Mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Quan niệm của Hồ Chí Minh về mối liên hệ mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân là sự kế thừa quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của quần chúng trong lịch sử kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam và tư tưởng yêu nước thương dân của Người. Nhận thức được vai trò và sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, Người luôn khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Khi trả lời cho câu hỏi: “Cách mệnh trước hết phải là gì? Người nói: “Cách mệnh trước hết phải làm cho dân giác ngộ”1.


Mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân chính là nguồn gốc chủ yếu tạo nên sức mạnh của Đảng, của dân tộc, là một trong những điều kiện quan trọng làm cho Đảng ta giữ vững được vai trò lãnh đạo. Cán bộ, đảng viên là người lãnh đạo và tổ chức quần chúng, còn quần chúng là lực lượng vật chất tiến hành cách mạng. Sự lãnh đạo của cán bộ, đảng viên kết hợp với tính tích cực và sáng tạo của quần chúng tạo ra một sức mạnh vô địch. Bác đã nói, Đảng không phải từ trên trời sa xuống, nó ở trong xã hội mà ra. Cán bộ, đảng viên của Đảng là xuất thân từ nhân dân lao động. Do đó, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vốn có mối liên hệ gắn bó tự thân. Đảng phải dựa vào nhân dân để lãnh đạo nhân dân, làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Nhưng Bác cũng chỉ rõ: nhân dân phải được giác ngộ, được tổ chức, được lãnh đạo thì mới trở thành lực lượng cách mạng thật sự. Sự gắn bó trong quan hệ giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân được Bác ví như quan hệ giữa người “chèo” với người “cầm lái” trên con thuyền cách mạng. Cán bộ, đảng viên là người “cầm lái”, còn nhân dân là người “chèo”. Nếu người “chèo” ủng hộ người “cầm lái” là thành công. Ngược lại, người “chèo” không ủng hộ người “cầm lái”, không tuân thủ người “cầm lái”, hoặc mỗi người chèo một ngả, như vậy là cán bộ, đảng viên thất bại. Nhân dân là nguồn bổ sung vô tận cho Đảng và luôn luôn tràn trề sức xuân. Quần chúng tham gia góp ý, phê bình sự lãnh đạo của Đảng để Đảng ngày càng vững mạnh, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đến đích cuối cùng. Quần chúng nhân dân là lực lượng trực tiếp thực hiện đường lối của Đảng. Cán bộ, đảng viên phải dựa vào dân, làm cho dân tin Đảng, vì nhân dân phục vụ và biết coi trọng sức mạnh vĩ đại của nhân dân.  

Để giữ vững mối liên hệ giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải “Nhận rõ phải, trái. Giữ gìn lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay bại là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”(2). Cán bộ của Đảng, Nhà nước “cần phải xung phong, gương mẫu trong sản xuất và trong công tác, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính”(3). Với mỗi đảng viên “Bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, phải kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân”(4); “Đạo đức cách mạng vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu lợi ích của Đảng và lợi ích cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích Đảng”(5).   

Thặt chặt mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải liên hệ mật thiết với nhân dân, tôn trọng nhân dân và hướng dẫn, tổ chức nhân dân thành lực lượng, phong trào hành động cách mạng, từ đó phát triển kinh tế, văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Các tầng lớp nhân dân phải tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Người căn dặn: "Cán bộ đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được “kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại"... Khi chọn cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải lựa chọn "những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ là người lãnh đạo của họ". Người dạy: "Cơm của chúng ta ăn, áo của chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho nhân dân. Chớ vác mặt làm quan cách mạng để dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ"(6). Kinh nghiệm thực tiễn trong công tác xây dựng đảng cho thấy, chỉ trên cơ sở Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân thì cách mạng mới đi đến thành công. Ngược lại, ở đâu và lúc nào Đảng và cán bộ, đảng viên quan liêu, xa rời nhân dân, “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”(7).   

Nghiên cứu, làm sáng tỏ và vận dụng đúng đắn tư tưởng của Hồ Chí Minh về mối liên hệ máu thịt giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân để khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, củng cố lòng tin của dân với Đảng là một đòi hỏi cấp thiết trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH- HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay.

-----------------------------

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 2, tr. 267. (2) Sách đã dẫn (Sđd), tập 7, tr. 480. (3) Sđd, tập 11, tr. 234. (4) Sđd, tập 9, tr. 288. (5) Sđd, tập 9, tr. 288-289. (6) Sđd, tập 4, tr. 101. (7) Sđd, tập 5, tr. 286.

Theo: Tạp chí xây dựng Đảng

Tin cùng chuyên mục