Giữ trọn vị cam

Cam sành Hàm Yên đã nổi tiếng khắp mọi miền đất nước, khi liên tục đứng trong Top 50, rồi Top 10 trái cây ngon nhất Việt Nam. Kỷ lục không dừng lại, khi có những người con Hàm Yên vẫn đau đáu không ngừng nâng tầm vị thế của cam sành, đưa sản phẩm cam sành vươn xa khỏi lãnh thổ Việt Nam, như tỷ phú Đoàn Xuân An và những cộng sự của ông.

Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty cổ phần cam sành Hàm Yên. Ảnh: Duy Hùng

“Không có thời gian để già...”

Tỷ phú Đoàn Xuân An, thôn Minh Phú, xã Yên Phú nổi danh khắp đất Hàm Yên với mô hình vườn - rừng cho thu nhập 20 tỷ đồng/năm. Nhìn ông, ít ai nghĩ ông đã ở cái tuổi ngoài 60, bởi vóc dáng, suy nghĩ và sức làm việc chỉ như người vừa bước qua tuổi 50. Ông An bảo, mình không có thời gian để già, bởi gần như lúc nào công việc cũng cuốn ông đi, đến cả thời gian nghỉ ngơi cũng là thứ xa xỉ. 

Ông Đoàn Xuân An vốn là công nhân Lâm trường Hàm Yên. Năm 1991, ông về nghỉ chế độ. Thời điểm này được coi là bước ngoặt đáng nhớ của cuộc đời ông An khi dành toàn vẹn thời gian với công việc trồng rừng, làm vườn. Từ diện tích đất vườn đồi tích cóp sau cả chục năm, ông An đã quy hoạch bài bản từng vùng sản xuất. Ở đồi cao ông chọn trồng keo, mỡ, bồ đề; khu vực thấp phía dưới ông trồng cam; đất bằng phẳng hơn ông cho người dựng cột bê tông trồng thanh long ruột đỏ.

Tích lũy được vốn từ việc trồng rừng, ông lại mua thêm đất để trồng rừng, trồng cam. Hiện gia đình ông An đã có hơn 51,9 ha đất rừng với đủ các loại cây trồng, từ cây keo đến cây ăn quả. Năm 2017, ông Đoàn Xuân An vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh nông dân điển hình giai đoạn 2012 - 2017; là 1 trong 87 nông dân được vinh danh tại lễ tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới và được đi học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp ở Hàn Quốc. 

Năm 2003, ở tuổi 49, ông đứng ra thành lập Doanh nghiệp tư nhân Lương Tâm. Mục đích ban đầu là tập trung vào xây dựng cơ bản, nhưng sau là để đầu tư lâu dài cho nông nghiệp. “Lúc mới thành lập doanh nghiệp, vợ con cũng khuyên nên dừng chân ở chuyện làm vườn thôi vì họ lo tuổi mình đã cao, sức khỏe, sự nhanh nhạy cũng không bì được với những người trẻ, nhưng mình nghĩ, miễn là có quyết tâm, khởi nghiệp ở tuổi nào không phải là vấn đề quyết định thành hay bại. Hơn nữa, để có thể đầu tư lâu dài cho nông nghiệp, thì việc thành lập doanh nghiệp là chuyện nên làm, vì sản xuất nông nghiệp thành hàng hóa, theo hướng thị trường cần sự nhanh nhạy, tính toán của những doanh nhân”. 


Khách hàng tham quan cửa hàng giới thiệu sản phẩm cam sành Hàm Yên tại số nhà 283,
đường Quang Trung, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang).   Ảnh: Duy Hùng

“Ba cây chụm lại...”

Ông Đoàn Xuân An chia sẻ, sau chuyến tham quan, tìm hiểu tại Hàn Quốc và được biết nước này chỉ nhập cam không hạt để tiêu dùng đã nhen nhóm trong ông những ý tưởng táo bạo cho sản phẩm cam sành Hàm Yên. Tư duy của người kinh doanh, sự cầu tiến của một nông dân giỏi thôi thúc ông phải làm được điều gì đó không chỉ cho mình, mà còn vì sản phẩm đặc sản quê hương, khi Hàm Yên là đất cam, với diện tích hơn 7.000 ha, sản lượng hàng năm lên đến cả trăm nghìn tấn quả mà lại không đáp ứng được yêu cầu về xuất khẩu là câu chuyện rất đáng buồn.  

Ông phác thảo ý tưởng, lập kế hoạch xây dựng đề án làm giống cam sành không hạt Hàm Yên… “Chỉ mình mình thì e là không đủ sức, vì tôi giờ đã 64 tuổi rồi, trong khi đây không phải là dự án có thể thành công trong một sớm một chiều”, ông Đoàn Xuân An chia sẻ. May mắn là khi chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp là chủ các doanh nghiệp khác, ông nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ rất lớn.

Tháng 3-2017, Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên ra đời với sự góp vốn của Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang, Công ty TNHH Vinh Ánh và Doanh nghiệp tư nhân Lương Tâm, do ông Đoàn Xuân An làm giám đốc. Sự hợp lực này đã phát huy được khả năng và sức sáng tạo của từng thành viên, nếu như lão nông Đoàn Xuân An có bề dày kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp thì những người trẻ như Ngô Quang Vinh mạnh về xây dựng cơ bản, Bùi Thị Thúy mạnh về kết nối, tiêu thụ nông sản...

Ông An rất tâm đắc với câu ca dao của người xưa: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Bởi lẽ, khi ý tưởng nằm trong tay ông mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu và đưa vào trồng giống cam sành không hạt, thì khi tập hợp được sức mạnh từ những giám đốc trẻ như Bùi Thị Thúy, Ngô Quang Vinh, đã mở rộng ra thành một mô hình khép kín, ngoài việc đưa vào sản xuất giống cam sành không hạt phục vụ xuất khẩu, Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên đang xây dựng một mô hình sản xuất khép kín do Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chuyển giao công nghệ. Đồng thời, xây dựng 6 nhà kho lạnh sức chứa 1.000 tấn cam có thời gian bảo quản 8 tuần để kéo dài thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. 


Các vườn cam tại Hàm Yên thu hút du khách. 

Ông An cho biết, là nông dân, điều ám ảnh mình nhất chính là điệp khúc “được mùa mất giá”. Người trồng cam chủ yếu trông chờ vào thời tiết, năm nào mưa thuận gió hòa thì vườn cam trĩu quả, năm nào thời tiết thay đổi thì bà con chỉ biết kêu trời. Vậy mà cứ đến mùa thu hoạch, thương lái lại viện ra đủ lý do để ép giá, vì đặc thù của cam Hàm Yên là thu hoạch cùng lúc, sản phẩm nhiều và không thể để lâu. Ngoài bán cam quả, bà con cũng không thể chế biến thêm được sản phẩm nào khác. 

Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh, Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên chia sẻ, ngoài việc kết nối thị trường, xây dựng đại lý tiêu thụ cam sành Hàm Yên khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam, điều mà chúng tôi tâm đắc nhất khi thực hiện dự án này là có thể tận dụng được cả những trái cam nhỏ nhất, không đưa ra được thị trường và hầu hết các thành phần từ trái cam để tạo thành sản phẩm, từ chế biến nước cam, sản xuất tinh dầu cam, riro cam, rượu cam, kẹo cam, xà phòng cam đến chế phẩm phân bón sinh học từ bã cam...

Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên cũng đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hàm Yên tổ chức 10 hội thảo, xây dựng 3 mô hình trình diễn tại xã Minh Hương để tổ chức các buổi hội thảo về nâng cao năng suất, chất lượng cam sành. Đồng thời, xây dựng một số vườn cam VietGAP tại Yên Phú, Tân Thành, Phù Lưu... để phát triển hình thức du lịch sinh thái tại địa phương. 

Ông Ngô Quang Vinh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên chia sẻ, 2 sản phẩm đầu tiên chế biến từ cam sành là tinh dầu cam, rượu cam đã được đơn vị nghiên cứu và ra mắt thị trường trong những ngày đầu năm 2018. Cũng trong năm này, công ty sẽ triển khai xây dựng vườn ươm giống cam sành không hạt và đưa giống cam này vào trồng thử nghiệm, khi nào chắc chắn thành công mới nhân rộng dần ra các vùng trồng khác trong huyện. Vì theo ông Ngô Quang Vinh, cam sành Hàm Yên được khách hàng nhớ đến là hương vị đậm đà, thơm ngọt, tép cam mọng nước. Như vậy, ngoài đảm bảo cam không có hạt, thì việc giữ đúng vị cam sành Hàm Yên không lẫn với những vị cam khác là điều cực kỳ quan trọng và không thể nóng vội.  

Theo cách nói của ông Đoàn Xuân An, thì việc đầu tư vào cây cam sành cũng giống như việc chuẩn bị ngựa để chạy đường dài, vừa phải biết lượng sức mình, vừa phải biết chia sức ngựa, thì mới hiệu quả và bền lâu. Và cách làm này đã bước đầu đạt được những kết quả nhất định, khi trong những ngày đầu tháng 1-2018, cửa hàng giới thiệu sản phẩm của công ty vừa được khai trương tại số nhà 283, đường Quang Trung, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang). Qua đó, đã góp phần giảm bớt khâu trung gian, tạo động lực thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục