Học giả Thái Lan: Việt Nam và Thái Lan cần thúc đẩy hợp tác vì sự phục hồi trong khu vực

Trong bối cảnh tình hình trên thế giới và khu vực tương đối phức tạp như hiện nay, Việt Nam, Thái Lan và các quốc gia ASEAN cần tận dụng cơ hội để tăng cường hợp tác thương mại nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế của mỗi nước và trong cả khu vực.
Tiến sĩ Balazs Szanto, giảng viên Khoa Khoa học chính trị, Trường đại học Chulalongkorn.
Tiến sĩ Balazs Szanto, giảng viên Khoa Khoa học chính trị, Trường đại học Chulalongkorn.

Nhận định trên được Tiến sĩ Balazs Szanto, giảng viên khoa Khoa học chính trị, Trường đại học Chulalongkorn đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân trước thềm Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29, dự kiến sẽ diễn ra tại thủ đô Bangkok, Thái Lan trong hai ngày 18 và 19/11.

Tiến sĩ Balazs cho rằng, chủ đề chính sẽ được tất cả các nền kinh tế thành viên quan tâm ở Hội nghị cấp cao APEC lần này sẽ là vấn đề kinh tế và làm thế nào để làm thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại trong khối, đưa kinh tế khu vực và thế giới phát triển trở lại đúng hướng.

Ông giải thích: “Nếu xem xét tình hình thế giới ngày nay, kinh tế là vấn đề được tất cả mọi người quan tâm. Đại dịch Covid-19 đã có tác động nặng nề tới cả khu vực Đông Nam Á và các khu vực khác trên thế giới. Và ngay khi mọi người đã sẵn sàng cho sự hồi phục từ đại dịch, lại xuất hiện nhiều trở ngại khác, thí dụ như cuộc xung đột quân sự ở Ukraine và kéo theo đó là cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu”.

Ông cho biết, hiện có nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang lâm vào tình trạng suy thoái, gây tác động xấu cho các quốc gia Đông Nam Á, vốn có sự phụ thuộc rất lớn vào thương mại với các nền kinh tế đó. Thí dụ, dù không trực tiếp dính líu, nhưng việc châu Âu đang phải đối mặt với những khó khăn cũng gây ra những hậu quả tiêu cực đối với Thái Lan về thương mại và du lịch, những ngành đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế của đất nước “Chùa Vàng”.

Tiến sĩ Balazs Szanto chia sẻ: “Bởi vậy, tôi hy vọng Hội nghị cấp cao APEC năm nay sẽ đặt trọng tâm vào việc thảo luận phương thức để vượt qua thời điểm khó khăn này, thúc đẩy hợp tác giữa APEC với khu vực Đông Nam Á và các đối tác ngoại khối có thể giúp các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương phục hồi phát triển kinh tế trở lại. Ngoài ra, tôi cũng kỳ vọng Hội nghị sẽ hình thành một khối thương mại kinh tế dưới hình thức Khu vực kinh tế Indo Pacific”.

Ông khẳng định, các quốc gia Đông Nam Á đang có cơ hội rất tốt khi có nhiều quốc gia sẵn lòng và mong muốn thúc đẩy kinh tế trong khu vực. Ông cho rằng, các thỏa thuận đạt được tại hội nghị, dù trong các phiên họp chính thức hay bên lề sẽ mang giúp lại cho các nền kinh tế thành viên APEC phương thức hướng tới sự phục hồi từ các xu thế kinh tế tiêu cực khác nhau mà khu vực đang phải đối mặt hiện nay, thí dụ như lạm phát gia tăng và nguy cơ suy thoái tại các đối tác thương mại lớn.

Học giả Thái Lan: Việt Nam và Thái Lan cần thúc đẩy hợp tác vì sự phục hồi trong khu vực ảnh 1

Tiến sĩ Balazs trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân.

Đánh giá về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan cũng như giữa các quốc gia Đông Nam Á, Tiến sĩ Balazs nhấn mạnh, hợp tác nội khối là điều vô cùng quan trọng đối với khu vực. Ông cho rằng, do phụ thuộc nhiều vào thương mại ngoại khối và có nền kinh tế hướng xuất khẩu, các nước ASEAN rất dễ bị tổn thương hoặc bị tác động bởi các yếu tố địa chính trị bên ngoài, mặc dù không liên quan trực tiếp. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ tạo ra cơ hội mới cho Việt Nam, Thái Lan nói riêng và các quốc gia ASEAN nói chung, khi họ phải tìm kiếm phương thức để làm sâu sắc thêm sự hợp tác kinh tế bởi suy cho cùng, tất cả các nước đều đang ở trên cùng “con thuyền” phục hồi kinh tế.

Ông nói: “Theo tôi, phương thức phục hồi đáng tin cậy nhất cho khu vực là thúc đẩy hơn nữa hợp tác và thương mại giữa các quốc gia Đông Nam Á. ASEAN có một thị trường nội khối mạnh mẽ, cho phép các quốc gia trong khối tự bảo vệ mình ở một mức độ nhất định trước các xu thế địa chính trị. Và về cơ bản, nếu chúng ta nhìn vào khu vực Đông Nam Á, vận mệnh của tất cả các quốc gia đều gắn kết với nhau”.

Ông Balazs khẳng định, dù là Việt Nam, Thái Lan hay bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác, cũng sẽ không thể đạt được sự thịnh vượng nếu các nước láng giềng của họ nghèo đói. Bởi các nước đều là các đối tác thương mại quan trọng của nhau và điều đó sẽ ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế của họ. Việc các quốc gia cố gắng tự phục hồi riêng rẽ sẽ gây bất lợi cho các nước khác bởi sự phụ thuộc lẫn nhau. Và điều đó có nghĩa là các nước cần phục hồi cùng nhau và như vậy các quốc gia phải cùng hợp tác với nhau.

Các quốc gia ASEAN có quy mô lớn về dân số hoặc kinh tế như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Singapore... sẽ phải giữ vai trò dẫn dắt trong việc tạo ra các thỏa thuận cần thiết để làm sâu sắc hơn sự hợp tác và thương mại trong ASEAN và cho phép tất cả mọi người cùng chia sẻ lợi ích từ việc phục hồi kinh tế và không chỉ tập trung vào một quốc gia hay các lợi ích cụ thể của mỗi quốc gia. Nếu trong quá trình phục hồi, họ từ bỏ láng giếng của mình thì có nghĩa là họ đang tự cắt bỏ thị trường của mình. Và ông Balazs cũng khẳng định rằng, chỉ có hợp tác mới có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho mỗi nước.

Cũng theo ông Balazs, việc Thái Lan trở thành chủ nhà Hội nghị cấp cao APEC năm nay sẽ giúp nước này có cơ hội rất tốt để đưa ra thảo luận những vấn đề không chỉ có liên quan tới Thái Lan mà còn tới cả khu vực Đông Nam Á và APEC. Đồng thời, vai trò là nước chủ nhà cũng sẽ giúp Thái Lan đặt dấu ấn trong quá trình hội nghị diễn ra.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục