Dũng khí đảng viên

Trong tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những tác phẩm, bài nói mà 65 năm trôi qua, nay đọc lại vẫn thấy như mới, như Bác nói cho các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI). Riêng cuốn “Sửa đổi lối làm việc” của Bác đã có đầy đủ các nội dung đưa ra bàn thảo, phân tích để ban hành Nghị quyết về chỉnh đốn Đảng ghi dấu ấn của Ban chấp hành Trung ương khóa XI. Đọc và so sánh, cả 3 vấn đề cấp bách và 4 giải pháp để chỉnh đốn Đảng đã được đưa vào Nghi quyết Hội nghị Trung ương 4 đều được Bác chỉ ra rất cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu trong cuốn sách quý ấy. Cuốn sách không dày, có 6 phần, hơn 26.700 chữ (số chữ còn ít hơn Báo cáo chính trị tại Đại hội XI có trên 29.000 chữ), nhưng rất đầy đủ, từ quan điểm chính trị, tư tưởng, đạo đức, tác phong, tư cách, lối sống cho đến trách nhiệm cán bộ, đảng viên, phương pháp công tác, phê bình và tự phê bình sửa chữa khuyết điểm, dạy cả cách viết và nói của cán bộ, đảng viên...

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc gì cũng phải rất thiết thực, cụ thể và đã làm phải nhanh chóng, đến cùng trên cơ sở đã tính toán kỹ. Ở phần 6, khi nói về tật xấu là thói ba hoa của cán bộ, đảng viên, Bác viết rất dân dã như nông dân nói trên bờ ruộng, dễ hiểu và thấu đáo: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: "Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói"… Nghe những lời răn dạy này cứ như Bác chỉ ra khuyết điểm cho mấy ông lãnh đạo Hải Phòng đã phát ngôn sai trái, thiếu suy nghĩ trong vụ cưỡng chế đất sai pháp luật ở Tiên Lãng.

Một trong những giải pháp để chỉnh đốn Đảng lần này là tự phê bình và phê bình. Đây là khâu mở đầu, mấu chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Phương châm, phương pháp tiến hành là phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi…(Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).


Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh ngắn gọn, súc tích nhưng đầy khí phách và thể hiện thái độ dứt khoát: “Một đảng mà không biết sửa chữa khuyết điểm là một đảng hỏng”. Vậy, suy ra, một đảng viên mà che giấu khuyết điểm, bảo thủ cái sai, không tự giác nhận khuyết điểm cũng không còn xứng đáng là đảng viên. Trước hết, trong đợt chỉnh Đảng lần này, các đảng viên phải rất tự giác, cầu thị, phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, tự xem lại mình trước trước khi phê bình người khác. Đó là lòng tự trọng cần thiết. Không biết tự trọng đồng nghĩa với tự phỉ báng lương tâm. Chính vì thế, khi nói về phê bình và sửa chữa, Bác đã nhấn mạnh đến chữ “DŨNG”, rất cần dũng khí trong đấu tranh tự phê bình và phê bình. Bác viết: “DŨNG là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”.


Nói chuyện tại buổi bế mạc lớp bổ túc cán bộ trung cấp về đạo đức cán bộ, đảng viên, Bác nhấn mạnh: “DŨNG là phải mạnh dạn, quả quyết nhưng không phải làm liều. Phải có kế hoạch, rồi kiên quyết làm ngay. Nguy hiểm cũng phải làm. Nghĩa là phải có lòng dũng cảm trong công việc” (Báo Vệ quốc quân, số ra ngày 10-10-1947).


Chữ “gan” rất giản dị mà Bác đã dạy chính là dũng khí. Khi con người có lòng tự trọng và bản lĩnh, có nghị lực thì sẽ có dũng khí. Trên thế giới ta đã thấy không ít những vị lãnh đạo, những chủ doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tuyên bố từ chức. Nhưng ở nước ta thì rất hiếm. Khi một người tuyên bố từ chức, thì điều ghi nhận đầu tiên của mọi người là người đó có lòng tự trọng, có dũng khí. Làm không được việc, hoặc vì lý do nào đó mà chức trách không hoàn thành, việc bị hỏng, gây hậu quả nghiêm trọng, thì mất uy tín. Khi đã mất uy tín, nếu tìm mọi cách cố bấu víu quyền lực, dù có được tại vị  sẽ bị người đời coi thường, xử lý công việc kém hiệu quả và luôn ở thế “há miệng mắc quai”. Cách tốt nhất là xin từ chức một cách hợp lý thể hiện văn hóa ứng xử. Như thế, thiên hạ chẳng ai cười, lại còn cho là người tự trọng và được tôn trọng. Theo lẽ thường, từ chức là hành động văn minh. Cán bộ đã mất hết uy tín, không chịu nhận khuyết điểm, không chịu từ chức, thậm chí còn ngoan cố chống chế, bảo thủ, quanh co, đổ trách nhiệm cho người khác, thế là hèn. Tham và hèn là thứ sâu mọt đục phá nhân cách. 


Cùng đồng cảm, chia sẻ với quan niệm về từ chức, Tiến sĩ Tô Văn Trường đã viết: “Văn hóa nói chung và văn hóa từ chức nói riêng là không phải tự nhiên mà có, hơn nữa đó lại là thứ văn hóa đặc biệt quý giá. Dân tộc ta có một “nền văn hiến đã lâu” như Nguyễn Trãi đã khẳng định trong Bình Ngô đại cáo. Vậy sao bây giờ “văn hóa từ chức” lại chưa có và khó làm đến thế! Từ chức là một nét văn hóa đẹp, đáng kính trọng, thể  hiện sự tự trọng và nhân cách của con người. Thiếu vắng hiện tượng từ chức đích đáng không phải chỉ đáng tiếc mà là đáng buồn và xấu hổ” (trong bài “Từ chức - khó nghe và khó thực hiện”).


Suy cho cùng, có sai thì nhận sai thực sự chân thành để sửa, nếu không thì từ chức - đó là lối ứng xử có văn hóa. Tham lam, ích kỷ, nói điêu, vu khống, né tránh khuyết điểm, ưa nịnh không phải là có văn hóa. Có những cán bộ thời nay vẫn thích khen, che giấu khuyết điểm, sợ bị chê, sợ bị phê bình, thích nghe tâng bốc. Họ coi những kẻ dù vô văn hóa, kém tài, gian xảo nhưng giỏi nịnh là “đệ tử”. Thậm chí chỉ nghe kẻ ton hót xiểm nịnh “tâu” những chuyện người khác chê mình đã nổi cáu, rồi “ghi sổ”, hằm hè, xoi mói, để ý người phê bình mình, thậm chí chèn ép, kìm hãm, trù dập. Đó là ứng xử, đối phó của kẻ hèn mạt, không có dùng khí. Biểu hiện ngoan cố, báo cáo sai lệch, phát ngôn sai, đánh lạc hướng dư luận của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Hải Phòng trong vụ Tiên Lãng vừa qua cũng là biểu hiện rõ nét thiếu dũng khí, thiếu trung thực, không dám mạnh dạn nhận ra sai trái để sửa chữa. Như thế không xứng đáng là đảng viên cộng sản, không có dũng khí. Cho nên, chịu phê bình đã khó, tự phê bình càng khó hơn. Dũng khí đảng viên còn phải được thể hiện ở chỗ không chỉ mạnh dạn tự nói ra cái yếu, cái sai của mình, mà rất cần phải nói thẳng cái sai, cái yếu của đồng chí mình, nhất là của cấp ủy, thường vụ, bí thư. Khi thấy cấp trên sai nhưng ai cũng né tránh, sợ đụng chạm bất lợi cho cá nhân mình cũng là biểu hiện sự hèn kém, cá nhân chủ nghĩa. Ngậm miệng ăn tiền, khi thấy nhiều người nói thì mình mới nói theo, gọi là a dua, không muốn tỏ rõ chính kiến. Cái có lợi cho mình thì hết sức làm, cái có hại cho tập thể, cho người dân, hại cho xã hội thì né tránh không can thiệp cũng là biểu hiện lối sống ích kỷ, vụ lợi, không có dũng khí của cán bộ, đảng viên.   


Bác Hồ đã chỉ bảo chí tình, chí lý: “Các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công. Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”. Trong báo Sự Thật số ra ngày 15-4-1949, Bác đã có bài viết phê phán những cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, mắc sai lầm mà cứ muốn giấu nhẹm đi, ngán ngại khi nghe người khác phê bình, chỉ sợ nói ra bị mất uy tín, mất chức, hết “ghế ngồi”. Những cán bộ như thế, Bác đã thẳng thừng chỉ trích: “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”.


Phê bình, tự phê bình không nên chỉ tiến hành trong nội bộ Đảng, mà cần phải đưa ra quần chúng, phải trưng cầu dân ý, phải thỏa chí dân nguyện, tôn trọng dân và cần được nhân dân góp sức trong cuộc đấu tranh này thì mới nhanh chóng có kết quả, triển khai Nghị quyết mới có hiệu lực trong thực tiễn cuộc sống. Cũng là thực hiện lời Bác dạy: “Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn”. Trong thực tế, thường là ích kỷ, tham lam, đầu óc còn cá nhân, thực dụng mới sinh ra hèn nhát, ngại người khác phê bình mình, khó chịu khi nghe dân phê phán, vạch ra những cái sai.


Do đó, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: Mỗi cán bộ, đảng viên rất cần nêu cao tính đảng, tính trung thực, thẳng thắn, cầu thị, trên tinh thần xây dựng vì lợi ích của dân, của đất nước, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Trước hết là các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Ủy viên Trung ương đều thể hiện rõ phẩm chất và bản lĩnh cộng sản kiên cường, cần có dũng khí tự phê bình và kiên quyết đấu tranh phê bình. Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén. Vũ khí tuy sắc bén nhưng cũng dễ bị vô hiệu hóa, không còn phát huy tác dụng nếu người sử dụng vũ khí không có dũng khí, không đủ bản lĩnh, lồng động cơ cá nhân, không trung thực. Phê bình, tự phê bình rất cần dũng khí như người lính ra trận mà kẻ thù chính là chủ nghĩa cá nhân.

Theo: Tapchixaydungdang

Tin cùng chuyên mục