Cơ hội nào cho Idlib sau cuộc gặp Nga – Thổ?

Chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được cho là có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tình hình leo thang căng thẳng tại Idlib.

Mục tiêu lớn nhất của ông Erdogan?

Chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh có thể nói hai bên đang có nhiều căng thẳng, bất đồng trong một số vấn đề ở khu vực Trung Đông như mặt trận Idlib, Tripoli của Lybia, cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ mở biên giới cho người tị nạn vào EU.

co hoi nao cho idlib sau cuoc gap nga – tho? hinh 1
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: France 24

Trong tuyên bố trước chuyến thăm, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng mục đích chính của chuyến thăm là để thảo luận về tình hình tại tỉnh Idlib ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ muốn giảm đối đầu với quân đội Syria mà cụ thể là chấm dứt vi phạm trong khu vực Idlib càng sớm càng tốt, trong khuôn khổ thỏa thuận (Sochi) đã ký năm 2018.

Trong nhiều tuần qua, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có nhiều cuộc đàm phán, điện đàm cấp cao nhưng đều thất bại và cuộc gặp trực tiếp này với hy vọng sẽ đạt được một sự thống nhất hoặc thỏa thuận chung về Idlib. Sau nhiều tuyên bố đe dọa, tăng cường quân sự tới Idlib và cả tấn công, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải xuống thang khi muốn giải pháp chính trị thay vì quân sự bởi thực tế nước này đã bị tổn thất nặng nề khi 55 binh sĩ thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với quân đội Syria trong tháng 2 vừa qua và nếu tiến hành quân sự thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là cuộc đối đầu đơn phương với Nga, Syria và Iran ở Idlib trong khi Mỹ tạm thời không can thiệp, EU và các nước Arab phản đối. Đó là chưa kể nếu xung đột xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục là nơi lánh nạn của người Syria.

Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng cả tới “quân bài” người tị nạn khi mở cửa biên giới cho họ tràn vào EU để gây sức ép với EU về kinh tế và quân sự. Đây là một quyết định nguy hiểm và có thể tạo thành một thảm hỏa cho EU nếu hàng triệu người tị nạn Syria và các nước trong khu vực tràn vào và nguy hiểm hơn khi mà đại dịch covid-19 đang bùng phát. Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang thất bại với quyết định này vì EU phản đối nước này tấn công quân sự ở Idlib, chưa thể thống nhất nguồn tài chính cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như việc nước Anh rời khỏi EU cũng khiến quỹ tài chính ngăn chặn người nhập cử giảm.

Thứ ba, cuộc chiến ở Idlib được dư luận cho là liên quan tới việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chính quyền Tripoli, gửi quân tiếp viện trong khi Nga từ lâu đã có ảnh hưởng lớn ở đây và đang hậu thuẫn mạnh mẽ cho lực lượng miền Đông kiểm soát đất nước. Đây có thể là một cuộc đối đầu khác của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga ở Lybia.

Cuộc gặp tại Nga lần này được hy vọng sẽ “tháo ngòi nổ” ở Idlib và quyết định số phận của Idlib. Điều này cũng phù hợp yêu cầu của Liên Hợp Quốc, tình hình khu vực và lợi ích, ảnh hưởng của cả Nga, Thổ Nhĩ Kỳ.

Kết quả cuộc gặp Putin-Erdogan

Trước khi diễn ra cuộc hội đàm với rất nhiều kỳ vọng không chỉ của hai bên Nga - Thổ Nhĩ kỳ, mà từ cả cộng đồng quốc tế, thì thư ký báo chí của Tổng thống Nga Peskov nói rằng, đây là cuộc hội đàm không dễ dàng. Và quả thật, nó đã kéo dài gần 6 tiếng. Những kết quả đạt được khá toàn diện về tất cả các mặt cần thiết để giải quyết cuộc xung đột ở Syria.

Theo kết quả hội đàm, văn kiện thống nhất chung giữa Nga và Thổ Nhĩ kỳ do các Bộ trưởng Ngoại giao hai nước công bố, gồm 3 điểm:

Một là ngừng tất cả các hành động chiến đấu theo đường dây liên lạc hiện có từ nửa đêm ngày 6 tháng 3; Hai là, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra một hành lang an toàn rộng sáu km đến phía bắc và phía nam của đường cao tốc M-4 ở Syria; Ba là, từ ngày 15 tháng 3, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tuần tra chung dọc theo đường cao tốc M-4.

 

Trong tuyên bố chung về kết quả hội đàm, cả Nga và Thổ Nhĩ kỳ đều cam kết về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho Syria, nhấn mạnh quyết tâm chiến đấu với tất cả các biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố và tiêu diệt tất cả các nhóm khủng bố được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công nhận. Tuyên bố chung cũng nêu rõ, cuộc xung đột Syria không có giải pháp quân sự và cần được giải quyết bằng tiến trình chính trị, do chính người dân Syria thực hiện phù hợp với nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc ngăn chặn tình trạng nhân đạo ngày càng xấu đi, bảo vệ thường dân và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho tất cả người Syria cần. Hai bên ủng hộ tạo điều kiện an toàn cho những người tỵ nạn tự nguyện trở về nơi ở của mình ở Syria.

Sự nhượng bộ của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Nga Putin khi tuyên bố về kết quả hội đàm rằng, “Nga không phải lúc nào cũng đồng ý với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ trong các đánh giá về những gì đang xảy ra ở Syria, nhưng mỗi lần vào những thời điểm quan trọng, dựa trên mức độ cao đạt được về quan hệ song phương, phía Nga đã có thể tìm thấy những điểm chung về các vấn đề gây tranh cãi đã nảy sinh và đưa ra các giải pháp chấp nhận được. Và lần này cũng đã xảy ra như vậy.”

Vậy giải pháp chấp nhận được ở đây là gì? Tỉnh Idlib là khu vực giảm leo thang cuối ở Syria vẫn chịu sự kiểm soát của các nhóm vũ trang đối lập do Thổ Nhĩ kỳ hậu thuẫn và các nhóm khủng bố ẩn náu. Những ngày qua, quân đội của Chính phủ Syria, với sự hỗ trợ của Nga đang trên đà giành lại quyền kiểm soát nốt khu vực này. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn quyết liệt.

Có ý kiến chuyên gia đã cho rằng, hành động của Thổ Nhĩ kỳ là để tăng sức nặng trên bàn đàm phán với Nga. Và với những kết quả được nêu trong tuyên bố chung, đặc biệt là về việc tạo hành lang an toàn 6 km đến phía Bắc và phía Nam của tuyến đường M4 và Nga - Thổ sẽ tiến hành tuần tra chung, thì có thể thấy, Thổ Nhĩ kỳ đã đạt được mục tiêu của mình.

Nga ở đây đã có sự nhượng bộ.  Việc này, như Tổng thống Nga V.Putin đã tuyên bố, “những thỏa thuận này sẽ là cơ sở tốt để chấm dứt các hành động chiến đấu ở khu vực giảm leo thang Idlib, chấm dứt sự đau khổ của dân chúng và cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng, và tạo điều kiện cho việc tiếp tục tiến trình hòa bình ở Syria giữa tất cả các bên xung đột”.

Sự nhượng bộ của Nga là để tránh căng thẳng với Thổ Nhĩ kỳ, trong bối cảnh hai bên có các mối quan hệ về kinh tế - thương mại, quốc phòng, mà hai nhà lãnh đạo đều khẳng định là hết sức coi trọng và tiếp tục phát triển. Đồng thời, Nga cũng đã giữ được lập trường của mình, khi trong tuyên bố chung, cả hai bên đều nhất trí coi trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Cuộc xung đột ở Syria không có giải pháp quân sự, mà phải bằng tiến trình chính trị, do chính người dân Syria thực hiện, phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trong khi đó, với Tổng thống Erodgan, việc từ đối đầu trở lại bàn đàm phán là một bước lùi lớn bởi Thổ Nhĩ Kỳ và cá nhân ông Erodgan luôn là người cứng rắn và có thể gọi là “diều hâu”. Các hành động vừa qua của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, Tripoli hay cả việc mở biên giới gần như đều thất bại khi không tìm được đồng minh và sẽ là thất bại lớn nếu tiếp tục đương đầu với Nga ở các mặt trận này. Đó cũng là lý do Thổ Nhĩ Kỳ ngồi vào bàn đàm phán để đảm bảo các mục tiêu khác như vấn đề an ninh biên giới, kinh tế.

Giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều dự án hợp tác cả về quân sự và kinh tế, khí đốt trị gái hàng tỷ USD. Chính vì vậy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không muốn mất cả “chỉ lẫn chài” trong cuộc chơi này. Trước đối tác Thổ Nhĩ Kỳ, tôi cho rằng Nga cũng có những chính sách riêng để giữ thể diện, cũng như đảm bảo an ninh cho nước này ở Idlib và cả biên giới với Syria. So với các đối tác khác, Nga vẫn chứng tỏ được uy tín trong khi các đối tác khác khi “mặn nồng”, khi “nguội lạnh” với Thổ Nhĩ Kỳ.

Dư luận cũng đồn đoán rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm cách thuyết phục Tổng thống Nga về kế hoạch của thành lập một khu vực kiểm soát mới ở Idlib để tái định cư hàng triệu người tị nạn. Nga có thể đưa ra một số nhượng bộ đối với mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ để tạo ra một vùng đệm để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ. Nga sẽ thuyết phục chính quyền Syria nhượng bộ ngừng chiến ở Idlib./.

Theo: VOV.VN

Tin cùng chuyên mục