Nông nghiệp sạch – Hướng phát triển bền vững

Sản xuất nông nghiệp sạch đang là xu hướng được nhiều địa phương trong cả nước triển khai. Đối với Tuyên Quang, đây là một trong những nội dung quan trọng để tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

 

 

Ông Trịnh Ngọc Hạnh, trồng cam đã 20 năm nhưng mới bắt đầu chuyển sang trồng cam VietGAP gần 2 năm nay. Thực tế cho thấy giá bán sản phẩm cam VietGAP cao hơn, thị trường ổn định hơn và việc trồng cam theo hướng này giúp cho sức khỏe của những người làm vườn như ông được tốt hơn. Ông Hạnh cũng là một trong những thành viên tích cực trong Tổ hợp tác cam VietGAP gồm 39 người của tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) đang sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP.


Trong bối cảnh có sự cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường nông sản thì việc phát triển nông sản sạch gắn liền với xây dựng được thương hiệu, uy tín đang được các ngành chức năng cũng như người dân tích cực thực hiện. Hiện, tỉnh đang duy trì và mở rộng diện tích trên 800 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững Rainfores; Diện tích cam VietGAP là gần 1.000 ha, diện tích cam hữu cơ chuyển đổi trên 30 ha, bưởi hữu cơ 27 ha.

 

Nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, năm 2019, tỉnh Tuyên Quang đã giải ngân 800 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho 8 sản phẩm. Tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa của một số hợp tác xã. Từ đó, đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển nông nghiệp sạch.


Để nông nghiệp sạch ở Tuyên Quang thực sự phát triển, cùng với việc thay đổi tư duy sản xuất của người dân, thì việc xây dựng thương hiệu cho nông sản, mời gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất nông nghiệp sạch sẽ góp phần phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn.

Theo: TTV

Tin cùng chuyên mục