Suy nghĩ về sự nghiệp báo chí của Bác Hồ

Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh đồng thời là một nhà báo cách mạng vĩ đại, người khai sinh và đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Bác tự nhận mình là nhà báo, nhưng cao hơn hết là nhà cách mạng. Khi trao đổi với một nhà báo Liên Xô, Ruf Bersatxki, Người tâm sự: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận. Gọi là nhà tuyên truyền tôi cũng không tranh cãi, nhà cách mạng chuyên nghiệp là đúng nhất”(1). Nhà cách mạng, nhà báo Hồ Chí Minh là một.

Bác coi báo chí là một phương tiện không thể thiếu trong các hoạt động cách mạng, nhất là trong điều kiện tiến hành vận động quần chúng làm cách mạng mà mình chưa nắm được chính quyền trong tay. Hoạt động báo chí là một trong những cách thức có hiệu quả để thực hiện lý tưởng, hoài bão và các nhiệm vụ cách mạng. Bác mở đầu cuộc đời cách mạng bằng viết báo, rồi lập các cơ quan báo chí do chính mình và cộng sự trực tiếp chỉ đạo để triển khai những chủ trương, đường lối, chính sách và công việc theo tôn chỉ mục đích của tổ chức cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn dành thời gian, tâm huyết cho hoạt động báo chí.

Kể từ tác phẩm đầu tiên “Quyền của các dân tộc thuộc địa” (Báo Nhân đạo, Pháp, ngày 18-6-1919) đến bài cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ R.M.Nich-xơn” (Báo Nhân Dân, ngày 25-8-1969), nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta và bạn bè thế giới hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký… với khoảng 150 bút danh, viết bằng nhiều thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Hán… Bác sáng lập ra 9 tờ báo trong và ngoài nước và cộng tác với nhiều tờ báo danh tiếng nước ngoài, nhất là những nơi Người đã tham gia hoạt động cách mạng như Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc…

Ngày 21-6-1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), khi còn hoạt động cách mạng bí mật ở ngoài nước, Bác Hồ đã sáng lập và trực tiếp chỉ đạo xuất bản Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ thanh niên cách mạng đồng chí hội và tiếng nói của những người cách mạng cũng như đông đảo quần chúng nhân dân. Báo Thanh Niên là tờ báo tuyên truyền đường lối cách mạng, chuẩn bị tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Từ đó, ngày xuất bản Báo Thanh Niên đã trở thành truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam, chính Bác là người đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam.

Là một nhà báo lỗi lạc, Bác sử dụng báo chí là một công cụ, một phương tiện, phương thức hoạt động cách mạng. Tháng 6-1949, trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Bác viết: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung”(2). Mục đích chung ở đây chính là những nhiệm vụ và mục tiêu cần phấn đấu để đạt tới trong những thời điểm nhất định do tổ chức cách mạng đề ra. Phân tích cụ thể về nhiệm vụ cụ thể của một tờ báo chính trị, báo Đảng, ngay sau khi quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ năm 1954 và chuẩn bị cho bước phát triển mới của đất nước, Bác viết bài: Cần phải xem báo Đảng (Báo Nhân Dân, số ra ngày 24-6-1954) và chỉ rõ: “Tờ báo Đảng là những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hằng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta”(3). Người còn nói: “Để làm trọn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức và hướng dẫn thì các báo chí ta cần phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế, cách làm việc của các báo chí phải cải thiện hơn”(4). Tại Đại hội lần thứ 3 của Hội nhà báo Việt Nam, Bác một lần nữa khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”(5). Tất cả những nhiệm vụ cách mạng đều là nhiệm vụ của báo chí, nhiệm vụ ấy báo trùm toàn bộ cuộc cách mạng, phục vụ mọi mặt đời sống xã hội, kinh tế, an ninh quốc phòng, quan hệ quốc tế. Hoạt động của báo chí vì thế không thể bị giới hạn trong một khuôn khổ nào mà phải phong phú, đa dạng, sinh động để có thể đáp ứng nhiệm vụ chung của cách mạng, của dân tộc, của đất nước.

Bác đánh giá rất cao vị trí, vai trò của báo chí cách mạng và người làm báo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Trong những dịp gặp gỡ với báo chí, Bác đã nhắc đi nhắc lại một vấn đề rất quan trọng của báo chí cách mạng mà mỗi người làm báo chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ trong quá trình tác nghiệp: 1. Báo chí là một mặt trận; 2. Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng; 3. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của người làm báo; 4. Bài báo là tờ lịch cách mạng. Quán triệt đầy đủ và sâu sắc 4 nội dung trên, chúng ta sẽ làm được thật nhiều việc hữu ích cho đất nước, cho nhân dân.

Theo Bác, làm báo là để thức tỉnh các tầng lớp nhân dân, nhất là đông đảo quần chúng lao động, do vậy, báo chí nói chung và các nhà báo cách mạng phải giúp người đọc nhận thức được các vấn đề trong nước và quốc tế, chính trị, kinh tế và văn hóa, đạo đức và xã hội, chính nghĩa và phi nghĩa…, giúp cho người đọc hiểu được và có đủ khả năng nhận thức đúng đắn thế giới xung quanh, từ đó có hành vi ứng xử phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của nhân dân và của toàn dân tộc. Bác khẳng định: “Dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần chịu khó tìm đủ mọi cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì lợi ích của họ mà phải làm”(6). Bác thường căn dặn các nhà báo mỗi khi cầm bút viết phải tự trả lời được các câu hỏi: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọc, dễ đọc”(7). Cụ thể là những người làm báo phải học cách nói của quần chúng, chớ nói như cách giảng sách, phải luôn luôn dùng những lời lẽ, ngôn từ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu; khi nói, khi viết luôn phải làm thế nào cho ai cũng hiểu được, giúp quần chúng đều hiểu, đều tin và quyết tâm làm theo lời kêu gọi của mình; chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ thì chớ nói, chớ viết; trước khi nói, khi viết phải suy nghĩ cho chín, phải sắp đặt ý tứ, câu văn, lời nói thật cẩn thận.

Trong hàng nghìn bài báo của Bác, mỗi bài một thể loại, một nội dung, dài ngắn khác nhau nhưng thường là ngắn, có yêu cầu khác nhau nhưng đều nhằm vào việc giáo dục, động viên và hướng dẫn quần chúng hành động theo đường lối cách mạng, nhiệm vụ, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Xin nêu một vài bài báo Người viết vào năm cuối đời, theo khuôn mẫu mà Bác nêu ở trên: Bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (ký tên Trần Lực, Báo Nhân dân, số 5409, ngày 3-2-1969); bài Tết trồng cây (ký tên Trần Lực, Báo Nhân Dân, số 5411, ngày 5-2-1969); bài Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng (ký tên Trần Lực, Báo Nhân Dân, số 5526, ngày 1-6-1969).

Ngày 21-1-1969, Bác làm việc với đồng chí Tố Hữu, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương và đồng chí lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng yêu cầu chuẩn bị cho Bác một bài viết vào dịp kỳ niệm Ngày thành lập Đảng 3-2-1969, với chủ đề quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Bài báo được dự thảo, ngày 3-1, Bác sửa chữa và làm việc với các đồng chí nêu trên. Bác sửa chữa khá nhiều trong bản thảo. Theo đề nghị của các lãnh đạo Ban Tuyên huấn và Văn phòng Trung ương Đảng, Bác đồng ý tên tiêu đề bài báo là Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân như chúng ta đã biết, nhưng trong nội dung cụ thể và việc làm cụ thể phải đặt vế sau lên trước. Trong bài báo không dài lắm, Bác khẳng định chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân, là bạn đồng hành của những căn bệnh tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh, trục lợi… làm hại đến quyền lợi của cách mạng, của nhân dân. Bác chỉ ra những nhiệm vụ của Đảng về tăng cường giáo dục cán bộ, đảng viên; thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong nội bộ Đảng và hoan nghênh, khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt chi bộ; giữ nghiêm kỷ luật Đảng; kiểm tra chặt chẽ cán bộ, đảng viên. Đối với đảng viên, Bác chỉ rõ: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu, đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thực sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”.

Về bài Tết trồng cây, ngày 10-1-1969, Bác tiếp Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp Nguyễn Tạo và bàn về nội dung bài báo, trước đó, ngày 27-12-1968, Bác đã trực tiếp nghe đồng chí Nguyễn Tạo báo cáo về tình hình trồng cây gây rừng và việc Đế quốc Mỹ rải chất độc hủy diệt, phá hoại rừng ở miền Nam, tình trạng đẵn gỗ, phá rừng bừa bãi ở miền Bắc. Bác nói sẽ mở rộng việc vận động nhân dân trồng cây, gây rừng bằng tổ chức thường xuyên Tết trồng cây hằng năm. Đến ngày 1-2-1969, Bác gặp lại và yêu cầu đồng chí Nguyễn Tạo góp ý kiến về bài báo, sửa ngay vào bản thảo và ngày 5-2-1969, bài Tết trồng cây thứ hai được đăng trên báo Nhân dân (bài Tết trồng cây thứ nhất đăng báo Nhân Dân ngày 28-11-1959). Bài báo này, Bác nêu rõ ý nghĩa và lợi ích của việc trồng cây bằng nhiều số liệu và dẫn chứng cụ thể, chỉ ra thành tích và nêu gương nhiều việc tốt, người tốt về trồng cây ở các địa phương, đồng thời chỉ trích, phê phán những việc làm chưa tốt của một số đơn vị. Bác lưu ý các cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành, nhất là ngành lâm nghiệp, nông nghiệp cần làm tốt công tác vận động quần chúng, quan tâm hơn nữa đến lợi ích của người trồng cây để phong trào ngày càng được mở rộng và sôi nổi. Theo Bác, kinh nghiệm cho hay: “Mọi người đều nên tham gia trồng cây, nhưng lực lượng các cụ phụ lão có tổ chức là quan trọng và các cháu thiếu nhi là lực lượng đắc lực”.

Ngày 27-5-1969, Bác làm việc với Phó Chủ tịch Ủy ban thiếu niên nhi đồng Trung ương Lê Thu Trà để nghe về tình hình công tác chăm sóc thiếu niên, nhi đồng; căn dặn việc nuôi dạy vă chăm sóc các cháu phải có sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng và chính quyền, nhất là cấp cơ sở và cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; đồng thời bàn việc viết bài báo nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6-1969. Hai ngày sau, ngày 29-5-1969, Bác trực tiếp sửa lại bài báo và chuẩn bị gửi đăng báo. Ngày 1-6-1969, Báo Nhân Dân đã đăng bài của Người với tiêu đề: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”. Bác biểu dương thành tích của các cháu thiếu nhi hai miền Nam-Bắc trong phong trào thi đua “làm nghìn việc tốt”. Bài báo khẳng định: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”.

Đây là những bài báo ngắn trong hàng nghìn bài báo của Bác. Những bài báo nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, Bác phải làm việc cụ thể với lãnh đạo của ngành hoặc lĩnh vực liên quan, nghe đầy đủ tình hình và tư tưởng chỉ đạo của ngành, rồi Bác viết hoặc yêu cầu các đồng chí liên quan chuẩn bị giúp, cuối cùng Bác cùng các đồng chí sửa lại, hoàn chỉnh và đăng báo vào đúng thời điểm cần thiết. Mỗi nhà báo chúng ta suy nghĩ và làm theo những lời dạy của Bác về công tác báo chí, đây cũng là một việc làm cụ thể theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác kính yêu, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam.

-------------------------

1. Xem Ruf Bersatxki (Liên Xô):Một lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Văn nghệ 1980.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5, tr.625.

3. Sđd, tập 7, tr.298.

4. Sđd, tập 7, tr.271.

5. Sđd, tập 10, tr.613.

6. Sđd, tập 5, tr.246.

7. Sđd, tập 10, tr.615.

Theo: Tạp chí xây dựng Đảng

Tin cùng chuyên mục