Tây Âu hứng nắng nóng 44 độ C

Các nước Tây Âu tiếp tục hứng chịu nắng nóng trong đợt sóng nhiệt thứ hai của mùa hè, khiến nhiệt độ một số nơi lên mức 44 độ C.

 

Từ ngày 10/7, nhiều khu vực ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trên bán đảo Iberia ghi nhận mức nhiệt trên 40 độ C, làm bùng phát các đám cháy rừng quy mô lớn.

Ở Tây Ban Nha, nhiệt độ dự báo tiếp tục tăng cho đến 14/7, với mức cao nhất 44 độ C được ghi nhận ở thung lũng Guadalquivir tại Seville, miền nam đất nước. Bộ Y tế Tây Ban Nha cảnh báo "nắng nóng gay gắt" có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, khuyến cáo người dân thường xuyên bổ sung nước, mặc quần áo thoáng mát, ở nơi có bóng râm hay điều hòa.

Nhiệt kế ngoài trời ở Seville, Tây Ban Nha, hiển thị 44 độ C hôm 12/7. Ảnh: AFP

Nhiệt kế ngoài trời ở Seville, Tây Ban Nha, hiển thị 44 độ C hôm 12/7. Ảnh: AFP

Với những lao động ngoài trời như Miguel Angel Nunez, 54 tuổi, thợ nề tại công trường ở trung tâm Madrid, công việc vất vả hơn do "nhiệt độ cao gây khó thở".

Tại Extremadura, khu vực phía đông Tây Ban Nha, khoảng 300 lính cứu hỏa và 17 máy bay, trực thăng, đang chiến đấu với một đám cháy lớn đã tàn phá 2.500 hecta rừng.

"Cháy rừng bùng lên hôm 11/7 do sét đánh và có thể kéo dài vài ngày", Guillermo Fernandez Vara, người đứng đầu chính quyền vùng Extremadura, cho biết.

Lực lượng cứu hỏa ở Bồ Đào Nha cũng chiến đấu với tình cảnh tương tự, khi các đám cháy từ tuần trước đã phá hủy 2.000 hecta rừng ở Ourem, vùng đô thị miền trung đất nước. Đám cháy được kiểm soát hôm 11/7, nhưng lại bùng lên vào hôm sau. Với nhiệt độ có thể lên tới 40 độ C, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa kêu gọi đất nước "hết sức cảnh giác".

 

"Chúng ta từng trải qua các tình huống tương tự trong quá khứ và chắc chắn sẽ tiếp tục trải qua trong tương lai", ông nói.

Một đám cháy cũng tàn phá 800 ha rừng thông ở phía nam Bordeaux, Pháp từ chiều 12/7, khiến 150 cư dân phải sơ tán. Đám cháy khác gần Cồn Pilat, cồn cát cao nhất châu Âu, thiêu rụi 180 ha rừng thông cổ thụ.

Khoảng 6.000 người cắm trại gần cồn cát phải sơ tán trong đêm, theo David Annotel, quan chức sở cứu hỏa địa phương. Ông cho hay lực lượng cứu hỏa đã phải chiến đấu suốt đêm để khống chế đám cháy.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne kêu gọi các bộ trưởng sẵn sàng đối phó với hậu quả đợt nắng nóng dự kiến kéo dài tới 10 ngày. "Nắng nóng ảnh hưởng rất nhanh tới sức khỏe con người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương", bà nói.

Giới khoa học nhận định các đợt sóng nhiệt đang xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, sóng nhiệt sẽ gay gắt hơn. Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha từng trải qua đợt nắng nóng dữ dội hồi giữa tháng 6.

"Chúng tôi dự đoán sóng nhiệt sẽ nghiêm trọng hơn", Clare Nullis, phát ngôn viên Tổ chức Khí tượng Thế giới, cho biết trong cuộc họp báo ngày 12/7 ở Geneva. "Đi kèm nắng nóng là hạn hán. Nhiều vùng đất đang cực kỳ khô cằn".

Các khu vực bị nắng nóng ảnh hưởng ở Tây Âu trong tuần này. Đồ họa: CNN

Các khu vực bị nắng nóng ảnh hưởng ở Tây Âu trong tuần này. Đồ họa: CNN

Bà nói thêm thời điểm này mới vào đầu hè, nhưng "là mùa tồi tệ với sông băng". Tuần trước, một phần của sông băng lớn nhất trên dãy Alps ở Italy đã sạt lở do nhiệt độ cao bất thường, khiến 11 người thiệt mạng.

Nắng nóng dự kiến lan sang những vùng khác ở tây và trung Âu trong vài ngày tới. Vương quốc Anh đã ban hành cảnh báo "hổ phách", mức thứ hai trong thang cảnh báo ba cấp độ, khi nền nhiệt cao dự kiến "tác động lớn" tới đời sống và sức khỏe con người. Nhiệt độ ở đông nam nước Anh dự kiến đạt 35 độ C trong những ngày tới.

Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở Anh là 38,7 độ C ở Vườn bách thảo Cambridge, miền đông đất nước, ngày 25/7/2019. Một quan chức khí hậu của Anh nhận định nước này sẽ tiếp tục ghi nhận thêm kỷ lục về nhiệt độ cao do khí hậu đang ấm lên rất nhanh.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục