Bứt phá ở Yên Thuận

Là xã thuộc Chương trình 135, có 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng được sự hỗ trợ của cấp trên cùng sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng, xã Yên Thuận (Hàm Yên) đang nỗ lực bứt phá xây dựng nông thôn mới, quyết tâm về đích năm 2024. “Chìa khóa” của sự bứt phá chính là đột phá về giao thông của xã vùng cao này.

Đột phá giao thông

Đường lên với xã Yên Thuận đã gần và thuận lợi hơn khi cây cầu Bạch Xa nối hai bời sông Lô khánh thành đưa vào sử dụng tháng 1-2024. Đồng chí Ma Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Yên Thuận phấn khởi: Không có cầu Bạch Xa thì đoàn phải đi cả tiếng nữa mới tới Yên Thuận. Người dân ở đây như có cuộc sống mới khi có cầu, không chỉ phải lo nước sông lớn quá không về được và không lo đêm hôm có việc gấp sang sông không có đò, cả việc giá nông sản thấp so với các xã vùng dưới…

 Người dân thôn Sơn Thủy, xã Yên Thuận phát triển cây chè theo hướng VietGap.

Tiếp tục câu chuyện về đường giao thông, anh Tiến chia sẻ, hai năm qua bằng nhiều nguồn, nhất là nguồn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã có công trình hạ tầng được đầu tư, trong đó có nhiều tuyến đường trọng yếu như: Nâng cấp tuyến đường từ đường ĐT 189 đi thôn Cầu Treo dài 1.168 m với kinh phí trên 1,9 tỷ đồng; tuyến đường sang Nặm Húc, thôn Cao Đường đi xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang (Hà Giang) chiều dài 2.774 m tổng đầu tư trên 5,6 tỷ đồng, đường bê tông và cấp phối.  Mở mới tuyến đường từ nhà văn hóa thôn Bơi sang trung tâm thôn Nà Khà cũ chiều dài 1.058,76 m với tổng đầu tư trên 3,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều đường thôn được sửa chữa lại như: đường Đẻm đi thôn Cuổm; đường Lũng Trang thôn Cuổm; đường thôn Cao Đường… 

Cùng với đó, Yên Thuận được đầu tư 3 cây cầu trên đường giao thông. Với sự đầu tư mạnh mẽ này, giao thông ở Yên Thuận đã thay đổi căn bản giúp giao thương trên địa bàn khắc phục được sự chia cắt của địa hình, thuận tiện cả  bốn mùa trong năm.

Dẫn chúng tôi “mục sở thị” tuyến đường mở mới ở Bơi, dài trên 1.000 m với tổng đầu tư trên 3,9 tỷ đồng, Bí thư Chi bộ thôn Bơi La Văn Luyến bảo: Ngày trước, tuyến đường này chỉ là đường mòn, nhỏ hẹp, đi được xe máy thôi. Vì thế, khi huyện triển khai mở mới tuyến đường, chi bộ thôn đã vận động 21 hộ hiến 7.200 m2 đất để có con đường to, rộng như hôm nay. Ông Trần Văn Bình, thôn Bơi, người gương mẫu hiến trên 700 m2 đất vườn, đất đồi để mở đường cho biết, trước đó diện tích đất này gia đình ông làm ao, làm chè, trồng rừng. Khi được cán bộ vận động hiến đất để mở mới tuyến đường, gia đình ông đã bàn bạc, nhất trí hiến để mở đường. Ông bảo, đất vườn, đất đồi đối với nông dân như ông là rất quý bởi đất không sinh ra. Nhưng không hy sinh, không có đường thì mãi mãi không phát triển được.

Có lẽ người dân ở đây ai nấy đều nghĩ như ông Bình, vì cái chung mà hy sinh lợi ích riêng. “Con đường hoàn thành, cả thôn mổ lợn ăn mừng” - Bí thư Chi bộ La Văn Luyến kể.

 Anh Phạm Văn Quảng, thôn Sơn Thủy thu hoạch chanh tứ thì.

Cùng với việc được quan tâm đầu tư hạ tầng thì thu nhập, giảm nghèo ở Yên Thuận được chú trọng thực hiện nhằm nâng cao đời sống cho Nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

Nâng cao thu nhập

Khi đường đã thông, thì giao thương, kinh tế, đời sống của người dân bắt đầu khởi sắc, nhất là việc nâng cao thu nhập. Theo báo cáo của xã, chưa kể cây trồng và vật nuôi khác, chỉ tính riêng ba cây chủ lực: rừng, chè và cây ăn quả có múi, người dân đã trồng hơn 2.000 ha với khối lượng vận chuyển rất lớn. Đơn cử như cây keo, trước đây, do đường đi lại khó khăn, nhiều nơi xe lớn không vào được phải dùng công nông “tăng-bo” ra điểm tập kết, chi phí vận chuyển đội lên rất cao khiến giá keo ở đây bán thấp hơn so với xã khác từ 10 đến 20 triệu đồng/ha, thậm chí lên đến 30 triệu đồng/ha. Chính vì thế, khi giao thông thuận lợi, thu nhập 1 ha keo lên đến 70 đến 80 triệu đồng.

Giao thông, giao thương thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân phát triển các mô hình kinh tế cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng chanh tứ thì trên đồi cho thu nhập từ 100 đến 120  triệu đồng/ha; mô hình trồng cam V2, cam sành thu nhập 170 - 250 triệu đồng/ha; mô hình trồng chè đạt 100 triệu đồng/ha...

Mô hình trồng chanh tứ thì trên đất đồi của anh Phạm Văn Quảng, thôn Sơn Thủy hiện đang cho thu hoạch rộ. Anh Quảng khoe, chanh trái vụ năm nay được giá có lúc anh bán tại vườn đến 27.000 đồng/kg, hiện đang bán 18.000 đồng/kg. Nếu cứ bán với giá này thì năm nay anh thu tiền tỷ trên hơn 2.000 gốc chanh tứ thì.

Tuyến đường mở mới ở thôn Bơi, dài trên 1.000 m người dân hiến 7.200 m2 đất.

Nhìn mô hình chanh của anh Quảng thì thấy việc trồng chanh trên đất đồi không phải đơn giản, không phải ai cũng có thể làm được. Anh Quảng bảo, thứ nhất phải có đất phù hợp như đồi thấp, đất tốt, đặc biệt phải có nguồn nước dồi dào để tưới. Nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố trên không thể có thu hoạch. Hiện toàn bộ diện tích chanh tứ thì của gia đình đã được đầu tư hệ thống tưới tiên tiến lên tới 200 triệu đồng, đảm bảo cây chanh đủ nước sinh trưởng và cho trái đẹp, mọng.

Cùng với cây chanh, cây chè búp đang là cây xóa nghèo bền vững ở đất Yên Thuận lâu nay. Ông Phạm Văn Bừng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thuận Thủy cho hay, HTX hiện có 7 thành viên sản xuất chè với diện tích trên 20 ha. Hiện HTX có 3 sản phẩm chè là chè shan tuyết Cao Đường, chè hương bưởi, chè xanh Thuận Thủy. Thu nhập của xã viên đạt khoảng 100 triệu đồng/ha.

Cây chè là cây trồng xóa nghèo ở Yên Thuận cả chục năm nay với tổng diện tích chè của xã đạt 300 ha. Chị Nguyễn Thu Hoài, thôn Sơn Thủy có 3 ha chè canh tác nhiều năm nay. Chị Hoài bảo, cây chè cho thu ổn định nhất vì đầu ra không quá khó, giống các loại cây trồng khác lại hợp đất, thổ nhưỡng nên chè năng suất, xanh mướt, có độ thơm ngon riêng. Vì thế chè xanh Yên Thuận đã bắt đầu có giá trên thị trường. Với 3 ha, gia đình chị cũng thu trên 300 triệu đồng/năm, trừ 40% tiền đầu tư, còn lãi khoảng 180 triệu đồng.

“Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự chủ động phát triển kinh tế gia đình, cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo và hộ cận nghèo đang từng bước được đẩy lùi”. - Chủ tịch UBND xã Ma Văn Tiến cho biết.

Rời Yên Thuận khi bóng chiều đã ngả nhưng người dân ở đây vẫn mải miết làm đồng, chăm vườn tạo nên cảnh đẹp “sơn thủy hữu tình” của mảnh đất vùng cao Yên Thuận. Mảnh đất đang minh chứng sự “thay da đổi thịt” từ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước kết hợp với sức mạnh từ Nhân dân trong xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế. Đây là bước thúc đẩy nhanh hơn quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao Yên Thuận.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục