Bác Hồ nói về tính chiến đấu của báo chí

Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (8/9/1962), Bác Hồ chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

 

Cuộc chiến đấu cách mạng của chúng ta, ngay từ đầu, đã được xác định là cuộc chiến đầu nhằm đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân đế quốc và chế độ phong kiến, thực hiện giải phóng dân tộc, giành lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc. Cuộc chiến đấu đó còn nhằm một mục tiêu cao hơn là đánh đổ mọi hình thức áp bức, bất công, lập nên chế độ cộng hòa dân chủ, thiết lập quyền làm chủ của nhân dân, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống mới – cuộc sống bình đẳng, ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn dân trên đất nước ta.

Kể từ thời xây dựng Đảng cho đến Cách mạng Tháng Tám thành công, tiếp theo là hai cuộc kháng chiến cứu nước và ngày nay là sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, cuộc chiến đấu cách mạng của chúng ta là một cuộc chiến đấu toàn diện, trên tất cả các mặt trận – quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao…, bằng mọi loại vũ khí – vũ khí theo nghĩa thông thường và các loại vũ khí khác mà mục đích cuối cùng là để giành chiến thắng. Báo chí là một mặt trận cụ thể trong mặt trận tư tưởng và văn hóa nói chung. Tất cả những người tham gia các mặt trận ấy đều là chiến sĩ. Với các nhà báo, tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (8/9/1962), Bác Hồ chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trong điện mừng Hội Nhà báo Á Phi (24/4/1965), Bác Hồ viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”.

Trong cuộc chiến đấu cách mạng của chúng ta, nhân tố chính trị và tinh thần luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu. Chính nghĩa là một sức mạnh lớn. Tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ giống như ngọn gió to thổi vào đốm lửa đang nhen. Trong Nhật ký trong tù, Bác Hồ Viết:

“Thân thể ở trong lao,

Tinh thần ở ngoài lao,

Muốn thành sự nghiệp lớn,

Tinh thần càng phải cao”

Báo chí cách mạng là một bộ phận của cuộc chiến đấu cách mạng. Chính bản chất chiến đấu của sự nghiệp cách mạng quyết định tính chiến đấu của báo chí cách mạng. Chiến đấu mà chúng ta nói ở đây là chiến đấu để đánh đổ kẻ thù xâm lược, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, vì lý tưởng và mục tiêu cao cả của cách mạng, chiến đấu để xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới. Chiến đấu còn có ý nghĩa đánh bại những đòn tiến công và phản kích của các thế lực thù địch, đề cao cái đúng, cái tốt, cái đẹp (chân, thiện, mỹ) đẩy lùi và khắc phục các thói hư, tật xấu trong xã hội và trong mỗi con người.

Năm mươi năm trước đây, nói chuyện tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 4/1959, sau khi vạch trần tính giả dối của cái gọi là  “tự do báo chí” ở các nước tư bản, Bác Hồ dặn các nhà báo chúng ta: “Báo chí chúng ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của chúng ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. Bác còn dặn báo chí phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu.

Bác Hồ là người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng nước ta. Những lời dạy của Bác Hồ về báo chí nói chung và về tính chiến đấu của báo chí nói riêng, như đã nói trên, cho đến nay vẫn còn long lanh giá trị, mặc dù hoàn cảnh chung của đất nước, tính chất, nội dung và những nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng ngày nay đã khác nhiều so với các giai đoạn cách mạng trước đây.

Tính chiến đấu của báo chí cách mạng nước ta hiện nay phải được thể hiện trước hết trong việc làm sáng tỏ đường lối, chủ trương và các chính sách của Đảng và Nhà nước ta, động viên và cổ vũ lòng hăng hái và tinh thần phấn đấu của nhân dân ta vì sự nghiệp đổi mới, xây dựng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tính chiến đấu còn phải được thể hiện trong việc đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, phê phán các luận điệu xuyên tạc và các hành vi chống phá của các thế lực thù địch.

Chúng ta không bao giờ ngộ nhận các quyền tự do tư tưởng và tự do báo chí là những quyền chính đáng được pháp luật công nhận với việc kẻ xấu lợi dụng các quyền đó để chống phá sự nghiệp của đất nước và của nhân dân. Còn nhớ, ngày 21/7/1956, nói chuyện với lớp nghiên cứu chính trị khóa I, trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác Hồ chỉ rõ: “chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ Quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý”.

Theo ictnews.vn

Tin cùng chuyên mục