Tư tưởng pháp quyền của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xuyên suốt cả quá trình phát triển của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ta. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời vào ngày 3-9-1945, ngoài những nhiệm vụ cấp bách của đất nước lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra sự cần thiết phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của toàn dân; đồng thời lập ra Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta năm 1946 do Ủy ban dự thảo ra và đã được Quốc hội thông qua mang tinh thần dân chủ nhân dân rất đầy đủ và cho đến nay vẫn là mẫu mực. Cơ sở pháp lý của bản Hiến pháp này chính là ý tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ những ngày Người bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước để hiện thực hóa một bước trong Quốc dân đại hội Tân Trào lịch sử - tiền đề để từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân hiện nay.

--------------------------------------------         

(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, HN, 2002, t.1, tr.435;

(2).Hồ Chí Minh, Sđd, tr.438.

(3). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr.2.

(4). Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t.7, tr.108.

(5). Hồ Chí Minh, Sđd, t.3, tr.198.

(6). Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 505.

Theo: Tạp chí xây dựng Đảng

Tin cùng chuyên mục