Ukraine có thể làm gì với tăng thiết giáp phương Tây

Quân đội Ukraine có thể dùng tăng thiết giáp phương Tây tiến hành các mũi phản công hạn chế để phá thế bế tắc, dù khó thay đổi cục diện chiến trường.

 

Trên cánh đồng bùn lầy ở một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov ngồi vào khoang chỉ huy chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 do Anh sản xuất, một trong ba chiếc đầu tiên được gửi tới Ukraine.

Mặc chiếc áo khoác kiểu nhà binh và đội mũ lưỡi trai, ông Reznikov giơ ngón tay cái lên khi cảm ơn Anh vì đã hỗ trợ Ukraine loại xe tăng hiện đại này.

Challenger không phải loại tăng thiết giáp duy nhất của phương Tây mà Ukraine nhận được. Trong vài tuần gần đây, nhiều loại phương tiện chiến đấu khác như xe tăng Leopard 2, xe chiến đấu bộ binh Marder, xe thiết giáp chở quân Stryker hay thiết giáp Cougar đang được chuyển tới Kiev.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng kêu gọi các nước phương Tây hỗ trợ 300 xe tăng chiến đấu chủ lực cùng nhiều loại thiết giáp chuẩn NATO. Mỹ và các đồng minh châu Âu đồng ý với yêu cầu này, nhưng con số cam kết mới dừng ở mức khoảng 60 chiếc.

Lính Ukraine huấn luyện trên xe tăng Challenger 2 ở Anh hồi tháng 2. Ảnh: AFP.

Lính Ukraine huấn luyện trên xe tăng Challenger 2 ở Anh hồi tháng 2. Ảnh: AFP.

Hamish de Bretton-Gordon, cựu chỉ huy trung đoàn xe tăng hoàng gia Anh, cho rằng một trong những tác động quan trọng nhất mà tăng thiết giáp phương Tây mang lại là về mặt tâm lý.

"Nó là dấu hiệu tích cực với tâm lý chiến đấu của người Ukraine, đồng thời tạo ra hiệu ứng tiêu cực đối với người Nga", ông nói.

Tuy nhiên, Bretton-Gordon cho rằng nếu chỉ xét về mặt số lượng, 50-60 xe tăng phương Tây không thể là yếu tố giúp thay đổi cục diện chiến trường. "Tôi từng nói rằng bạn phải cần tối thiểu 100 xe tăng cho một đòn tấn công lớn. Ukraine cũng đã nói họ cần 300 chiếc như vậy", ông nói.

Bretton-Gordon không phủ nhận rằng những chiếc xe tăng hay thiết giáp NATO có thể tạo ra khác biệt, nhờ năng lực được cho là vượt trội hơn hầu hết các loại xe tăng mà Nga triển khai ở Ukraine.

"Chúng ta đừng quên rằng những chiếc xe tăng phương Tây này bổ sung sức mạnh cho đội xe tăng T-72 mà Ukraine đang có và chúng được chuyển giao cho quân đội nước này vào thời điểm họ đã được huấn luyện tốt về tác chiến cơ động", ông cho hay.

Bretton-Gordon đặc biệt nhấn mạnh khả năng khai hỏa tầm xa của những chiếc Leopard có thể mang lợi thế cho Ukraine. Loại xe tăng này cũng có thể hoạt động tốt hơn xe tăng Nga trên nhiều địa hình khác nhau ở Ukraine và chiến đấu hiệu quả vào ban đêm.

"Tăng thiết giáp sẽ hoạt động hiệu quả nhất trong đòn tấn công bất ngờ nhằm chọc thủng phòng tuyến đối phương. Họ sẽ muốn tập trung hỏa lực hơn là phân tán nó", Bretton-Gordon nói.

Cựu sĩ quan xe tăng này nhận định kế hoạch tác chiến hợp lý nhất với Ukraine là dồn lực lượng thọc sâu vào một mục tiêu nhất định, thay vì dàn trải lực lượng, nhằm chia cắt khu vực Nga kiểm soát ở vùng Donbass và miền nam Ukraine.

Stuart Crawford, cựu sĩ quan của trung đoàn xe tăng hoàng gia Anh, cũng tin rằng dù số lượng tăng thiết giáp phương Tây không đủ giúp Ukraine tạo đột phá lớn, chúng có thể hữu ích khi mở mũi phản công quy mô nhỏ ở phía nam.

"Nó có thể không phải là một đòn chọc thủng phòng tuyến kinh điển, theo sau là đợt tiến công diện rộng. Nó sẽ mang tính cục bộ hơn. Từ góc nhìn chiến lược, kế hoạch này rõ ràng nhắm tới cuộc tấn công ở miền nam, từ Zaporizhzhia tới Melitopol", Crawford nói.

Crawford không đồng tình với quan điểm cho rằng việc Ukraine sử dụng quá nhiều loại vũ khí từ nhiều nguồn khác nhau sẽ gây ra vấn đề về bảo dưỡng và hậu cần. "Quân đồng minh trong chiến dịch Normandy năm 1944 cũng có rất nhiều loại thiết bị khác nhau, nhưng họ vẫn xoay xở tốt", ông nói.

Tuy nhiên, vấn đề mà Crawford lo ngại là lực lượng Ukraine thiếu yểm trợ hỏa lực trên không. Cả Nga và Ukraine đều không giành được ưu thế trên không và đó là lý do Ukraine kêu gọi viện trợ tiêm kích F-16 của Mỹ để giành lợi thế. Nếu không chiếm được ưu thế trên không, lực lượng mặt đất khó có thể cơ động dễ dàng.

Cũng như xe tăng, Crawford nhận thấy sự xuất hiện của các xe thiết giáp chở quân Stryker cũng rất hữu ích "trên chiến trường vốn bị chi phối bởi pháo binh" như ở Ukraine.

Cục diện chiến sự Ukraine. Ảnh: Washington Post

Cục diện chiến sự Ukraine. Ảnh: Washington Post

Jeffrey Edmonds, chuyên gia về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân và từng là sĩ quan thiết giáp của quân đội Mỹ, nhận định cuộc phản công vào mùa xuân hoặc hè của Ukraine có thể sẽ là nỗ lực nhằm đảo lộn phòng tuyến Nga với sự hỗ trợ của lực lượng xe tăng phương Tây.

Edmonds lạc quan rằng những chiếc xe tăng này sẽ giúp Ukraine tháo gỡ bế tắc chiến trường. "Xe tăng được thiết kế chính xác cho mục đích đó. Nó được sử dụng để tung những đòn đánh nhanh và mạnh, nhằm khơi thông chiến trường", ông nói.

Chuyên gia Mỹ thêm rằng những cam kết chuyển giao xe tăng của phương Tây sẽ tạo tiền đề cho những viện trợ vũ khí mới trong tương lai. "Cuộc chiến càng kéo dài, hình thức hỗ trợ này càng hiệu quả", ông nói.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục