Tháo gỡ khó khăn việc huy động trẻ đi nhà trẻ: Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Mầm non là cấp học đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hình thành nhân cách cho trẻ. Với sự quan tâm của chính quyền các cấp và sự nỗ lực của đội ngũ làm công tác giáo dục mầm non ở tỉnh ta, những năm gần đây, việc huy động trẻ đi nhà trẻ có sự khởi sắc nhưng vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Còn nhiều khó khăn

Toàn tỉnh hiện có 151 trường mẫu giáo, nhà trẻ, trong đó có 147 trường công lập, 4 trường ngoài công lập. Ngoài ra còn có 17 nhóm, lớp trẻ tư thục. Tuy quy mô trường lớp hàng năm đều tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ trong độ tuổi.


Lãnh đạo Tỉnh đoàn tham gia vận động đưa trẻ đi nhà trẻ tại xã Bình Xa (Hàm Yên).

Trường Mầm non Phù Lưu (Hàm Yên) hiện có trên 558 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, 48 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Năm học này, nhà trường có 2 lớp trẻ độ tuổi nhà trẻ với 45 trẻ. Cô giáo Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trẻ ở độ tuổi nhà trẻ còn bé, khả năng biểu đạt ngôn ngữ nhiều trẻ còn kém nên công tác chăm sóc trẻ rất khó khăn, vất vả. Với 8 điểm trường, nhà trường hiện phải mượn nhà văn hóa các thôn, nhà vệ sinh, bếp ăn còn nhiều khó khăn.

Theo chị Phùng Thị Hoa, chủ cơ sở mầm non Ban Mai Xanh (TP Tuyên Quang), sở dĩ số lượng trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ trên địa bàn thành phố còn thấp là do tâm lý phụ huynh còn e ngại việc con mình quá nhỏ, muốn gửi con em mình ở các cơ sở tư thục,  thuê người trông coi tại nhà hoặc người thân để có thể chăm nom chu đáo hơn.

Điều kiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cũng là khó khăn lớn đối việc huy động trẻ ra lớp. Với 386 phòng học hiện có, tuy nhiên, điều đáng nói là số phòng học tạm, học nhờ vẫn chiếm đến 25,6%, số lớp ghép nhà trẻ với mẫu giáo tương đối lớn là 291 lớp; tỷ lệ giáo viên/nhóm trẻ mới chỉ đạt 1,81. Trong đó, các huyện Na Hang chỉ đạt 1,5; Lâm Bình, Yên Sơn, Sơn Dương đạt 1,7. Tất cả những khó khăn trên phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ.

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ toàn tỉnh đạt 23,1%, chưa đạt so với kế hoạch năm đề ra là 25,1%. Trong đó, có 3/7 huyện, thành phố có tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ chưa đạt kế hoạch gồm: Hàm Yên 13%/13,3%; Sơn Dương 14,1%/22,5%; thành phố Tuyên Quang 47,8%/52%.

Nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ

Để hoàn thành mục tiêu 25,1% trẻ từ 3 đến 36 tháng tuổi đi nhà trẻ vào cuối năm 2019, hướng tới mục tiêu đạt 30% vào năm 2020, chính quyền các cấp, ngành chức năng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực.

Cô giáo Trần Thị Nhân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Phú (Na Hang) cho biết, để đảm bảo tỷ lệ trẻ đến trường, các cô giáo của trường luôn bám sát và thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập, chăm sóc trẻ qua đó nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh. Chính vì vậy, người dân ở đây luôn xác định được việc cho con đi học là chính đáng và rất cần thiết.

Ông Vũ Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu (Hàm Yên) cho rằng, xác định việc huy động trẻ ra lớp ở vùng cao là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền địa phương, chính vì vậy, xã luôn bám sát thông tin từ nhà trường để kịp thời cử cán bộ đến tận nhà động viên, chia sẻ khó khăn với gia đình nhằm tạo mọi điều kiện cho các em được đến trường.

Theo ông Vũ Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở đã tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn, kiến nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, vận động cha mẹ đưa trẻ ra nhóm, lớp; đầu tư kinh phí để tu sửa hoặc xây mới phòng lớp học, nhà vệ sinh, bếp, công trình nước sạch, mua sắm các trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Hiện đã có 36/90 phòng học thuộc kế hoạch năm 2019 được khởi công xây dựng, trong đó nhiều phòng đã hoàn thành, đưa vào sử trong năm học mới nay.


Khu vui chơi của trẻ tại Trường Mầm non Linh Phú (Chiêm Hóa).

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, Sở Giáo dục và Đào tạo, các ngành liên quan đang khẩn trương hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được hưởng cơ chế, chính sách của tỉnh tại Nghị quyết số 05 ngày 1/8/2019 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; đề xuất ban hành chính sách miễn học phí và hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ nhà trẻ ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; tập trung phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ tốt công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ các nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất tại các trường, điểm trường đặc biệt là tại các trường thuộc vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Năm học 2019 - 2020, cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành, việc thực hiện các giải pháp đồng bộ sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 73 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục