Làng cam “triệu phú”

Từ trồng cam, người nông dân thôn 1 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên) đã đổi đời. Những ngôi nhà xây cả tỷ đồng từ cam cứ nối tiếp mọc lên. Thôn 1 Thuốc Thượng trở nên trù phú và thơ mộng biết nhường nào…

Vượt gian khó, có thành công

Thôn 1 Thuốc Thượng là nơi sinh sống của 100% đồng bào dân tộc Tày, đời sống trước đây không ít khó khăn. Từ năm 2011 đến nay, cây cam đã giúp vùng quê nghèo này trở lên trù phú, xuất hiện nhiều triệu phú. Ông Hoàng Văn Vấn, Trưởng thôn 1 Thuốc Thượng hồ hởi nói: Toàn thôn có 70/72 hộ trồng cam, trong đó có 50 hộ mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng. Chỉ trong 5 năm trở lại đây, thôn 1 Thuốc Thượng có 15 ngôi nhà sàn xây dựng với số tiền từ 1-1,5 tỷ đồng/nhà, nhiều nhà xây 2, 3 tầng khang trang được xây dựng nhờ vườn cam cho trái ngọt. 

Anh Hoàng Văn Hạnh, Tổ trưởng Tổ trồng cam VietGAP thôn 1 Thuốc Thượng chia sẻ, cây cam mang đến cho người dân cuộc sống đủ đầy nhưng  cũng không ít lần “hết vía”. Nhưng có vượt gian khó thì mới có thành công như ngày hôm nay. Dân làng vẫn nhớ mãi năm 2008, khi ấy đường vào thôn chưa được bê tông hóa đi lại rất khó khăn, thương lái đến mua lại ép giá người dân, chỉ thu mua với giá từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, giá rẻ như cho, người dân quyết không bán. Nhìn những quả cam chín rụng xuống đất mà như xát muối vào gan ruột - anh Hạnh thở dài. Tiếc công dãi nắng dầm mưa, anh cùng người dân trong thôn bàn nhau thu hoạch cam mang ra chợ Hàm Yên, thành phố Tuyên Quang để bán, hy vọng vớt vát được phần nào… Năm ấy, hộ lỗ ít 10 triệu đồng, có hộ lỗ cả gần trăm triệu đồng, trong đó có gia đình anh Hạnh.


Anh Hoàng Văn Hạnh, thôn 1 Thuốc Thượng kiểm tra vườn cam
 trồng theo quy trình VietGAP của gia đình.

Sau cái lận đấy ấy, người dân thôn bỏ bê việc chăm sóc vườn cam khiến sâu bệnh hoành hành, năng suất thấp, có vườn bị suy thoái không ra trái. Nhiều nhà đã bỏ cam sang trồng cây hoa màu. Anh Hạnh vẫn kiên quyết gắn bó với cây cam. Để có vốn tái đầu tư, anh “cắm” sổ bìa đỏ vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được 5 triệu đồng; vay mượn người thân và bạn bè được thêm hơn 5 triệu đồng để tiếp tục chăm sóc 1 ha cam. Anh Hạnh bộc bạch: “Khi ấy nợ cũ chưa trả hết, lại thêm tiền vay mới, nếu không thành công có khi phải bán cả nhà để trả nợ”. Nhưng đất đã không phụ công người, vườn cam của gia đình anh đã cho trái ngọt. Đến nay, vườn cam của gia đình anh đã lên đến 7 ha đều được trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP. Mỗi vụ cho thu hoạch 600 - 800 triệu đồng. Thấy cam được giá, nhiều hộ dân thôn 1 Thuốc Thượng đã quay trở lại trồng cam. 

Gia đình chị Lý Thị Biển, có 2 thế hệ trồng cam. Mỗi khi đi làm vườn, bố chị đều chỉ dạy tận tình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cam. Những kinh nghiệm học được từ người cha rất có ích cho gia đình chị. Năm 2003, gia đình chị vỡ đất trồng 500 gốc cam. Cây cam đã giúp gia đình chị không phải ăn những bữa cơm độn ngô, sắn như trước nữa, cuộc sống ngày thêm khấm khá. Năm 2017, gia đình chị xây dựng được ngôi nhà sàn trị giá hơn 1,4 tỷ đồng. Hiện tại, gia đình chị có 2.000 gốc cam, trong đó có 500 - 1.000 gốc cam từ 13 - 15 năm tuổi, mỗi vụ thu hoạch 60 -70 tấn cam, trừ chi phí còn lãi 200 - 300 triệu đồng/năm. 

Chữ tâm của người trồng cam

Theo chân chị Hoàng Thị Tọa đi thăm vườn cam rộng với hàng nghìn cây cam của gia đình, tôi càng thấy được giá trị của nghề trồng cam mang lại cho cuộc sống của người dân thôn 1 Thuốc Thượng.


Từ trồng cam, gia đình chị Hoàng Thị Tọa có thu nhập ổn định, xây dựng nhà khang trang.

Năm 2002, gia đình chị Tọa bắt tay vào trồng 200 gốc cam. Những năm 2008-2009, cam được mùa nhưng mất giá, gia đình phải gánh, chở cam đi hàng chục cây số để bán rong nhưng cũng chẳng đủ tiền rau cháo. Nhiều lần gia đình chị có ý định phá bỏ vườn cam để trồng cây khác nhưng lại không đành lòng. Sau này, cam sành có thương hiệu, giá không còn bấp bênh nữa, đường giao thông đi lại thuận tiện, cây cam cho giá trị kinh tế cao.

Năm 2015, khi mô hình trồng cam VietGAP trong xã không sử dụng phân vô cơ, thuốc hóa học mà vẫn cho ra trái ngọt lại an toàn cho người sử dụng cũng như người trồng, vậy là gia đình chị tích cực học hỏi và trồng theo quy trình VietGAP. Đến nay, gia đình chị có hơn 2.000 gốc cam, thu hoạch 80 - 100 tấn/vụ, thu được từ 500 -600 triệu đồng/năm. Từ trồng cam, gia đình chị đã xây dựng được ngôi nhà trị giá 1,5 tỷ đồng với đầy đủ tiện nghi.

Cam ở thôn 1 Thuốc Thượng, Tân Thành nức tiếng so với các địa phương khác trong tỉnh không chỉ bởi vị ngọt đậm đà mà còn bởi cái tâm của người trồng cam. Cầm quả cam cuối vụ vàng mọng trên tay, Tổ trưởng Tổ sản xuất cam VietGAP Hoàng Văn Hạnh phân tích, cam VietGAP so với cam chăm sóc bình thường vỏ thường dày hơn, độ ngọt cao, cam để được lâu hơn. Đặc biệt mô hình VietGAP không lo về đầu ra cho sản phẩm vì cam đến độ thu hoạch được thương lái ở miền Nam, Hà Nội đến tận vườn thu mua.

Dù có 15 năm kinh nghiệm trồng cam, nhưng tham gia mô hình trồng cam VietGAP anh vỡ ra được nhiều điều. Ví dụ như giai đoạn dưỡng quả chuẩn bị thu hoạch, người trồng cam chỉ cần bón phân vi sinh từ 1 - 1,2 kg/gốc (trước đây thường bón 2 kg/gốc) như vậy vừa tiết kiệm chi phí mà lượng dưỡng chất lên quả cam vừa đủ, giúp quả cam lâu thối, ít rụng, cam chín từ từ, giúp kéo dài thời gian thu hoạch chừng 1 tháng so với cách chăm sóc cam thông thường. Bí quyết chăm sóc cam giúp kéo dài thời gian thu hoạch cam cũng được anh truyền lại cho các thành viên trong tổ và người dân trong thôn. 

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành Đặng Văn Bảo cho biết, điểm khác biệt của những triệu phú cam sành ở thôn 1 Thuốc Thượng là họ luôn coi trọng chữ tín, làm bằng cái tâm, cung cấp cho thị trường những sản phẩm sạch. Đó là cội rễ để họ thành công từ nghề trồng cam.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục