Mỹ sẽ rút bớt tàu sân bay gần Israel

Tàu sân bay Gerald Ford sẽ được rút khỏi đông Địa Trung Hải, sau khi được điều tới đây để răn đe lực lượng thân Hamas liên quan chiến sự Gaza.

 

Nhóm tác chiến tàu sân bay Gerald Ford sẽ quay về cảng Norfork, bang Virgina, "trong vài ngày tới" như lịch trình ban đầu để chuẩn bị tiến hành các đợt triển khai tiếp theo, ABC News ngày 1/1 dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết.

Gerald Ford, mẫu tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ, được chuyển hướng tới đông Địa Trung Hải sau khi lực lượng Hamas mở cuộc tấn công hiệp đồng vào lãnh thổ Israel hôm 7/10. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khi đó cho biết đây là động thái nhằm răn đe lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Iran, ngăn không cho các đồng minh này của Hamas có động thái leo thang xung đột.

Bộ trưởng Austin tháng trước tiếp tục gia hạn việc triển khai tàu Gerald Ford tại Địa Trung Hải, trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực này vẫn chưa hạ nhiệt.

Quan chức Mỹ giấu tên nhấn mạnh việc rút tàu Gerald Ford đã được lên kế hoạch từ trước, thêm rằng Mỹ còn rất nhiều lực lượng trong khu vực và có thể thể triển khai thêm khu trục hạm, tuần dương hạm tới Địa Trung Hải và khu vực Trung Đông trong trường hợp cần thiết.

USS Gerald R. Ford đi qua eo biển Gibraltar để vào Địa Trung Hải hôm 15/6. Ảnh: X/Maritimegraphy

USS Gerald Ford đi qua eo biển Gibraltar để vào Địa Trung Hải hôm 15/6. Ảnh: X/Maritimegraphy

Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận về thông tin. "Chúng tôi chưa có gì để thông báo", cơ quan này nói.

Ngoài USS Gerald Ford, Mỹ còn một nhóm tác chiến tàu sân bay nữa ở khu vực Trung Đông là USS Dwight D. Eisenhower. Nhóm tàu này ban đầu được lệnh triển khai tới Địa Trung Hải, song đã được chuyển hướng tới vịnh Ba Tư để răn đe Iran sau khi xung đột Israel - Hamas bùng phát.

Con tàu hiện hoạt động ở Vịnh Aden ở phía nam Yemen, khu vực gần đây đang căng thẳng khi lực lượng Houthi, đồng minh khác của Hamas, liên tục tập kích tàu hàng ở Biển Đỏ bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV). Nhóm Houthi tuyên bố đây là động thái gây sức ép với Israel, nhằm buộc nước này phải chấm dứt chiến dịch chống Hamas ở Dải Gaza.

Nhiều tàu khu trục trong nhóm tác chiến tàu sân bay Gerald Ford và Dwight D. Eisenhower đang được triển khai để ngăn chặn các đòn tập kích của Houthi, bảo vệ hoạt động hàng hải ở Biển Đỏ. Hôm 31/12, trực thăng từ tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower và tàu USS Gravely đã bắn chìm ba xuồng của lực lượng Houthi, khi nhóm này đang tìm cách đổ bộ lên tàu container Maersk Hangzhou ở Biển Đỏ.

Trực thăng MH-60R cất cảnh từ tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower trên Đại Tây Dương tháng 9/2019. Ảnh: US Navy

Trực thăng MH-60R cất cánh từ tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower trên Đại Tây Dương tháng 9/2019. Ảnh: US Navy

Toàn bộ các tay súng trên đã những xuồng này đã thiệt mạng, trong khi một xuồng khác đã kịp chạy thoát.

USS Gerald Ford là tàu sân bay lớn nhất thế giới với chiều dài 337 mét, có thể chở 75 máy bay, trong khi USS Dwight D. Eisenhower dài 332 mét và có khả năng mang theo 60 phi cơ. Mỹ thường xuyên triển khai tàu sân bay tới những khu vực có tầm quan trọng chiến lược nhằm biểu dương sức mạnh trên biển và bảo vệ lợi ích của nước này hoặc đồng minh.

Vị trí Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Đồ họa: AFP

Vị trí Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Đồ họa: AFP

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục