“Triệu phú cam sành”

Đã từ lâu huyện Hàm Yên nổi tiếng nhờ có vùng cam rộng lớn. Toàn huyện hiện có trên 2.000 ha cam sành, chủ yếu tập trung ở các xã Tân Thành, Phù Lưu, Minh Dân, Minh Hương, Bạch Sa, Yên Phú và Yên Thuận. Sản lượng cam ở vùng này đạt năng suất bình quân 60 - 90 tạ/ha. Chính từ loại cây này, Hàm Yên đã có những “triệu phú cam sành” với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm...

 
Thương hiệu "Cam sành Hàm Yên"

Những “triệu phú cam”

Ngược lên vùng cam sành thuộc tả ngạn sông Lô, qua cầu Tân Thành, có thể cảm nhận được mùa xuân đang tràn về vùng sơn cước tươi mát đầy sức sống. Con đường rải đá cấp phối bằng phẳng, hai bên đường san sát những ngôi nhà ngói, nhà xây 1 tầng, 2 tầng, thậm chí 3 tầng với nhiều kiểu dáng hiện đại. Nhà nào cũng thấy bóng dáng của cây cam sai trĩu quả, khiến mọi người không khỏi ngỡ ngàng bởi sự thay da đổi thịt của vùng đất này. Không khí thu hoạch cam đang tấp nập khắp nơi. Vừa dẫn chúng tôi đi, chị Nông Thị Hương, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện vừa bảo: “Nguồn thu từ cam giúp các xã tả ngạn sông Lô này giàu lên nhiều lắm, chỉ tính riêng vụ cam năm 2008, toàn huyện thu trên 15 nghìn tấn”.

Xã Phù Lưu thật ấn tượng bởi những vạt cam vàng ruộm trên dãy núi Pá Phúng trải dài trong nắng xuân. Đến trung tâm xã, anh Nguyễn Xuân Hùng, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã niềm nở cho biết: “Hôm nay cán bộ xã đi học bổ túc cả rồi, chỉ còn mình đến phiên trực”. Tôi hỏi anh Hùng: “Nghe nói xã Phù Lưu có nhiều triệu phú cam sành lắm”? “Chẳng giấu gì các đồng chí, bà con thức thời lắm, ở xã Phù Lưu này nổi lên những triệu phú cam như gia đình anh Chúng A Sính thôn Thọ, gia đình bà Phạm Thị Giang thôn Phù Yên, gia đình ông Lê Văn Sáu, Vũ Văn Thập... có quy mô trang trại từ 2 đến 7 ha cam”.

Anh Hùng dẫn đoàn tới gia đình anh Chúng A Sính ở thôn Thọ, chủ của bốn vườn cam rộng trên 7 ha với gần 3.000 gốc cam sành. Gặp Sính trên đồi cam vàng trĩu quả, Sính bảo, đến 25 tết này là thu hoạch, ước đạt trên 80 tấn bán với giá rẻ 5.000 đ/ kg cũng thu được trên 400 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 300 triệu. Sính khoe: “Những tết gần đây nhà mình “xôm” nhờ có cây cam đấy!”.

“Thu nhập như thế, ông đã là triệu phú rồi còn gì”? Tôi hỏi.

Sính cười, “ở dưới xuôi hay lên Yên Bái có người làm trang trại thu tiền tỷ ấy chứ, mình còn chưa thấm tháp gì.

Hỏi về kinh nghiệm đi lên từ cây cam, Sính bảo: “Tất cả đều nẩy mầm từ cái nghèo mà vươn lên, làm anh nông dân thì phải tính chắc, dùng bền”. Vừa dứt lời thì chuông điện thoại di động của Sính reo...

Chia tay với ông chủ trẻ, chúng tôi xuống núi, về trung tâm xã. Thế đấy, có lẽ không có vùng đất nào khốn khó đời đời, chỉ sợ chưa biết phát huy hết tiềm năng của đất mà thôi!

Tìm đến gia đình bà Phạm Thị Giang, thôn Phù Lưu thì cả nhà đang quây quần bên mâm cơm. Mẹ con bà đang tíu tít bàn luận chuyện gói bánh chưng vào 26 tết để cho cậu con cả tết này còn lên trang trại cam ở thôn Khuôn Bồng, xã Trung Hà. Vườn cam bên ấy sang tháng Giêng mới cho thu hoạch. Vụ cam Tết, gia đình bà có 1.250 gốc cam, cho thu hoạch khoảng 40 tấn, ước thu được 200 triệu đồng. Từ một gia đình nghèo đói, nhờ cây cam gia đình bà đã có cuộc sống khá giả.

- Trồng cam có vất lắm không hở bác? Tôi hỏi bà Giang.

- Vất thì có vất, đầu tư cũng lớn, nhưng giá trị của cây cam rất cao, cho thu hoạch lâu dài. Ở vùng đất này, tôi thấy cây cam là phù hợp nhất, cây cam xóa nghèo nhanh lắm. Bà Giang cười rất tự tin khẳng định với tôi như vậy.

Ấn tượng Minh Dân

Đến thôn Ngòi Mù, xã Minh Dân tìm gặp ông Từ Quang Song không khó, bởi ai cũng biết ông như một điển hình làm kinh tế giỏi của xã Minh Dân. Với 12 ha cam mỗi năm, người thương binh với ý chí của người lính “tàn nhưng không phế” đã chiến thắng bệnh tật, vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Thu nhập của ông từ cây cam mỗi vụ không dưới 300 triệu đồng. Không những làm kinh tế giỏi, ông còn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội của thôn, được bà con tin yêu nể trọng.

Nhưng không chỉ có ông Song, xã Minh Dân còn có nhiều người trồng cam giỏi. Xã nổi lên như một điển hình về phát triển kinh tế trang trại, chủ yếu là cây cam. Đồng chí Nguyễn Đức Lập, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, hiện Minh Dân có 375 ha cam, sản lượng năm 2002 đạt 1.200 tấn, bán với giá bình quân 4.000 đ/ kg, các hộ dân trong toàn xã đã thu về trên 4 tỷ đồng. Năm nay tuy một số nơi bị sâu gây hại, cam có giảm đôi chút về sản lượng, nhưng diện tích cho thu hoạch lại tăng. Theo tính toán sơ bộ, đến thời điểm này nhân dân trong xã cũng đã thu hoạch được 1.250 tấn cam.

Thực tế ở Minh Dân diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn ít, chỉ có 142,36 ha đất trồng lúa, mà có đến 3.975 nhân khẩu sinh sống ở 12 thôn, bản. Nếu thuần trồng lúa, bình quân lương thực của xã chỉ đạt 372 kg/ người/ năm mà thôi. Vì vậy, xã xác định cam là cây chủ lực có giá trị kinh tế cao, chú trọng phát triển các trang trại cam mang tính chuyên canh, hướng tới nhân giống cam sạch bệnh, tạo vùng cam chất lượng cao.
Hai thôn Ngòi Mù và Làng Vai có đến 100% số hộ trồng cam, mỗi hộ trồng 500 - 2.500 cây.

Chúng tôi được đồng chí Lập dẫn đến thôn Làng Vai, thôn có diện tích cam nhiều nhất trong xã. Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đặng Văn Sáng cho biết, thôn có 65 hộ, 309 nhân khẩu, 100% dân trong thôn trồng cam, sản lượng cam năm nay (với 15.000 gốc) đạt khoảng 300 tấn. Nhiều gia đình đã có mức sống khá giả từ nguồn thu cây cam như gia đình anh Đặng Văn Khảm trồng 800 cây, mỗi vụ thu 40 tấn, bán được 200 triệu; gia đình ông Trần Hữu Thương trồng 850 cây, mỗi vụ thu trên 40 tấn; gia đình anh Trần Văn Nhượng trồng 1.000 cây thu gần 50 tấn...

Cũng theo Trưởng thôn Sáng, những nhà trồng ít cam trong thôn cũng có từ 200 đến 300 cây, đã và đang cho thu hoạch vụ thứ 2. Được biết toàn thôn hiện có 7 hộ có mức thu nhập từ cam trên 100 triệu đồng/ năm, 18 hộ có mức thu từ 40 - 60 triệu đồng, 10 hộ có mức thu nhập 20 triệu đồng... Cả thôn đến nay chỉ còn 4 hộ nghèo, những hộ này đang được bà con trong thôn giúp đỡ trồng cam để thoát nghèo. Kinh tế khá giả lên nhờ cây cam, các hộ dân trong thôn cũng đã tích cực chăm lo cho giáo dục, xây dựng gia đình văn hóa, không có trường hợp nào vướng vào các tệ nạn xã hội. Chia tay Làng Vai, tôi nhớ mãi hình ảnh hai đứa con anh Khảm đang tíu tít lau chùi chiếc xe máy mới coong, mà bố chúng vừa đi về. Cháu nhỏ nhìn tôi cười nói: “Bố cháu bảo phải rửa xe thật sạch để nay mai có xe mới bố đèo ra phố huyện chơi xuân”.

Cần có cách làm ăn chuyên nghiệp hơn

Không nghi ngờ gì nữa, ở vùng quê sơn cước này, cây cam hợp thung thổ, có giá trị kinh tế cao, không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo, mà còn giúp họ làm giàu. Các xã vùng cam như Phù Lưu, Minh Dân, Yên Thuận, Yên Phú đã có nhiều “triệu phú cam” rất điển hình.

Tuy nhiên, xét về mặt quy hoạch thì quy mô các trang trại cam còn nhỏ, chưa có chiến lược phát triển rõ ràng. Quả cam vẫn chỉ dừng lại ở mức độ hàng hóa thông thường, người dân vẫn phải tự tìm đầu ra cho mình là chính. Các giống cam chất lượng cao chưa được trồng đại trà, ranh giới giữa rừng trồng và vùng trồng cam vẫn chưa rõ ràng... Sở dĩ các trang trại cam nhỏ, manh mún là vì chủ yếu là trồng dưới chân đồi, đan xen với những khu rừng tự nhiên, nên dễ làm nẩy sinh những vướng mắc giữa người trồng cam và rừng trồng của lâm trường.

Hội Nông dân huyện nhận xét rất đúng rằng, nếu quy hoạch và phát triển được vùng cam chuyên canh quy mô lớn thì có lẽ các xã trên không chỉ có hàng chục triệu phú. Nhưng để có được vùng chuyên canh như vậy chắc chắn các cơ quan chức năng phải vào cuộc cùng với người nông dân chứ không thể để vùng cam phát triển tự phát...

Bạn nhà nông.

Tin cùng chuyên mục