Tác động của kết quả bầu cử Quốc hội Hàn Quốc với chính quyền đương nhiệm

Đảng Dân chủ (DP) đối lập chính ở Hàn Quốc đã giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 10/4 vừa qua với tỷ lệ 161 ghế trong tổng số 254 ghế tranh cử trực tiếp. Trong khi đó, Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền chỉ giành được 90 ghế.

Kết quả bầu cử Quốc hội Hàn Quốc đồng nghĩa với một thất bại nữa của đảng Quyền lực Quốc dân cầm quyền và dự kiến hoạt động điều hành nhà nước của Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ thêm nhiều khó khăn trong nửa cuối nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2027.

Đảng cầm quyền đối mặt nhiều khó khăn

Đảng Dân chủ đồng hành và đảng vệ tinh Liên minh dân chủ đồng hành đã giành quá bán số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này. Thắng lợi này trên thực tế đã được dự đoán trước đó, nhất là trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol vừa phải đối mặt với vấn đề về khủng hoảng y tế-vốn được coi là vấn đề dân sinh quan trọng.

Đảng đối lập đã giành thắng lợi lớn ở các khu vực quan trọng như thủ đô Seoul, tỉnh Gyeonggi… Điều này chứng tỏ một điều ở những khu vực dân trí cao, tập trung tri thức đã có những suy nghĩ khác về một chính quyền cầm quyền, họ thấy cần ủng hộ cho một cái mới, có thể giúp đời sống an ninh của họ ổn định.

 

Thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này, Đảng cầm quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol đang khó khăn lại càng khó khăn, mặc dù đã biết trước kết quả.

Mặc dù đảng cầm quyền đã tránh được kịch bản xấu nhất là bị rơi 200 ghế vào tay phe đối lập, đủ để phe đối lập sửa đổi Hiến pháp, nhưng đảng này sẽ bị mất thế chủ động tại Quốc hội trong vòng 4 năm tới. Kết quả Tổng tuyển cử lần này được phân tích là sự phán xét gay gắt của người dân với Chính phủ đương nhiệm Tổng thống Yoon Suk-yeol, hiện đã bước qua hơn ba năm nhiệm kỳ. Kết quả này không tránh khỏi là đòn mạnh đánh vào động lực điều hành quốc gia của Chính phủ đương nhiệm, đòi hỏi Tổng thống phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong đường lối điều hành đất nước.

Mất đa số ghế trong Quốc hội

Tổng thống Yoon Suk-Yeol trong buổi họp báo ngày hôm qua (12/4) đã cho rằng sẽ khiêm nhường đón nhận ý nguyện của cử tri trong đợt Tổng tuyển cử vừa rồi, nỗ lực hết sức để đổi mới điều hành quốc gia, ổn định nền kinh tế và dân sinh.

Mặt khác, một quan chức cấp cao trong Văn phòng Tổng thống cho biết để đổi mới công tác điều hành quốc gia thì trước tiên phải đổi mới từ nhân sự. Sau khi kết quả bầu cử quốc hội được công bố, trừ Chánh Văn phòng an ninh quốc gia, tất cả các quan chức cấp Cố vấn trở lên trong Văn phòng Tổng thống đã đồng loạt bày tỏ ý định từ chức. Trong đó gồm Chánh Văn phòng Tổng thống Lee Kwan-sup, Chánh Văn phòng Chính sách Sung Tae-yoon, Cố vấn Quảng bá Lee Do-woon, Cố vấn các vấn đề Nhà nước và chính trị Han Oh-seop, Cố vấn Kinh tế Park Chun-seop, Cố vấn Xã hội Jang Sang-yun, Cố vấn Khoa học kỹ thuật Park Sang-wook.

Quan chức này nói thêm Thủ tướng Han Duck-soo cũng đã chuyển lời tới Tổng thống về ý định xin từ chức. Tổng thống sẽ sớm ra quyết định về việc có chấp nhận đơn từ chức của đội ngũ cố vấn và Thủ tướng Han hay không.

Sau cuộc bầu cử,  chắc chắn có sự cạnh tranh giữa đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền và đảng Dân chủ (DP), hoạt động của đảng PPP cầm quyền và cũng như việc điều hành các chương trình, chính sách quốc gia của chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ bị tác động đáng kể. Đảng DP có thể sẽ sử dụng quyền lực của Quốc hội để gia tăng áp lực đối với đảng PPP và chính phủ đương nhiệm. 

Trong khi còn đang phải giải quyết nhiều bất cập trong vấn đề an sinh, chính quyền Tổng Thống Yoon Suk-yeol lại vấp phải nguy cơ về nhân sự. Sự lựa chon một Nội các đủ mạnh để điều hành không phải dễ dàng. Điều này có khả năng khiến cho chính quyền của Tổng thống sẽ giảm uy tín và tỷ lệ ủng hộ cũng vậy. Khả năng chiến thắng cho một nhiệm kỳ tiếp theo cũng có nhiều trở ngại.

Lấy lại tín nhiệm của cử tri

Theo một số chuyên gia Hàn Quốc, cuộc bầu cử Quốc hội lần này có thể coi là đợt sát hạch uy tín từ cử tri đối với chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol, vốn đã đi quá nửa nhiệm kỳ. Sự thất bại của Đảng Quyền lực Quốc dân cho thấy lòng tin của dân chúng có sự giảm sút. Và những chính sách trong nước về phát triển kinh tế, ổn định an sinh, tăng mức sống cho người dân…phần nào đã không làm hài lòng dân chúng. Do vậy, chính quyền Tổng thống cần thúc đẩy hơn nữa những chính sách này,  đặc biệt các chính sách liên quan đến việc làm, kích thích doanh nghiệp, mở rộng các ưu đãi thuế với giới chủ doanh nghiệp…

Do thất bại từ cuộc bầu cử này, cử tri và đảng đối lập có thể sẽ đi sâu vào những chính sách được cho là không phù hợp của Tổng thống Yoon ví dụ như chương trình lập pháp được coi là bảo thủ trước đó, như cải cách hệ thống y tế dẫn đến cuộc đình công của các bác sĩ nội trú và kế hoạch loại bỏ Bộ Bình đẳng giới. Những chính sách cần phải sửa đổi thì cũng cần phải sửa đổi.

Đối với thể chế chính trị như Hàn Quốc, vai trò của gia đình trong đời sống chính trị cũng có tầm ảnh hưởng nhất định. Gần đây dân chúng Hàn Quốc cho rằng, hình ảnh phu nhân Tổng thống có tác động nào đó tới Tổng thống Yoon. Như vậy, Tổng thống Yoon cũng cần có những điều chỉnh về hình ảnh gia đình để có thể ổn định tâm lý của dân chúng, bởi dẫu sao dân chúng vẫn coi đó là hình ảnh của đất nước.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục