7 ngày rung chuyển Afghanistan

Thất bại của lực lượng chính phủ bắt đầu từ Zaranj khiến Afghanistan rơi vào hỗn loạn, liên tục mất quyền kiểm soát hàng loạt thành phố vào tay Taliban.

 

Sự chấm dứt hiện diện của các lực lượng Afghanistan tại Zaranj, thủ phủ tỉnh tây nam Nimroz, trung tâm mậu dịch gần biên giới Iran, được một chỉ huy Taliban tuyên bố tuần trước.

"Đây chỉ là khởi đầu", chỉ huy của Taliban nói. "Hãy nhìn xem các tỉnh khác rơi vào tay chúng tôi sớm như thế nào".

Zaranj thất thủ vào 6/8. Đây là thành phố lớn đầu tiên bị Taliban chiếm đóng sau nhiều năm. Trong vòng 7 ngày kể từ cuộc tấn công chớp nhoáng của Taliban, dự đoán của chỉ huy phiến quân trên đã đúng, khi hết thành phố này tới thành phố khác của Afghanistan rơi vào tay Taliban.

Phiến quân Taliban lái xe của quân đội Afghanistan qua một con phố ở Kandahar hôm 6/8. Ảnh: AFP
 

Phiến quân Taliban lái xe của quân đội Afghanistan qua một con phố ở Kandahar hôm 6/8. Ảnh: AFP

Số phận của Zaranj đặt hình mẫu cho những ngày sau đó. Sau nhiều tuần chiếm đóng các huyện nông thôn và cô lập Zaranj, Taliban bất ngờ chiếm đóng thành phố khi quân nổi dậy vượt qua các tuyến phòng thủ.

Trong vòng vài ngày, nhiều thành phố khác bị chiếm đóng với chiến thuật tương tự, đó là thành phố trọng điểm Kunduz ở phía bắc, cùng căn cứ không quân của nó, hôm 8/8, vài ngày sau là Pul-e-Khumri và Ghazni, những khu vực chiến lược hướng tới thủ đô Kabul.

Sau đó, trong trận đánh kinh hoàng nhất hôm 12/8, thành phố lớn thứ hai và thứ ba của đất nước là Kandahar và Herat đã rơi vào tay Taliban. Không quân Mỹ và Afghanistan, bao gồm máy bay ném bom B-52 của Mỹ, cũng không thể làm chậm bước tiến của Taliban.

Vào thứ 6, bản đồ theo dõi các cuộc tấn công của Taliban cho thấy sự tính toán rõ ràng nhằm vào lực lượng chính phủ Afghanistan và các nước phương Tây đang hỗ trợ, với hơn 65% diện tích đất nước đã nằm dưới quyền kiểm soát của Taliban, hơn một chục tỉnh lỵ thất thủ và Kabul bị cô lập.

Nếu Zaranj là tỉnh lỵ đầu tiên thất thủ, thì việc Kunduz bị chiếm đóng hôm 8/8 gióng hồi chuông cảnh báo lớn nhất, bởi nó là tỉnh lỵ thứ ba trong bốn tỉnh lỵ đã bị chiếm đóng tính đến thời điểm đó, và là tỉnh lỵ quan trọng nhất, buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden phải mở họp báo.

"Hãy nhìn xem, chúng ta đã chi hơn 1.000 tỷ USD trong hơn 20 năm qua. Chúng ta huấn luyện và trang bị hiện đại cho hơn 300.000 lính Afghanistan", Biden nói hôm 10/8. "Các nhà lãnh đạo Afghanistan phải đoàn kết. Họ phải chiến đấu cho bản thân, cho dân tộc mình".

Cùng với sự đánh chiếm của Taliban là những câu chuyện kinh dị, như trả thù các cựu nhân viên chính phủ, hành quyết, chặt đầu, bắt cóc thiếu nữ ép lấy chồng.

"Chúng tôi nhìn thấy người chết gần nhà tù, bên cạnh là chó", Friba, 36 tuổi, một góa phụ chạy trốn khỏi thành phố Kunduz, phía bắc đất nước hôm 8/8 để tới Kabul cùng 6 đứa con, nói.

Taliban cũng khiến các đồng minh quốc tế của chính phủ Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani báo động, buộc họ phải khẩn trương sơ tán đại sứ quán. Phiến quân chia cắt đất nước thành nhiều mảnh, cắt đứt các tuyến đường huyết mạch nối các thành phố, chiếm đóng căn cứ không quân, phớt lờ thỏa thuận đầu hàng.

Cứ mỗi thành phố thất thủ trong tuần qua, người ta lại nghe thấy lời phàn nàn của những cựu binh Afghanistan phòng thủ đã chán nản về tình trạng đói khát và thất bại, cũng như việc Kabul hứa hẹn đem quân tiếp viện nhưng không tới được.

Đến 12/8, Kandahar, thành phố rộng lớn ở phía nam và Herat, thành phố ở phía tây đất nước, cũng thất thủ. Tại Kandahar, trận chiến bắt đầu từ giữa tháng 7, khi các tay súng Taliban xâm nhập đầu tiên vào cơ quan cảnh sát quận 7. Tới 11/8, phiến quân tràn vào nhà tù trung tâm thành phố, thả gần 1.000 tù nhân.

Ngày 12/8, Taliban tiến vào khu vực quảng trường Liệt sĩ rộng lớn, biểu tượng của thành phố lớn thứ hai Afghanistan, nơi Taliban bắt đầu nổi lên từ những năm 1990 và từng là đầu não của nhóm phiến quân từ năm 1996 tới 2001, một lần nữa rơi vào tay nhóm phiến quân Hồi giáo.

Sáng 13/8, tin tức thành phố bị chiếm đóng được xác nhận qua thông cáo. "Sau cuộc đụng độ nặng nề đêm qua, Taliban đã giành quyền kiểm soát thành phố Kandahar", một quan chức Afghanistan tuyên bố.

Trong lúc nhiều người Afghanistan đã chạy trốn trước khi Taliban chiếm đóng, chen chúc bên trong Kabul, ngủ ngoài trời ở công viên và các không gian mở, thì nhiều người lại chào đón nhóm phiên quân. Thanh niên tới gần những tay súng Taliban chiếm đóng ở Pul-e-Khumri, thành phố cách Kunduz 100 km về phía nam, gần Kabul, chụp ảnh selfie cùng họ chỉ vài giờ sau khi lực lượng an ninh Afghanistan bị đẩy lùi.

Giao tranh khiến người dân đổ xô về Kabul, khiến các cơ quan cứu trợ phải cảnh báo về thảm họa sắp xảy ra.

"Chúng tôi đang chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn", Tracey Van Heerden, quyền giám đốc quốc gia của Hội động tị nạn Na Uy tại Afghanistan, nói. "Các gia đình tranh giành đồ ăn. Chúng tôi e ngại tình hình này đang lan rộng toàn quốc với tốc độ chưa từng có".

Giữa tuần này, tốc độ tiến công đáng kinh ngạc của Taliban đã gây sốc cho chính phủ các nước phương Tây, những nước từng tài trợ, cung cấp vũ khí và huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan, đặc biệt khi họ chứng kiến đại sứ quán nước mình ở Kabul bất ngờ lâm vào tình trạng nguy hiểm.

Các chính trị gia và nhà phân tích tự hỏi làm thế nào sau 20 năm và hàng tỷ USD rót vào các lực lượng an ninh Afghanistan với quân số khoảng 300.000 người và luôn được tướng lĩnh phương Tây ca ngợi tài năng, lại có thể thất thủ một cách nhanh chóng trên diện rộng tới vậy?

Với Ryan Crocker, người từng là đại sứ Mỹ tại Afghanistan dưới thời Barack Obama, câu trả lời rất đơn giản. Kế hoạch của Biden nhằm tiếp tục rút quân khỏi Afghanistan giống như "trao đất nước cho Taliban".

Các nhà quan sát khác, như tổng thanh tra đặc biệt của Mỹ về tái thiết Afghanistan, người đã theo dõi tình trạng tham nhũng và lãng phí trong nỗ lực tái thiết đất nước do Mỹ dẫn đầu, từ lâu đã đưa ra cảnh báo về cách chi tiêu hợp lý số tiền dành cho huấn luyện quân sự và tiền lương rằng "câu hỏi cuối cùng sẽ được trả lời bằng kết quả cuộc chiến".

Nghiêm trọng hơn, đó là sự kết hợp của việc các lượng lượng phương Tây rút quân cùng sai sót nghiêm trọng của chính phủ Afghanistan và các lãnh đạo quân sự, đã dẫn tới thảm họa.

Có thể nói, sai lầm nghiêm trọng nhất là quân đội Afghanistan quyết định không tranh giành vùng nông thôn khi các lực lượng nước ngoài rút quân, mà tập trung vào bảo vệ thành phố. Sai lầm này cho phép Taliban cô lập và bao vây các tỉnh lỵ, cắt đứt đường dây liên lạc, cuối cùng là bóp nghẹt Kabul.

Một yếu tố nữa là tính hiếu chiến của Taliban nếu so sánh với các lực lượng chính phủ Afghanistan. Quy mô nhỏ hơn, với khoảng 60.000 tay súng nòng cốt và trang bị vũ khí thô sơ hơn, nhưng Taliban đã lôi kéo được các tay súng dựa vào tôn giáo và quan hệ văn hóa. Còn các lực lượng an ninh Afghanistan phân hóa hơn, động lực chiến đấu yếu hơn, chưa kể tới yếu tố lương bổng.

Tuần trước, Afghanistan chứng kiến số lượng lớn vụ đào tẩu, rút lui và đầu hàng nhanh chóng khi các nhà lãnh đạo, cả chính trị gia và quân đội địa phương, đã đàm phán với nhóm phiến quân Taliban khi bị bao vây.

Vào cuối tuần, quá trình này tiếp tục với Mohammad Omer Sherzad, tỉnh trưởng của tỉnh phí nam Uruzgan, người cho biết đã được các trưởng lão tiếp cận để đàm phán thỏa thuận rút lui.

Dù chính quyền các nước phương Tây mất tinh thần trước tốc độ của Taliban, đây là thất bại đã được dự đoán từ lâu. Bill Roggio, một thành viên cấp cao của Quỹ Bảo vệ Các nền Dân chủ, người đã ghi chép lại cuộc chiến, cho hay quân đội Afghanistan tham nhũng và quản lý yếu kém, khiến quân đội trên chiến trường được trang bị kém, ít động lực chiến đấu.

Người Afghanistan di tản từ các tỉnh phía bắc tới trú trong công viên ở Kabul hôm 13/8. Ảnh: AP

Người Afghanistan di tản từ các tỉnh phía bắc tới trú trong công viên ở Kabul hôm 13/8. Ảnh: AP

Những lời đổ lỗi lẫn nhau bắt đầu vang lên, khi chính phủ các nước phương Tây vội vàng triển khai quân tiếp viện sơ tán nhân viên ngoại giao. Với những người Afghanistan ở các thành phố chưa bị Taliban chiếm đóng, mối quan tâm trước mắt là quân tiếp viện của các lực lượng phương Tây đang được điều động để giải cứu người nước ngoài, không phải người Afghanistan, những người đang lo sợ nhất trước sự quay lại của Taliban.

Trong số này có Zahra Omari, người đã trốn từ Kunduz tới Kabul cùng 6 đứa con. "Khi người ta bắt đầu bỏ chạy, tôi cũng đem theo con bỏ chạy. Tôi thậm chí còn không mang theo sữa cho con gái 10 tháng tuổi", Omari nói. "Chúng tôi tìm được một xe khách đi tới Kabul. Trong xe đã bỏ hết ghế để nhồi nhét càng nhiều người càng tốt. Bên trong toàn đàn ông, đàn bà và trẻ em đang run rẩy vì sợ hãi".

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục