Mỹ bị nghi bắt chước thiết kế khu trục hạm Trung Quốc

Mỹ công bố thiết kế chiến hạm DDG-X tương lai, nhưng bị cho là "bắt chước" vì có nhiều điểm giống khu trục hạm Type-055 Trung Quốc.

 

Khu trục hạm Thế hệ mới (DDG-X) được Mỹ phát triển nhằm thay thế 22 tuần dương hạm lớp Ticonderoga và các biến thể cũ hơn của khu trục hạm lớp Arleigh Burke. Theo phác thảo được hải quân Mỹ công bố tuần trước, khu trục hạm DDG-X sẽ có thiết kế tàng hình và sử dụng động cơ đẩy chạy điện tích hợp (IEP) được trang bị cho lớp Zumwalt.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự nhanh chóng nhận ra rằng thiết kế của DDG-X mang nhiều điểm tương đồng khu trục hạm Type-055 của hải quân Trung Quốc. Khu trục hạm này có kiến trúc thượng tầng cùng đài chỉ huy hình khối góc cạnh nhằm giảm tiết diện radar và hồng ngoại, gần giống chiến hạm lớp Type-55 của Trung Quốc.

Hai chiến hạm đều có ống khói thấp đặt sau đài chỉ huy và khoang chứa máy bay nằm tách biệt về phía đuôi tàu. Khu vực trống giữa khoang chứa máy bay và đài chỉ huy được cho là nơi bố trí ống phóng thẳng đứng.

 

Phác thảo thiết kế khu trục hạm DDG-X của Mỹ và Type-055 của Trung Quốc. Đồ họa: US Navy, Twitter/louischeung_hk.

Phía trước đài chỉ huy của DDG-X gắn một hải pháo, tiếp đến là khu vực đặt cụm ống phóng thẳng đứng và một mô-đun vũ khí ngay trước buồng chỉ huy. Khu trục hạm Type-55 đặt hải pháo gần mũi tàu hơn, tiếp đến là cụm ống phóng và tổ hợp phòng thủ tầm cực gần trước buồng chỉ huy.

DDG-X dự kiến được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động AN/SPY-6 (AESA), mang theo cụm 32 ống phóng thẳng đứng Mk.41 hoặc cụm 12 ống phóng tên lửa siêu vượt âm với kích thước lớn hơn, ngoài ra có thể được lắp vũ khí laser. Type-055 có lượng giãn nước 12.000-13.000 tấn, được trang bị radar Type-346B AESA tương tự AN/SPY-6 của Mỹ.

Một số chuyên gia khác cho rằng khu trục hạm Type-055 của Trung Quốc và DDG-X của Mỹ tương đồng về thiết kế có thể do hai bên cùng có nhu cầu về năng lực tác chiến, nên phát triển dạng chiến hạm gần giống nhau.

Các yêu cầu này gồm phòng không hạm đội, tác chiến mặt nước, chỉ huy và kiểm soát trên biển đòi hỏi một chiến hạm mặt nước cỡ lớn, mang vũ khí mạnh và có khả năng đảm nhận vai trò soái hạm.

Hải quân Mỹ chưa bình luận về những nhận định trên.

Khu trục hạm Nam Xương thuộc lớp Type-055 của hải quân Trung Quốc. Ảnh: PLA.

Khu trục hạm Nam Xương thuộc lớp Type-055 của hải quân Trung Quốc. Ảnh: PLA.

Trong quá khứ, Mỹ từng chọn và tìm cách sở hữu thiết kế của nước ngoài để phát triển vũ khí, một trong số đó là công nghệ cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL) trên F-35B, vốn kế thừa và phát triển từ công nghệ của tiêm kích Yak-38 và Yak-141 của Liên Xô.

Hai mẫu tiêm kích Yak-38 và Yak-141 gặp nhiều vấn đề kỹ thuật do công nghệ VTOL chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, Liên Xô tan rã khiến hãng Yakovlev phá sản và Nga không đủ nguồn lực để tiếp tục hoàn thiện công nghệ.

Lockheed Martin năm 1991 ký thỏa thuận với Yakovlev, theo đó hãng vũ khí Mỹ tài trợ phát triển nguyên mẫu Yak-141 để đổi lấy dữ liệu hạn chế về thiết kế và báo cáo bay thử nghiệm. Thỏa thuận này được tiết lộ năm 1995.

Lockheed Martin không quan tâm tới phát triển thêm Yak-141, thay vào đó sử dụng thiết kế động cơ vòi xoay và dữ liệu bay thử nghiệm của mẫu tiêm kích này để phát triển F-35B.

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục