Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cam sành ở Hàm Yên

Cam sành đang trở thành cây trồng chủ lực, cây làm giàu của người dân ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Ðặc biệt, hiện nay huyện Hàm Yên đang tập trung kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cam theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân.


Sản phẩm cam sành Hàm Yên ngày càng được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên Vũ Tất Thành cho biết, hiện nay huyện có 7.022 ha cam (chủ yếu là cam sành), trong đó diện tích cho sản phẩm là hơn 4.000 ha. Năm 2016, năng suất cam sành đạt 267,6 tạ/ha, sản lượng đạt 104.000 tấn (tăng gấp đôi so với năm 2015), giá trị thu nhập gần 700 tỷ đồng. Ðến nay toàn huyện đã có gần 130 ha cam trồng theo hướng VietGAP với 55 hộ tham gia, góp phần đưa năng suất, giá trị cam tăng so với trồng truyền thống. Ðiều đáng nói, sản phẩm cam sành Hàm Yên hiện có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước, được người tiêu dùng ưa chuộng. Không những vậy, cam sành Hàm Yên đang được thương lái từng bước bán sang thị trường Lào và Cam-pu-chia. Hiện nay, hầu hết các hộ trồng cam đã được tập huấn, hướng dẫn chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện đúng cam kết về sản xuất cam theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm, cho nên đã cải thiện được mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Ðến nay, toàn huyện có 4.735 hộ dân với 5.874 ha trồng cam, đạt hơn 80% số hộ ký cam kết thực hiện sản xuất cam theo hướng an toàn. Có thể nói, việc trồng cam thời gian qua đã giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giàu.

Anh Phạm Ðình Lưu, xã Yên Lâm, chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã. Lúc đó, gia đình có hơn 2 ha đất, chủ yếu trồng ngô, sắn, vải nhưng năng suất, hiệu quả thấp. Từ năm 2010, chuyển sang trồng cam, sau ba năm bắt đầu cho quả và hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với các loại cây trước đây. Ðến nay, gia đình tôi đang trồng 2 ha cam sành, cam Vinh, bình quân mỗi năm cho thu hoạch khoảng 50 tấn, trừ chi phí, lãi khoảng 500 triệu đồng. Nhờ trồng cam, gia đình tôi đã thoát nghèo và xây được căn nhà hai tầng, có tiền nuôi con học đại học”.

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ, đầu tư mở rộng diện tích để nâng cao năng suất, chất lượng cây cam, huyện Hàm Yên khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết sản xuất cam. Trong đó, tháng 3-2017, Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên chính thức đi vào hoạt động, hứa hẹn là đầu mối quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu cam sành Hàm Yên đến với các thị trường, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên Ðoàn Xuân An cho biết: “Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng doanh nghiệp đã ký kết với 300 hộ, với hơn 1.000 ha, là đầu mối các tổ, nhóm thu mua sau đó cung cấp cam cho công ty. Vào vụ thu hoạch, công ty sẽ thu mua hết sản phẩm cam cho người dân cao hơn giá thị trường, sau đó tiêu thụ trong các siêu thị và chợ đầu mối ở địa bàn cả nước. Không chỉ dừng lại ở việc thu mua cam theo hướng có lợi cho người trồng, thời gian tới, công ty sẽ đầu tư một vườn cam không hạt để dần thay thế giống cam truyền thống hiện nay, nhằm hướng đến xuất khẩu. Trên cơ sở đó, công ty sẽ đầu tư xây dựng sáu nhà lạnh, mỗi nhà bảo quản được 150 tấn quả để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cũng như khắc phục tình trạng mất giá khi thu hoạch rộ”. Việc thúc đẩy liên kết trồng cam bước đầu đã tạo niềm tin và yên tâm sản xuất cho người dân trong vụ cam năm 2017.

Cô Ðoàn Thị Thơm, thị trấn Tân Yên, chia sẻ: “Gia đình tôi trồng cam từ năm 2005, đến nay đang trồng 2,5 ha cam sành, trong đó có 1,7 ha đang cho thu hoạch, với mức thu nhập khoảng 600 triệu đồng/vụ. Mặc dù cam sành được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, hiệu quả kinh tế cao, nhưng có những năm tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá bán lại thấp. Vụ cam 2017 này, gia đình tôi và nhiều hộ khác đã tham gia liên kết trồng cam với Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên, hứa hẹn đầu ra sẽ được bảo đảm, giá bán tốt hơn, chúng tôi rất phấn khởi”.

Mặc dù vậy, chất lượng quả cam sành chưa đồng đều, năng suất không ổn định; diện tích trồng cam theo hướng VietGAP còn ít; sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp chỉ mới manh nha. Bên cạnh đó, các hộ dân chưa thật sự quan tâm chất lượng cây giống, vẫn sử dụng cây giống bằng phương pháp chiết cành, nhân giống tại vườn, khả năng chống chịu sâu bệnh kém. Trong khi đó, công tác sản xuất giống chưa đáp ứng nhu cầu cho sản xuất. Hơn nữa, phương pháp tập huấn cho người trồng cam còn đơn điệu, nặng về lý thuyết, việc tập huấn tại hiện trường chưa được áp dụng rộng rãi; đường giao thông ở một số xã còn trắc trở, ảnh hưởng việc vận chuyển, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm; việc thu hoạch một số nơi chưa đúng quy trình kỹ thuật...

Nhằm khắc phục những hạn chế này, thời gian tới, huyện Hàm Yên sẽ quản lý chặt chẽ việc trồng, chăm sóc cam theo đúng quy trình kỹ thuật; tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất cam sành theo hướng VietGAP; chú trọng cải thiện giống cam có chất lượng tốt, phù hợp điều kiện đất đai và khí hậu của địa phương; lựa chọn một số giống cam mới thu hoạch rải vụ có năng suất, chất lượng cao, bổ sung cơ cấu giống thay thế diện tích cam sành già cỗi. Ðồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cam sành Hàm Yên thông qua việc mở các đại diện, chi nhánh tại các địa phương trong cả nước; tiếp tục hỗ trợ thành lập các hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ cam; thực hiện ký kết hợp đồng giữa người dân với cơ sở thu mua, nhằm bảo đảm lợi ích cho người sản xuất khi gặp biến động về giá.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục