Việt Nam - Nhật Bản: Chờ đợi lịch sử đảo chiều

Trước đối thủ có sức mạnh vượt trội, thầy trò Park Hang-seo cần một trận đánh để đời ở tứ kết Asian Cup 2019 trên sân Al Maktoum.

 

Phần lớn tuyển thủ Việt Nam từng trải nghiệm chiến thắng trước Nhật Bản ở Asiad 2018. Ảnh: Đức Đồng.

Phần lớn tuyển thủ Việt Nam từng trải nghiệm chiến thắng trước Nhật Bản ở Asiad 2018. Ảnh: Đức Đồng.

*Trận Việt Nam - Nhật Bản: 20h hôm nay, trên VnExpress.

Trước thềm Asian Cup, ít ai nghĩ Việt Nam có thể làm nên chuyện. Họ chỉ đứng thứ 18 châu lục, theo FIFA. Nhưng lúc này, đội bóng thấp bé nhẹ cân và trẻ nhất giải chỉ còn cách bán kết một trận. Và nếu vượt qua được trận đấu đó, họ ít nhất sẽ có HC đồng (không đá trận tranh giải Ba).

Xét về lịch sử, Việt Nam yếm thế hơn Nhật Bản ở cấp đội tuyển, khi toàn thua cả hai trận. Tuy nhiên, ở cấp Olympic, thầy trò Park Hang-seo từng đánh bại Nhật Bản ở vòng bảng Asiad cách đây chưa đầy sáu tháng. Trận đó, nhà cầm quân Hàn Quốc quyết định sử dụng đội hình mạnh nhất dù đã chắc chắn qua vòng bảng. Mục đích của ông là giúp các học trò cởi bỏ cái dớp không thắng Nhật Bản trên mọi cấp độ. Và lúc này, khí thế của đội bóng áo đỏ càng lúc càng dâng cao, trong khi Nhật Bản đang tồn tại những vấn đề riêng. Bại tướng của ông Park tại Asiad là HLV Hajime Moriyasu - người đang trực tiếp dẫn dắt Nhật Bản tại Asian Cup lần này.

HLV Moriyasu đang chịu nhiều sức ép với lối đá thực dụng. Ảnh: Đức Đồng.

HLV Moriyasu đang chịu nhiều sức ép với lối đá thực dụng. Ảnh: Đức Đồng.

Nhật Bản từng được biết đến với lối chơi chủ động, dựa trên kiểm soát bóng. Lối chơi đó giúp họ thu hút nhiều người hâm mộ trên thế giới, nhưng cũng để lại nhiều vết thương khó lành. Ở vòng 1/8 World Cup 2018, họ dẫn Bỉ 2-0 nhưng thua ngược 2-3. Bàn thua cuối cùng xuất phát từ tình huống cầu thủ Nhật Bản dâng cao đá phạt góc, rồi bị phản công. Sai lầm như thế không mới với những chàng trai Samurai, và họ quyết định thay đổi khi đưa HLV Moriyasu lên nắm quyền.

Moriyasu nổi tiếng với triết lý thực dụng. Trong giai đoạn dẫn dắt CLB Sanfreece Hirosima 2012-2017, ông thiết lập một đế chế. Thống kê chỉ ra rằng khi Hirosima ghi bàn trước, họ thắng 79, hòa 10 và chỉ thua 3 trận. Còn khi dẫn bàn đến hết hiệp một, họ thắng 57, hòa 3 và chỉ thua một. Moriyasu mang về cho CLB vùng Chuugoku ba chức vô địch J-League. Và phong cách đó đang được Nhật Bản thể hiện ở bốn trận đã qua tại Asian Cup. Trước đối thủ yếu hơn hẳn như Turkmenistan hay Oman, họ chơi áp đặt nhưng lộ nhiều sơ hở. Gặp đội ngang tầm như Uzbekistan hay Ả-rập Xê-út, Maya Yoshida và đồng đội sẵn sàng nhường thế trận. Khả năng đổ bê tông của Nhật Bản từng khiến Ả-rập Xê-út kiểm soát bóng 76% nhưng chỉ có một pha dứt điểm trúng đích. 

Ở chiều ngược lại, thầy trò Moriyasu cũng không tạo được pha lên bóng nguy hiểm nào. Họ có nhiều ngôi sao chinh chiến ở châu Âu, nhưng chỉ tập luyện và thi đấu cùng nhau được vài tuần. Họ đang ở giai đoạn chuyển giao và chưa thành hình, thậm chí vừa đá vừa chỉnh sửa, còn Việt Nam là tập thể sinh hoạt và tập luyện cùng nhau cả năm qua. Đó là một phần lý do cho thấy Nhật Bản không phải là đối thủ không thể đánh bại. Họ sẽ có hai hướng tiếp cận trận tứ kết. Hoặc tấn công và lộ ra lỗ hổng hàng thủ, hoặc phòng ngự nhưng dễ bị bẻ gãy khi phản công. Điều quan trọng là thầy trò Park Hang-seo có thể tận dụng điểm yếu của đối thủ vào thời điểm thích hợp hay không.

Với tâm lý thoải mái, Việt Nam có thể làm nên chuyện trước Nhật Bản. Ảnh: Anh Khoa.

Với tâm lý thoải mái, Việt Nam có thể làm nên chuyện trước Nhật Bản. Ảnh: Anh Khoa.

Kể từ khi dẫn dắt Việt Nam, ông Park cũng áp dụng lối đá tương tự Moriyasu. Gặp đối thủ mạnh hơn, ngang tầm hay dưới cơ một chút, Việt Nam sẵn sàng nhường thế trận. Lối đá khó chịu đó giúp Việt Nam liên tục thành công ở mọi giải đấu đã qua. Họ vào chung kết U23 châu Á giúp cả nước đón tết Mậu Tuất sớm. Đó không phải may mắn khi Việt Nam vào tiếp bán kết Asiad. Ở cấp độ đội tuyển, Việt Nam vô địch AFF Cup thuyết phục sau 10 năm. Giờ thì vào đến tứ kết Asian Cup đã là kỳ tích ngoài mong đợi, và họ không có gì để mất. 

Chính tâm lý thoải mái đã giúp Việt Nam tạo bất ngờ liên tiếp. Bóng đá Nhật Bản đi trước Việt Nam hàng chục năm về mọi mặt. Nhưng trong 90 phút ngắn ngủi tại Al Maktoum, mọi chuyện đều có thể xảy ra. 

Việt Nam - Nhật Bản: Chờ đợi lịch sử đảo chiều - 3
 

 

Theo: vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục