Bài toán an ninh sau khi các lực lượng nước ngoài rút khỏi Afghanistan

Sau Đức và Italy, nhiều nguồn tin cho biết, Mỹ có thể hoàn tất trước thời hạn việc rút quân khỏi Afghanistan ngay trong tháng 7 này, sau gần 20 năm hiện diện quân sự. Dù vậy, tình hình an ninh tại quốc gia Nam Á này đang không ngừng xấu đi trong những tháng vừa qua.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp- Karrenbauer đã gọi việc rút những binh sĩ cuối cùng khỏi Afghanistan là sự kết thúc của một chương lịch sử. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Lorenzo Guerin khẳng định, dù sứ mệnh quân sự tại Afghanistan đã chính thức kết thúc, song cam kết của cộng đồng quốc tế đối với quốc gia Nam Á này vẫn chưa chấm dứt, mà sẽ tiếp tục dưới các hình thức khác, từ tăng cường hợp tác phát triển đến hỗ trợ các thể chế cộng hòa.

Việc rút quân của Đức và Italy được đưa ra sau khi Mỹ quyết định chấm dứt sứ mệnh tại Afghanistan. Dù vẫn chưa hoàn tất đàm phán một thoả thuận hòa bình với lực lượng Taliban, ngay sau khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định rút binh sĩ khỏi Afghanistan muộn nhất vào tháng 9 tới.

“Chúng tôi đang xem xét rất kỹ tình hình trên thực địa ở Afghanistan và chúng tôi cũng đang xem xét rất kỹ xem liệu Taliban có thực sự nghiêm túc về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hay không. Chúng tôi tiếp tục can dự về mặt ngoại giao, nhưng những hành động cố gắng chiếm lấy đất nước bằng vũ lực tất nhiên hoàn toàn không phù hợp và cần hướng tới việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tuyên bố rút quân của chính quyền Tổng thống Joe Biden và sau đó là NATO sau 20 năm hiện diện quân sự đã làm dấy lên lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ một thời kỳ bất ổn mới tại Afghanistan. Chỉ trong vài tuần qua, Taliban đã liên tiếp phát động các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các vùng nông thôn và đã chiếm quyền kiểm soát nhiều khu vực hành chính của Afghanistan. Nhiều ý kiến lo ngại, nhóm vũ trang có thể chiếm quyền kiểm soát đất nước và khôi phục chế độ thống trị như đã làm trong giai đoạn từ năm 1996 đến 2001.

Viện Khảo cứu Quốc hội Mỹ mới đây công bố báo cáo cho thấy, bằng nhiều biện pháp, Taliban đang có sức mạnh cao nhất kể từ năm 2001. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc ước tính, kể từ tháng 5 đến nay, Taliban đã chiếm 50 trong tổng số 370 khu vực hành chính tại Afghanistan và kiểm soát 25% dân số trong khi chính phủ kiểm soát 40% dân số.

Theo các nhà phân tích của kênh truyền hình CNN, nếu chính quyền Tổng thống Joe Biden không có hành động nhanh chóng, Afghanistan có thể rơi vào tình trạng như Iraq mùa hè năm 2014 với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng nhiều khu vực khi Mỹ rút quân 3 năm trước đó. Trong nỗ lực trấn an, NATO mới đây cam kết về một tiến trình rút quân có trật tự và phối hợp trong khi chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Afghanistan, Tướng Scott Miller cảnh báo, Washington không loại trừ khả năng tiến hành các cuộc không kích chống Taliban, nếu như lực lượng này tiếp tục chiến dịch chiếm lãnh thổ mới trên khắp đất nước Afghanistan./.

Theo: vov.vn

Tin cùng chuyên mục