Vận dụng Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh

Nghiên cứu tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh ta thấy, Người coi sức mạnh chính trị - tinh thần của toàn dân làm nền tảng, trên cơ sở đó phát huy vai trò của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, phát huy tinh hoa nghệ thuật quân sự của cha ông và nghệ thuật quân sự của thế giới. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng của học thuyết quân sự cách mạng Việt Nam.

Nhận rõ thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt của kẻ thù nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, bao vây cô lập ta về ngoại giao; không chỉ đánh ta về quân sự, chúng tấn công ta trên tất cả các mặt, các lĩnh vực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển cuộc chiến tranh nhân dân ở Việt Nam bằng những quan điểm sáng tạo “kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”. Đó là tư tưởng “Lấy dân làm gốc” bắt nguồn tự sự đánh giá đúng vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân trong đấu tranh cách mạng. Đồng thời là cơ sở cho việc xây dựng lòng tin của Đảng đối với quần chúng nhân dân biết dựa vào nhân dân để tiến hành đấu tranh cách mạng.

Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, làm rõ mối quan hệ giữa xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Quán triệt tư tưởng của Người, Đại hội VIII của Đảng nêu:Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới, nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu nghị quyết của Đảng trong thời kỳ đổi mới, chúng ta thấy một số điểm quan trọng mà Đảng đã chú trọng khai thác, vận dụng trong tình hình mới:


Thứ nhất,nhận thức sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc.Đây là tổng kết của Đảng thể hiện những nội dung Tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh mới. Hồ Chí Minh từng khẳng định: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho kỳ được độc lập, tự do.

Thứ hai,Đảng ta luôn xác định bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một nhiệm chiến lược. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bài học quý giá mà Hồ Chí Minh trong lãnh đạo cách mạng là: có dân là có tất cả. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu là phải tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân gắn bó mật thiết với hệ thống chính trị. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc còn là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Ngay từ năm 1920 khi cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản Bác đã sớm phát hiện ra sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của thời đại và coi việc kết hợp ấy là một tất yếu khách quan trong thời đại cách mạng vô sản. Chính nhờ sức mạnh ấy mà ta đã thành công trong Cách mạng Tháng Tám, hai cuộc kháng chiến và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong công cuộc đổi mới, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại đã được nhân lên nhiều lần nhờ một chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng, đồng thời không ngừng đổi mới, tạo ra thế và lực mới. Chúng ta đã tranh thủ tiếp cận sự phát triển của khoa học - công nghệ thế giới, tranh thủ điều kiện hòa bình, sự hợp tác quốc tế và các xu thế tích cực trên thế giới để tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.

Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phối hợp hoạt động quốc phòng và an ninh với hoạt động đối ngoại.

Thứ ba,xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ thường xuyên trọng yếu của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt.

Đảng xây dựng quân đội về mọi mặt mà hàng đầu là bồi dưỡng ý thức chính trị và xây dựng bản chất cách mạng với tinh thần “người trước, súng sau”, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân. Giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ cũng là nhiệm vụ của Nhà nước. Nhà nước là công cụ quản lý, điều hành hoạt động đất nước, triển khai đường lối của Đảng. Đặc biệt hệ thống pháp luật và bộ máy Tư pháp là những công cụ sắc bén để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Theo: Tạp chí xây dựng Đảng

Tin cùng chuyên mục