Hiệu quả từ vườn thuốc nam mẫu

Cây thuốc nam từ lâu đã gắn bó với đời sống người dân, là nguồn thuốc quý dễ sử dụng, có thể dễ dàng tìm thấy xung quanh nhà. Để cây thuốc quý đến gần với người dân, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã xây dựng vườn thuốc nam với các loại cây, nhóm thuốc khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh kết hợp giữa đông y - tây y.

 


Cán bộ Trạm Y tế xã Nhân Mục (Hàm Yên) chăm sóc vườn thuốc nam mẫu.

Xác định rõ vai trò của thuốc nam trong khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, hiện 18/18 trạm y tế xã ở huyện Hàm Yên đã xây dựng vườn cây thuốc nam mẫu luôn đảm bảo có từ 40 loại cây trở lên. Hằng năm, việc điều trị bệnh kết hợp đông y - tây y tại các trạm y tế xã trên địa bàn huyện đạt trung bình trên 30%. Trạm Y tế xã Phù Lưu đã dành diện tích đất hợp lý cho vườn cây thuốc nam mẫu. Đến nay, trên diện tích hơn 60 m2, vườn cây thuốc nam mẫu đã có gần 50 loại cây thuốc nam khác nhau với 9 nhóm dược liệu dùng để chữa một số bệnh thường gặp như: Tiêu chảy, mụn nhọt, đau xương khớp, cảm sốt, các bệnh về gan… Mỗi cây thuốc được trồng riêng, có bảng ghi tên khoa học, tên thường gọi và công dụng chữa bệnh để người dân dễ hiểu, dễ sử dụng. 

Y sỹ Hà Văn Ngọc, Trưởng Trạm Y tế xã Phù Lưu (Hàm Yên) cho biết, để vườn thuốc nam phát triển, phát huy tốt tác dụng trong việc hướng dẫn người dân dùng làm thuốc chữa bệnh, cán bộ trạm thường xuyên chăm sóc, vun trồng cũng như sưu tầm thêm nhiều loại cây thuốc dùng chữa các bệnh khác nhau đưa về trồng bổ sung. Thông qua hoạt động khám, chữa bệnh hàng ngày, cán bộ y tế trạm thường xuyên hướng dẫn người dân biết tác dụng của từng loại cây trong phòng bệnh, chữa bệnh, đồng thời khuyến khích người dân mang về nhân giống trồng tại vườn nhà để tiện sử dụng.

Bà Bùi Thị Dịu, thôn An Khang, xã Đông Lợi (Sơn Dương) nói, bà được cán bộ trạm y tế giới thiệu vườn cây thuốc nam và công dụng chữa bệnh của từng loại cây. Bị ho, viêm họng dùng cây húng chanh, hẹ, quất; đau xương khớp thì chữa bằng cây huyết đằng, cỏ xước, đậu bắp, lá lốt; nóng trong người thì nấu cỏ mần trầu, cỏ bạc đầu lên lọc nước uống... Bà sử dụng thấy hiệu quả, khỏi bệnh nhanh nên bà đã xin cây thuốc mẫu về trồng ở vườn nhà và giới thiệu cho mọi người biết, cùng sử dụng.

Theo bác sỹ Trần Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, hiện nay, 100% trạm y tế ở cơ sở trên địa bàn tỉnh có vườn thuốc nam hoặc treo tranh ảnh mẫu các loại cây thuốc nam để hướng dẫn cho người dân (đối với những trạm thiếu quỹ đất làm vườn cây thuốc). Chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền có rất nhiều lợi ích. Cây thuốc nam lành tính, không có tác dụng phụ, nếu sử dụng đúng cách lâu dài sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc trị bệnh và chăm sóc sức khỏe về sau, đặc biệt cây thuốc rất dễ trồng, dễ chăm sóc. Tuy nhiên, vườn thuốc nam này mới chỉ dừng lại ở giới thiệu mẫu cây mà chưa phát triển được thành nguồn dược liệu trong điều trị bệnh cho người dân.

Để phát huy hiệu quả những vườn thuốc nam mẫu, trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; hướng dẫn người dân cách sử dụng, trồng và chăm sóc một số cây thuốc thông dụng tại gia đình để chủ động điều trị bệnh. Qua đó, góp phần phát huy hiệu quả các bài thuốc dân gian, bảo tồn các giống cây thuốc quý, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục