“Hành động của Trung Quốc đặt ra nhiều nguy cơ với khu vực“

Lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam”. Đó là tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khi trả lời báo chí ngày 16/8. Theo đó, lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua, việc tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Bởi đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982".

Theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS và luật pháp quốc tế.

Nhà giàn DK1. (Ảnh: Mỹ Trà)

Giáo sư Vuving: Tôi nghĩ có 2 nguy cơ lớn nhất dối với khu vực. Với hành động này, Trung Quốc tiếp tục hướng tới con đường giành thêm các quyền kiểm soát Biển Đông, khống chế không gian biển ở khu vực. Nguy cơ thứ hai, sự áp đặt đơn phương của Trung Quốc đã chà đạp lên luật pháp quốc tế. Nếu không bị ngăn cản sẽ củng cố thêm một hiện thực mới trên Biển Đông là “sức mạnh của Trung Quốc đứng cao hơn luật pháp quốc tế”, buộc mọi người phải chấp nhận. Riêng đối với Việt Nam, Việt Nam sẽ đối mặt với các nguy cơ mất quyền khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Thứ hai, nếu Trung Quốc khống chế được không gian trên Biển Đông có nghĩa là Việt Nam đi ra đi vào ngôi nhà của mình hoặc muốn tiếp tế cho các đảo của mình cũng phải xin phép Trung Quốc. Sâu xa hơn, nếu Trung Quốc độc chiếm hoàn toàn Biển Đông thì cán cân lực lượng của khu vực Đông Á sẽ ngả rất mạnh về phía Trung Quốc. Trung Quốc sẽ nổi lên như một kẻ bá chủ trong khu vực. Mọi người có thể nhìn thấy sức mạnh của Trung Quốc có thể chà đạp lên luật pháp, đứng trên luật pháp thì khi đó, độc lập, tự chủ của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam sẽ bị xâm hại nghiêm trọng.

PV: Giáo sư vừa bình luận về những tham vọng và những tính toán của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng theo ông, các động thái gần đây của Mỹ và cộng đồng quốc tế “liệu đã đủ” để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc?

Giáo sư Vuving: Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ nhất. Mỹ có chung lợi ích ở Biển Đông và không muốn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Mỹ cũng đủ mạnh để không phải lo ngại sự trả đũa của Trung Quốc. Rõ ràng nhân tố Mỹ là nhân tố không thể thiếu được đối với các quốc gia trong vùng muốn bảo vệ độc lập, chủ quyền của mình trước Trung Quốc.

Tuy nhiên, những hành động của Mỹ trong suốt thời gian vừa qua khi Trung Quốc gây hấn và có những bước đi táo bạo muốn độc chiếm Biển Đông lại chưa đủ. Mỹ mới chỉ tuần tra hàng hải và hành động trên mới chỉ ghi nhận quan điểm của Mỹ về vấn đề tự do hàng hải, thể hiện quyết tâm của Mỹ để bảo vệ tự do hàng hải. Tuy nhiên, nó không tạo nên được sự răn đe đối với Trung Quốc, nó chưa buộc Trung Quốc phải trả một cái giá đủ lớn.

PV: Giáo sư vừa nói những hành động của Mỹ là chưa đủ để ngăn chặn các hành vi ngang ngược của Trung Quốc, vậy đâu là “hành động đủ” của cộng đồng quốc tế thưa Giáo sư?

Giáo sư Vuving: Tôi nghĩ trước hết phải thu thập và công bố các bằng chứng về sự vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Chúng ta đã biết là Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2016 đã ra Phán quyết khẳng định rõ “yêu sách đường Lưỡi Bò của Trung Quốc trên Biển Đông là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế. Rồi một loạt các hoạt động của Trung Quốc như quấy rối, ngăn chặn và xây đảo nhân tạo cũng là trái với luật pháp quốc tế. Rất nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa đường Lưỡi Bò trái với luật pháp Quốc tế, những quốc gia trong vùng nếu có được bằng chứng phải trưng ra đẩy đủ đưa ra trước công luận quốc tế. Về sau này, đây sẽ là những tài liệu rất giá trị để Tòa án quốc tế nhìn vào.

Các nước phải kết hợp với nhau mạnh hơn nữa để tạo thành một mặt trận quốc tế đủ lớn để chống lại sự vi phạm quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông, chống lại yêu sách đường Lưỡi Bò của Trung Quốc trên Biển Đông. Có như vậy mới có thể tạo đủ sức ép buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi. Đồng thời cũng phải có những hành động hợp pháp bảo vệ các nước ven bờ, chẳng hạn như những hành động thăm dò dầu khí, đánh cá bình thường của ngư dân Việt Nam. Tất cả những hoạt động này phải được bảo vệ. Tôi nghĩ rằng, không chỉ có các nước ven bờ như Việt Nam, Philippines, Malaysia mà kể cả các nước bên ngoài có chung lợi ích bảo vệ luật pháp quốc tế cũng hoàn toàn có thể hợp tác với nhau, không chỉ bằng con đường quân sự mà có thể sử dụng các tàu chấp pháp giúp đỡ nhau, tăng cường năng lực để cùng nhau bảo vệ thi hành luật pháp quốc tế trong khu vực này.

PV: Giáo sư đánh gíá như thế nào về khả năng khởi kiện Trung Quốc với các hành vi trái phép hiện nay?

Giáo sư Vuving: Rõ ràng, những hành động hiện nay của Trung Quốc như đưa tàu vào vùng chủ quyền của Việt Nam, xua đuổi tàu cá ... hoàn toàn là bất hợp pháp. Nếu Việt nam thu thập được đủ bằng chứng và công bố ra quốc tế thì sẽ xây dựng được một hệ thống tư liệu quý báu, khi đưa ra Tòa thì khả năng thắng kiện 100% bởi vì các hoạt động của Trung Quốc hoàn toàn sai luật pháp quốc tế.

PV: Giáo sư có dự báo như thế nào về tình hình Biển Đông trong những ngày tới?

Giáo sư Vuving: Một trong những cách Việt Nam có thể bắt Trung Quốc “nâng” cái giá phải trả với những hành động phi pháp của mình đó là tạo điều kiện cho quốc tế vào và nhìn thấy, thu thập các bằng chứng Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, chẳng hạn như tạo điều kiện cho các phóng viên quốc tế tới thực địa để trực tiếp lấy thông tin về các hành động quấy nhiễu và cản phá của Trung Quốc và đó sẽ là những bằng chứng hùng hồn và mạnh mẽ nhất để buộc Trung Quốc chùn bước trong điều kiện hiện nay. Năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan, Việt Nam đã đưa nhà báo quốc tế ra tận nơi chứng kiến và ghi hình và chính điều đó đã góp phần không nhỏ khiến Trung Quốc phải rút giàn khoan về sau 2 tháng rưỡi hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Thứ hai, nếu Việt Nam không có những phản ứng đủ mạnh để buộc Trung Quốc phải trả giá thì Trung Quốc sẽ tiếp tục làm những gì mà họ đã và đang làm. Họ sẽ tiếp tục làm nhiều cách để thực thi đường Lưỡi Bò của họ. Cho đến nay họ chưa phải trả giá cho các hành vi của họ, nên họ sẽ tiếp tục thực hiện ý đồ của mình bằng nhiều hành vi khác nhau. Một kịch bản trong tương lai, họ sẽ bao vây một đảo của Việt Nam, cắt đường tiếp tế vào đảo. Do đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động thăm dò, cản phá, quấy rối các hoạt động đánh bắt cá của Việt Nam, Philippines, Malaysia, kể cả bên trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, rồi họ sẽ tăng cường tập trận, kể cả bắn tên lửa trên Biển Đông.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư./.

Theo: vov.vn

Tin cùng chuyên mục