Nâng cao chất lượng dạy và học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh

Hoạt động giảng dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh ở Khoa Công tác Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội) thời gian qua được thực hiện khá tốt. Nội dung chương trình, giáo trình, giáo án bài giảng đã được nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp hơn với đối tượng học.


Nhiều giảng viên đã áp dụng phương pháp giảng dạy mới, lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động của học viên, nâng cao hiệu quả tiếp thu bài giảng. Một số giảng viên đã sử dụng phương tiện giảng dạy hiện đại như máy chiếu, băng, mô hình... tăng tính trực quan sinh động của bài giảng…


Mặc dù hoạt động dạy và học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều nét khởi sắc nêu trên, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cần khắc phục, đó là:           

Đội ngũ giảng viên trực tiếp giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh còn thiếu so với quy mô tuyển sinh hằng năm, các giảng viên phải dạy quá nhiều giờ trong năm, thậm chí có giảng viên mỗi năm giảng trên 600 giờ quy đổi. Do thời gian đứng lớp nhiều nên giảng viên còn ít thời gian nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới, hoặc tìm kiếm phương pháp truyền đạt mới hiệu quả hơn, phù hợp với đối tượng, đặc điểm của từng loại lớp học, thậm chí có giảng viên chuẩn bị giáo án còn sơ sài, sử dụng giáo án chỉ soạn một lần cho nhiều lớp học.          

Chất lượng của đội ngũ giảng viên dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh không đồng đều. Nhiều giảng viên chưa được đào tạo chính quy, chuyên sâu về môn học mà chỉ được bồi dưỡng ngắn hạn. Chất lượng của đội ngũ giảng viên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy còn chậm. Một phần do giảng viên chưa thực sự coi trọng việc áp dụng phương pháp mới vào giảng dạy. Mặt khác số lượng học viên mỗi lớp học thường quá đông, do đó việc áp dụng phương pháp mới thường khó khăn và hiệu quả đạt được không cao.

Trong giảng dạy, nhiều giảng viên còn thiên về truyền đạt nội dung Tư tưởng Hồ Chí Minh mà ít quan tâm liên hệ thực tế, chưa sử dụng nhiều những tấm gương người thật việc thật trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để giáo dục đạo đức, lý tưởng sống cho người học. Mặt khác, chương trình học còn nặng lý thuyết, gò bó, chưa gắn với đi thực tế. Do đó, giờ học thiếu sinh động, thiếu hứng thú cho người học.           

Để nâng cao chất lượng dạy và học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả một số giải pháp chủ yếu sau:           

Đối với giảng viên:           

Thứ nhất,không ngừng tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị. Tập trung nghiên cứu sâu về nội dung Tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Thường xuyên cập nhật những thông tin liên quan đến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những tấm gương điển hình sẽ minh hoạ sinh động, thuyết phục nhất trong giảng dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh.           

Thứ hai,tích cực nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy, xem đây là khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Mạnh dạn áp dụng các phương pháp như đối thoại, nêu vấn đề, thảo luận nhóm để thu hút học viên chủ động tham gia tìm hiểu kiến thức. Giảng viên cần giới thiệu hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến môn học, hướng dẫn cho học viên đọc tài liệu trước khi lên lớp, góp ý những vấn đề đề trọng tâm để học viên tập trung tìm hiểu, hoặc đặt những câu hỏi xung quanh những nội dung quan trọng để học viên tự đọc tài liệu và tìm câu trả lời. Giảng viên tạo điều kiện cho học viên trình bày những gì mình đã tìm hiểu được, hoặc trả lời những câu hỏi. Sau đó cả lớp chia nhóm thảo luận và cuối cùng giảng viên phát biểu tổng kết, khẳng định những nhận thức đúng, bổ sung những nhận thức chưa đầy đủ, chấn chỉnh những nhận thức sai. Cách học này buộc học viên nhớ và nắm sâu kiến thức hơn, đồng thời người thầy cũng phải nhuần nhuyễn kiến thức và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.           

Tích cực sử dụng các phương tiện giảng dạy hiện đại như máy chiếu, đầu đĩa CD, máy ghi âm, mô hình... để hỗ trợ cho bài giảng, sẽ cuốn hút người học và tạo nên sự hấp dẫn cho môn học.           

Thứ ba,mỗi giảng viên phải luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xác định giảng dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh là vinh dự vì được góp một phần công sức vào thành công của cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Đối với học viên:           

Thứ nhất,có mục đích, động cơ học tập đúng đắn, học để hiểu sâu sắc hơn về tư tưởng và những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Học là cơ hội để học viên rèn luyện phẩm chất đạo đức, phong cách của mình, không ngừng hoàn thiện, trở thành người có cán bộ lãnh đạo, quản lý tốt. Học để vận dụng trong công tác lãnh đạo, quản lý ở địa phương, cơ quan, đơn vị một cách hiệu quả.           

Thứ hai,học viên xây dựng phương pháp học tập khoa học; không chỉ học trên lớp mà còn học trong nhân dân, học những tấm gương người tốt việc tốt. Không chỉ học ở giáo trình mà còn phải tích cực tìm đọc những tài liệu tham khảo.          

Thứ ba, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá hoặc tham quan các di tích lịch sử, gặp gỡ giao lưu với các cá nhân, tập thể điển hình trong cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tham gia các cuộc thi tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp học viên rèn luyện nhân cách, sự tự tin và kỹ năng diễn đạt và hỗ trợ học viên học tập tốt hơn môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh.           

Theo: Tạp chí xây dựng Đảng

Tin cùng chuyên mục