Bảo vệ đất hiệu quả nhờ cây Lạc dại

Mô hình trồng cây lạc dại trong vườn cam đang là một trong những hướng mới đi trong sản xuất nông nghiệp, được nhiều hộ nông dân trồng cam trên địa bàn xã Phù lưu, huyện Hàm Yên nhận rộng. Đây là một trong những phương pháp bảo vệ đất rất hiệu quả, giúp hạn chế cỏ dại, giữ ẩm tốt cho đất, tiết kiệm công và nước tưới, phát triển đa dạng sinh học trong hệ sinh thái.

Anh Anh Thành Yên, thôn Quang, xã Phù Lưu và bà Nguyễn Thị Hợi, Chủ nhiệm dự án trồng cây Lạc dại trên vườn cam tại xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên.

Năm 2016, gia đình anh Anh Thành Yên ở thôn Quang, xã Phù Lưu là một trong những hộ dân mạnh dạn đăng ký tham gia dự án trồng cây lạc dại trên chính vườn cam của gia đình mình. Sau gần 2 năm thực hiện, anh Yên nhận thấy diện tích trồng cây lạc dại với diện tích đất sạch cỏ trên vườn cam có sự khác biệt rất rõ về chất đất và sức sinh trưởng của cây cam.

Anh Yên chia sẻ: “Sau quá trình tìm hiểu và được cán bộ khuyến nông tư vấn về mô hình khoa học trồng cây lạc dại, gia đình tôi đã triển khai trồng loại cây này. Nhờ có cây lạc dại trong vườn cam, tôi đã tiết kiệm được 80% chi phí vào việc thuê nhân công phát cỏ so với trước đây. Đặc biệt là đất rất ẩm, tơi xốp, không bi khô cằn nhất là những tháng khô hạn. Trong thời gian tới, tôi sẽ triển khai trồng cây lạc dại trên tất cả diện tích cây trồng của gia đình mình .”

Tháng 5/2016, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có Quyết định phê duyệt Dự án: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng cây lạc dại LD 99 nhằm bảo vệ đất trồng cam tại xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên”. Khi mới thực hiện dự án đã gặp nhiều khó khăn, hầu hết các hộ đều từ chối tham gia với nhiều lý do như: giá thuê lao động cao, thiếu lao động chăm sóc cây lạc dại giai đoạn mới trồng; nhưng lý do chính là các hộ đã quen với việc sử dụng hóa chất trừ cỏ, chưa thấy lợi ích của việc trồng cây lạc dại che phủ đất.

Tuy nhiên, qua hơn 2 năm các hộ tham gia dự án đã nhận thấy cây lạc dại phát triển khá nhanh, giữ ẩm và làm giàu chất mùn cho đất; giảm 70 – 80% lượng đất bị xói mòn so với vườn không trồng cây lạc dại; có độ ẩm của đất luôn cao hơn từ 10 – 50%, tiết kiệm được nước tưới vào mùa khô; các hệ vi sinh vật có lợi trong đất dưới thảm lạc dại tăng cao.

Bên cạnh đó, trồng lạc dại còn giúp các loại côn trùng có lợi trong đất hoạt động hiệu quả, như: giun, dế… phát triển, phân hủy lá mục làm cho đất thêm tơi xốp và màu mỡ.

Cây Lạc dại giúp chống sói mòn và tăng độ phì nhiêu cho đất.

Theo bà Nguyễn Thị Hợi, Chủ nhiệm Dự án trồng cây lạc dại trên địa bàn xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang: Trước khi triển khai dự án, chúng tôi đã khảo sát tại một số hộ trồng cam trên địa bàn xã Phù Lưu cho thấy, hàng năm các hộ sử dụng phun thuốc trừ cỏ để trừ cỏ trắng toàn bộ diện tích vườn cam; việc phòng trừ sâu, bệnh hại nhiều đợt trong năm tùy theo tình hình phát sinh và mức độ gây hại.

Phần lớn diện tích đất trồng cam là đất dốc. Việc phải canh tác trên đất dốc, dẫn đến đất bị xói mòn rất mạnh là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm nghèo kiệt dinh dưỡng, đất bị thoái hóa gây tác hại nghiêm trọng cho sản xuất cam và môi trường sinh thái. Việc trồng lạc dại che phủ cho đất bằng thảm thực vật tươi hoặc các phụ phẩm cây trồng đóng vai trò hết sức quan trọng, như một công cụ hữu hiệu để kiểm soát xói mòn, tăng cường độ xốp, sức chứa ẩm tối đa trên đất dốc. Đồng thời, bổ sung các nguyên tố dinh dưỡng, tạo ra môi trường thích hợp cho hoạt động của bộ rễ cây trồng.

Vì thế, việc tìm ra những giải pháp canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất dốc, trồng cây che phủ đất, hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ nhằm bảo vệ đất, ngăn ngừa thoái hóa đất, tạo ra sản phẩm cam an toàn để vùng cam phát triển bền vững cần được quan tâm, đầu tư để góp phần gìn giữ và phát triển thương hiệu “Cam sành Hàm Yên.

Trồng xen cây lạc dại che phủ đất trong vườn cam không những đem lại hiệu quả về nhiều mặt mà đem lại hiệu quả về kinh tế. Tiến hành trồng cây lạc dại 1 lần, sau đó từ năm thứ 2 trở đi sẽ giảm công trừ cỏ, giảm chi phí thuốc trừ cỏ; đất được che phủ giữ ẩm giúp tăng năng suất, chất lượng cam nên sẽ tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cam hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người trồng cam.

Từ thực tế của dự án đã khẳng định cây lạc dại có khả năng giữ ẩm cho đất và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Việc trồng cây lạc dại là giải pháp canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất dốc, do đó cần nhân rộng mô hình này nhằm tạo ra sản phẩm cam an toàn theo hướng VietGAP, góp phần gìn giữ và phát triển thương hiệu “Cam sành Hàm Yên”./.

Minh Lý

Tin cùng chuyên mục