Chuyên gia Mỹ: Quá mơ mộng nếu tin Omicron chấm dứt đại dịch

Quan chức WHO lạc quan Omicron có thể giúp chấm dứt đại dịch ở châu Âu, nhưng chuyên gia cho rằng nên thận trọng với tính khó lường của Covid-19.

 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 23/1 đánh dấu hai năm Covid-19 bắt đầu tấn công châu Âu và Trung Á với nhận định rằng biến chủng Omicron giúp Covid-19 chuyển sang một giai đoạn mới và đại dịch có thể kết thúc ở châu Âu.

"Đại dịch trong khu vực có khả năng đang trên đà chấm dứt", Hans Kluge, giám đốc WHO phụ trách châu Âu, nói và thêm rằng biến chủng Omicron có thể lây nhiễm cho 60% người dân châu lục vào tháng 3.

Tuyên bố được Kluge đưa ra trong bối cảnh một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy người nhiễm biến chủng Omicron xuất hiện triệu chứng không nghiêm trọng như Delta, ít nhất là ở những người đã tiêm chủng. Điều này làm dấy lên hy vọng Covid-19 đang dần chuyển sang bệnh đặc hữu dễ ứng phó hơn, giống như cúm mùa.

Tuy nhiên, Benjamin Neuman, giáo sư sinh học kiêm nhà virus học trưởng của Tổ hợp Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Texas A&M, nhận định tuyên bố của quan chức WHO dường như không tính đến đặc tính khó lường của Covid-19.

"Quan chức WHO nhiều khả năng đề cập tới khái niệm miễn dịch cộng đồng, với niềm tin rằng khi có đủ số người nhiễm và xây dựng khả năng miễn dịch, virus sẽ không còn chỗ để sinh sôi. Miễn dịch cộng đồng là khái niệm dịch tễ học phù hợp với một số loại virus, nhưng không phải tất cả", Neuman nói với VnExpress.

"Trong hai năm hoành hành toàn cầu, nCoV đã nhiều lần đánh bại niềm tin về miễn dịch cộng đồng", giáo sư này bổ sung. "Trong trường hợp đó, nhận định của quan chức WHO là quá mơ mộng".

Số liệu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố gần đây cho thấy Omicron đang khiến số ca tử vong mới ở Mỹ tăng cao hơn mức đỉnh trong làn sóng Delta hồi năm ngoái và có thể tiếp tục cao hơn thời gian tới.

Ca tử vong trung bình 7 ngày ở Mỹ bắt đầu tăng từ giữa tháng 11, khi Omicron lây lan, và chạm mức 2.267 ca hôm 27/1, vượt mức đỉnh 2.100 ca hồi tháng 9, khi Delta là chủng trội, theo CDC. Giới chức Mỹ cho hay dù Omicron gây triệu chứng không nghiêm trọng như Delta, biến chủng này lây lan nhanh hơn, dễ dàng hơn, khiến số người chuyển biến nặng và tử vong tăng lên theo.

Một người phụ nữ đeo khẩu trang đi qua biển khuyến khích tiêm chủng ở thủ đô London, Anh. Ảnh: Reuters.
 

Một người phụ nữ đeo khẩu trang đi qua biển khuyến khích tiêm chủng ở thủ đô London, Anh. Ảnh: Reuters.

Giáo sư Neuman nhận định tuyên bố của Kluge cũng có thể ám chỉ cách thế giới thay đổi cách ứng xử với Covid-19, chấm dứt những nỗ lực kiềm chế Covid-19 lây lan.

"Đây là ý tưởng rất hấp dẫn và đang ngày càng phổ biến ở châu Âu, nhưng tồn tại nhiều sai sót. Nó chẳng khác gì từ bỏ mọi nỗ lực chống dịch", ông nói, thêm rằng quan điểm này "dựa vào cảm tính hoặc tính toán được - mất" hơn là dữ liệu khoa học.

"Tôi có thể hiểu lý do mọi người thích ý tưởng rằng chúng ta không cần làm gì mà vẫn có kết cục tốt đẹp với Covid-19, nhưng có vẻ khá nguy hiểm khi đặt số phận nhân loại vào tay virus", Neuman nói. "Những nhận định cho rằng virus đang trở nên 'nhẹ hơn' có vẻ giống điều ước chứ không phải căn cứ trên thực tế".

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hồi đầu tuần, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky cũng nói rằng Omicron gây "triệu chứng nhẹ hơn" không đồng nghĩa với "triệu chứng nhẹ" ở những người nhiễm biến chủng này.

Trong phát biểu hôm 24/1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hy vọng giai đoạn cấp tính của Covid-19 có thể kết thúc trong năm 2022 nếu 70% dân số của mọi quốc gia được tiêm chủng, nhưng tỏ ra thận trọng hơn về tương lai của đại dịch.

"Thật nguy hiểm nếu cho rằng Omicron là biến thể cuối cùng hoặc chúng ta đang ở giai đoạn cuối cùng của đại dịch", Tedros nhấn mạnh.

Giáo sư Neuman cho rằng tuyên bố của Tổng giám đốc WHO đề cập tới mối quan hệ nhân - quả trong diễn biến của dịch bệnh, khi tình trạng virus lây lan không kiểm soát sẽ dẫn tới những biến chủng mới nguy hiểm hơn. "Thông điệp của ông Tedros về cơ bản là lời cảnh báo rằng xem thường nCoV sẽ dẫn tới hiểm họa", Neuman nói.

Một số chuyên gia, trong đó có tiến sĩ Vinod RMT Balasubramaniam, nhà virus học phân tử tại Trường Khoa học Y tế và Sức khỏe Jeffrey Cheah thuộc Đại học Monash, Malaysia, từng hy vọng 2022 là năm "cận kề vạch đích" để nhân loại chấm dứt đại dịch, biến Covid-19 thành bệnh đặc hữu. Tổng giám đốc WHO Tedros cũng ủng hộ quan điểm này, khi cho rằng sau hai năm ứng phó, nhân loại đã "hiểu rất rõ virus".

Lawrence Young, nhà virus học kiêm giáo sư chuyên ngành ung thư học phân tử tại Trường Y Đại học Warwick ở Anh, cũng lạc quan rằng Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu, nhưng cảnh báo các quốc gia không nên vội vàng nới lỏng cảnh giác.

"Chúng ta đang đối mặt với rất nhiều điều không chắc chắn về tương lai của Covid-19", Young nói. "Thật sai lầm khi nghĩ rằng Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu có nghĩa nó sẽ dễ dự đoán và ít nguy hiểm hơn".

Giáo sư Young cảnh báo nếu virus tiếp tục lan rộng, đặc biệt ở những người chưa tiêm chủng, nó sẽ tạo ra các biến thể mới, đe dọa cả những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao. Do đó, các "vũ khí" y tế như vaccine, thuốc điều trị, các biện pháp phòng ngừa cá nhân cũng như kiểm soát quá trình lây lan của virus vẫn rất quan trọng.

Ông cho rằng khả năng Omicron giúp kết thúc đại dịch là niềm tin không có căn cứ vững chắc. "Cùng với chiến dịch tiêm chủng, những người bình phục sau nhiễm Omicron sẽ hình thành một bức tường miễn dịch, nhưng chúng tôi không biết điều này sẽ kéo dài bao lâu và nó có ý nghĩa như thế nào với nhu cầu tiêm liều tăng cường trong tương lai", ông nói. "Không có cách nào dự đoán được tương lai đại dịch, ngoài việc chúng ta cần học cách sống chung với nó".

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục