“Bối rối” vì đồng minh, NATO bác khả năng đưa quân tới Ukraine

Pháp đã khiến các quốc gia đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) “bối rối” khi đề cập khả năng đưa quân tới Ukraine. Mỹ, Liên minh châu Âu, NATO hôm 27/2 đồng loạt bác bỏ khả năng này, trong khi Nga cảnh báo nguy cơ đối đầu trực tiếp nếu binh sĩ phương Tây được triển khai tới quốc gia Đông Âu.

NATO hôm 27/2 cho biết, khối quân sự không có kế hoạch triển khai quân tác chiến ở Ukraine. Anh, Đức, Ba Lan, Phần Lan, Cộng hoà Séc cũng loại trừ khả năng này, trong khi Thủ tướng Thuỵ Điển Kristersson bày tỏ lấy làm tiếc khi đề xuất được đưa ra ngay vào thời điểm rào cản cuối cùng trong nỗ lực gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu được dỡ bỏ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz thậm chí còn dứt khoát hơn khi tuyên bố các nước châu Âu, NATO sẽ không gửi bộ binh đến Ukraine trong tương lai.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Pat Ryder cùng ngày đã thẳng thắn bác bỏ khả năng này khi tuyên bố Mỹ sẽ không gửi quân tới chiến đấu ở Ukraine: "Mỹ không có kế hoạch cử binh sĩ đến chiến đấu ở Ukraine. Tổng thống đã khá rõ ràng về vấn đề này và đây tiếp tục là lập trường của chúng tôi. Từ quan điểm của Bộ Quốc phòng, kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ để đạt được hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Đó không chỉ là nỗ lực của Mỹ, mà là của một tập hợp các quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho việc chuyển các hỗ trợ đến Ukraine nhanh nhất có thể và đáp ứng nhu cầu an ninh cấp bách nhất của họ.”

Phản ứng trước những bình luận từ phía Pháp, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo về nguy cơ không thể tránh khỏi trước một cuộc xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga nếu binh sĩ phương Tây được triển khai tới Ukraine: "Việc thảo luận về khả năng gửi một số quân từ các nước NATO đến Ukraine là rất đáng lưu tâm. Chúng tôi nhận thấy rằng vấn đề đã thực sự được đưa ra thảo luận và cũng lưu ý rằng có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này và thực tế là không có sự đồng thuận. Một số quốc gia đã có đánh giá khá tính táo về những nguy cơ tiềm ẩn của một hành động như vậy, nguy cơ của một cuộc xung đột trực tiếp và toàn diện. Điều này hoàn toàn không có lợi cho những nước này.”

 

Pháp là một trong những đối tác an ninh quan trọng của Ukraine. Ngay đầu tháng này, hai nước đã ký một hiệp ước an ninh song phương, theo đó Pháp cam kết viện trợ quốc phòng trị giá 3 tỷ euro vào cuối năm nay cho Ukraine. Tuy nhiên, việc đưa quân tới Ukraine tới nay vẫn là vấn đề nhạy cảm không chỉ đối với Pháp và hầu hết các quốc gia thành viên NATO.

Phát biểu trước Quốc hội ngày hôm qua, Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné đã tìm cách xoa dịu các đồng minh khi tuyên bố lập trường của Tổng thống là cần xem xét những hành động mới nhằm đáp ứng những nhu cầu rất cụ thể của Ukraine như rà phá bom mìn, sản xuất vũ khí tại chỗ và một số hoạt động có thể yêu cầu sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine, song không là quân đội chiến đấu.

Kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, EU và các đồng minh khu vực ước tính đã chi hơn 100 tỷ USD tài trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, sự thống nhất giữa EU và NATO đang bắt đầu rạn nứt, với gần như mọi quyết định lớn đều bị trì hoãn và bị đe dọa phủ quyết. Không có tiếng nói công khai nào của phương Tây muốn từ bỏ Ki-ép, nhưng không thể phủ nhận sự mệt mỏi đang ập đến khi nguồn lực ngày càng cạn kiệt. Áp lực chính trị liên quan đến ngân sách dự báo sẽ trở nên rõ ràng hơn khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra vào tháng 6 tới và bầu cử Mỹ vào tháng 11, cũng như các cuộc thăm dò quốc gia ở nhiều nước châu Âu.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục