Tặng sữa mẹ thời Covid-19

Lúc bị nhân viên y tế đưa đi cách ly, Catherine Kosasih không rõ bao giờ được gặp lại hai con, trong đó một bé mới 4 tháng.

 

Sau khi nhập viện, Kosasih được đưa vào khu điều trị cách ly vì có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV, trong khi chồng và hai con bị cách ly ở nhà. Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất, bởi họ nhận ra rằng cô con gái út 4 tháng tuổi bị dị ứng sữa công thức và họ không có cách nào để cho con ăn.

"Tôi đột ngột phải rời khỏi nhà mà không biết sẽ ở trong viện bao lâu. Tôi cực kỳ lo lắng, đặc biệt lo cho con út vì bé từng dị ứng sữa công thức tới nỗi suýt phải đi cấp cứu", người mẹ 33 tuổi nói.

 Catherine Kosasih (phải), đoàn tụ cùng chồng con sau hai tuần điều trị trong bệnh viện. Ảnh: AFP.

 Catherine Kosasih (phải), đoàn tụ cùng chồng con sau hai tuần điều trị trong bệnh viện. Ảnh: AFP.

Sau khi bác sĩ khuyên đổ bỏ sữa mẹ đã hút vì loại thuốc kháng virus cô đang dùng có thể nhiễm vào sữa, Kosasih đã liên hệ với Gemma MacFarlane, người sáng lập nhóm Nuôi con bằng Sữa mẹ Hong Kong hồi đầu tháng 4.

MacFarlane đăng bài kêu gọi quyên góp sữa mẹ trên mạng trực tuyến. Trong vài giờ, nhiều bà mẹ đã cam kết ủng hộ 15 lít sữa, đủ cho em bé dùng trong hai tuần. 

"Khi biết tin tôi đã òa khóc, không thể tin được có nhiều người mẹ sẵn sàng hút sữa tặng con mình đến thế", Kosasih nói.

Cô bị sốt, mệt mỏi, đau cơ, phổi có đốm trắng sau khi nhập viện và đã trải qua hai tuần điều trị chống lại Covid-19, đại dịch khiến hơn 200.000 người trên thế giới tử vong từ khi bùng phát tại Trung Quốc cuối năm ngoái. 

Các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện nCoV trong sữa mẹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khuyên các bà mẹ nhiễm nCoV muốn cho con bú nên được hỗ trợ để thực hiện việc này một cách an toàn.  

Tuy nhiên, Hong Kong là một trong những nơi áp dụng quy định cách ly ngặt nghèo nhất với bệnh nhân Covid-19.   

"Phải xa con đã đủ đau khổ rồi, vậy mà cô ấy lại phải đổ sữa mẹ, thứ quý như vàng ấy đi còn kinh khủng hơn. Điều tồi tệ nhất là con của cô ấy dị ứng với sữa công thức. Thật vô cảm nếu bạn không quan tâm", MacFarlane viết.

Với nhiều bậc cha mẹ, nỗi sợ con bị xét nghiệm hoặc cách ly trong viện một mình, hay buộc phải tách khỏi con, đáng sợ hơn so với việc bản thân nhiễm nCoV.  

Hoàn cảnh của Kosasih, người phải nhập viện và chồng, Juergen Ditz, người phải cách ly và chăm sóc hai con nhỏ, được nhiều người thông cảm.

"Trong những lúc đen tối thế này, chúng ta cần thể hiện lòng trắc ẩn và sự đồng cảm", Nicole Bautista, mẹ một con, người đã tham gia hiến sữa, nói. "Nếu ở trong hoàn cảnh tương tự, tôi sẽ vô cùng đau khổ".

Tuy nhiên, hai vợ chồng Kosasih vẫn còn thách thức phải vượt qua, đó là chạy đua với thời gian để lấy sữa cấp đông từ nhiều nơi trong thành phố về tới nhà trước khi chúng tan chảy.

Aude Senelar, một phụ nữ người Pháp ở Hong Kong, đổ sữa vừa hút vào túi quyên tặng Kosasih hôm 1/4. Ảnh: AFP. 

Aude Senelar, một phụ nữ người Pháp ở Hong Kong, đổ sữa vừa hút vào túi quyên tặng Kosasih hôm 1/4. Ảnh: AFP. 

Các tính nguyện viên điều hành nhóm Nuôi con bằng Sữa mẹ Hong Kong đã mở cuộc chạy đua tiếp sức giao sữa mẹ. Sau lời kêu gọi của MacFarlane, Gillian Coull nhận nhiệm vụ thu gom, nhờ bạn đời David Barnaby lái xe máy quanh thành phố lấy sữa.

Anh đưa các hộp đựng sữa cho Nisa Cornish và những người khác để họ chuyển tới nhà cho Ditz và hai con ở một khu vực xa trung tâm tại Hong Kong.

"Thật đáng quý khi nhiều người sẵn sàng chia sẻ nguồn sữa mẹ quý giá với một người hoàn toàn xa lạ. Một số mẹ đã tặng tới hai lít", Coull nói. 

Về phần Ditz, anh cố gắng giữ nhịp sống bình thường cho các con bằng cách kết nối với vợ qua cuộc gọi video để đánh thức các con dậy và cho ăn. 

"Tôi đã khóc, không thể tin được khi nhìn thấy số sữa trước cửa nhà. Tôi đã không nhận ra tinh thần cộng đồng vẫn tồn tại ở Hong Kong, nơi nổi tiếng chỉ biết đến tiền", Ditz nói. 

Khắp thế giới, Covid-19 lây lan đã thúc đẩy phong trào tặng sữa mẹ. Tại Mỹ, nhà văn Jenny Tamas, người có hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội, đã phát động phong trào tặng sữa khi hay tin nhiều người mẹ quẫn trí vì con không có sữa ăn, trong khi sữa công thức bị vét sạch ở siêu thị.  

Dự án của Tamas cho phép những người mẹ cần sữa ở mỗi bang liên hệ được với người quyên tặng phù hợp.

"Nó mang lại sức mạnh cho mỗi người mẹ đang có con khát sữa mà không có sữa. Nó cũng mang lại sức mạnh cho người có con đang đói mà không có lựa chọn nào khác, cũng không có thời gian để chờ đợi", Tamas nói.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục