Chợ phiên Yên Thuận

Chợ phiên vùng cao Yên Thuận (Hàm Yên) họp vào sáng thứ hai hàng tuần. Chợ không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ giao lưu văn hóa của đồng bào trong khu vực.

Chợ không chỉ là nơi giao thương của đồng bào các dân tộc trong xã mà còn có bà con các xã bạn như: xã Bạch Xa, Phù Lưu, Minh Khương, Minh Dân (Hàm Yên), Hùng An (Bắc Quang, Hà Giang). Trước đây, chợ chỉ được các hộ buôn bán dựng các lán bằng tre, nứa, phủ bạt làm nơi trao đổi các mặt hàng nông sản của bà con trong xã. Dần dần đời sống của nhân dân được nâng lên, nhu cầu trao đổi hàng hóa của bà con ngày càng lớn, chợ ngày càng đông. Năm 2008, từ nguồn vốn của dự án RIDP trên 500 triệu đồng, chợ Yên Thuận được đầu tư xây dựng 6 dãy nhà xây gồm 60 gian, tổng diện tích 3.900 m2, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, còn có nhiều hộ kinh doanh tại gia đình quanh chợ, tạo nên không khí buôn bán nhộn nhịp mỗi khi đến phiên chợ. 
 


Hàng hóa bày bán tại chợ phiên Yên Thuận.

Chị Trương Thị Tiếng, dân tộc Tày ở xã Phù Lưu, người thường xuyên có mặt tại chợ phiên Yên Thuận chia sẻ: “Phiên chợ nào tôi cũng đến đây bán giày dép, nón... Mặc dù là xã vùng sâu, vùng xa vùng 135 nhưng tôi thấy nhu cầu mua sắm của người dân ở đây rất cao nên mỗi lần nhập hàng tôi thường phải nhập các mẫu mã mới từ các đại lý bán buôn ở dưới thành phố Tuyên Quang, Hà Nội...”. Chị Tiếng cho biết thêm, ngoài những khoản đóng cho hoạt động vệ sinh chợ và số tiền rất nhỏ để sửa chữa và nâng cấp chợ thì các tiểu thương ở đây không phải đóng góp khoản nào khác. Chính nhờ điều kiện thuận lợi này, nên chợ phiên Yên Thuận đã thu hút nhiều hộ tiểu thương từ các xã khác đến buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Để bảo đảm ổn định việc giao thương, buôn bán của các hộ kinh doanh, xã Yên Thuận đã thành lập Ban quản lý chợ gồm 5 thành viên (là cựu chiến binh), thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ kinh doanh thực hiện đúng nghĩa vụ, giữ gìn an ninh trật tự. Theo ông Đỗ Tuấn Cầm, Trưởng Ban quản lý chợ cho biết: Hiện nay, chợ có trên 80 hộ đăng ký tham gia kinh doanh với đầy đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng... Các hộ đều thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế của Ban quản lý đề ra; thực hiện nộp lệ phí đầy đủ trong từng phiên. Ngoài ra, Ban quản lý chợ còn tổ chức trông xe cho khách hàng vào mua bán, kiểm tra an ninh trật tự trong và ngoài chợ. Vì vậy, nhiều năm nay không có các hiện tượng mất hàng hóa, hay xô xát gây mất trật tự an ninh tại chợ. Anh Phạm Ngọc Quỳnh, người đã bán hàng tại chợ từ những ngày chợ mới thành lập với các mặt hàng tạp hóa, anh Quỳnh cho biết: Nhiều năm buôn bán tại chợ phiên xã Yên Thuận tôi thấy chợ được bố trí rất hợp lý; chợ nằm ngay trung tâm xã thuận lợi cho việc trao đổi buôn bán của bà con trong xã cũng như các xã lân cận, an ninh trật tự được đảm bảo nên việc kinh doanh buôn bán của tôi rất thuận lợi, hiện nay, mỗi phiên tôi cũng thu được từ 7 - 8 triệu đồng tiền hàng còn những ngày lễ, tết doanh thu tới 10 triệu đồng.

Chợ phiên Yên Thuận là cầu nối để tiêu thụ những sản phẩm nông sản do bà con trong xã sản xuất ra, vừa là nơi phục vụ nhu cầu đời sống người dân, vừa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân nông thôn ngày một tốt hơn.

Theo: TQDT

Tin cùng chuyên mục