Những chuyến đò thầm lặng

Nếu lần đầu gặp ông, nhiều người e ngại với ngoại hình cao lớn, râu quai nón xồm xoàm, đúng chuẩn “ăn sóng nói gió” của con người sống lâu năm vùng sông nước. Nhưng khi được trò chuyện, ai nấy đều cảm nhận được sự gần gũi, nhân hậu từ con người ông. Đã hơn 30 năm chở đò miễn phí cho người nghèo, cũng không biết bao lần ông dám vượt qua “lời nguyền” để cứu người đuối nước. Ông là Trần Văn Giáp, thôn Tân An, xã Thái Hòa (Hàm Yên).

 

Bến đò nghĩa tình

Thôn Tân An, xã Thái Hòa (Hàm Yên) có bến đò Km 27 nối liền đôi bờ xã Thái Hòa và xã Chiêu Yên (Yên Sơn). Bến đò thường được người dân gọi với cái tên thân thuộc là bến đò ông Giáp - người đã bao năm gắn bó, thầm lặng với chuyến đò nghĩa tình mà không cần sự đền đáp, trả ơn.

Dòng họ ông từ miền xuôi lên đây sinh cơ lập nghiệp. Sinh sống lâu nên ông rất gắn bó với mảnh đất đầy ắp tình người này. Còn nhớ, ngày đầu mới lên khai hoang, gia đình đông con, ruộng đất ít, thiếu cái ăn cái mặc, bố mẹ ông phải chạy ăn từng bữa. Thế nhưng nhờ sự đùm bọc, sẻ chia của bà con lối xóm, gia đình ông đã vượt qua mọi khó khăn để làm ăn, sinh sống.

Năm 1988, do nhà ở gần bến đò, hàng ngày nhìn cảnh bà con muốn qua sông rất vất vả vì không có phương tiện, ông Giáp quyết định đóng thuyền để chèo đò. Ông phục vụ tất cả mọi người, riêng những người nghèo, người già cả đều được ông chở miễn phí. Bà Trần Thị Như, thôn Làng Mãn, xã Thái Hòa thường xuyên qua lại thăm nom người thân ở bên kia bờ chia sẻ: “Ông Giáp luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Ông đã vận chuyển miễn phí người già và trẻ nhỏ. Đây là một nghĩa cử cao đẹp luôn được người dân trân trọng, biết ơn”.


Ông Trần Văn Giáp (thứ 2 từ phải sang) và những chuyến đò nghĩa tình
miễn phí cho người nghèo, người cao tuổi.

Như thường lệ, một ngày làm việc của ông được bắt đầu theo một công thức dù mưa dầm hay gió rét. Đó là phải dậy từ 4 giờ sáng, đây là thời gian chủ yếu để chở những người làm nghề buôn bán của làng, tiếp đó đến người nông dân qua sông đi làm đồng và khoảng 6h30 là các em học sinh cắp sách tới trường. Đến trưa và chiều lại tiếp tục đưa, đón các em học sinh và mọi người trở về cho đến tận tối mịt.    

“Còn khi nào thì đến lượt ông được nghỉ ngơi?” - tôi hỏi. Ông cười nói: “Thời gian nghỉ ngơi của tôi là khi hành khách cuối cùng đã sang tới bờ. Buổi tối tôi vẫn thường đợi để đưa các cháu đi học thêm về sau đó mới yên tâm nghỉ được. Thực tình, nhiều khi bị ốm mệt hay những khi ngoài trời giá lạnh đang nằm cuộn tròn trong chăn ấm thấy có người gọi đò là ngại lắm nhưng biết làm sao, những lúc khó khăn như thế này người ta mới cần nhờ tới mình mà mình bỏ mặc sao đành. Nghĩ vậy nên ông không nề hà mà tiếp tục làm”.

Bỏ qua “Lời nguyền” dân sông nước

Điều đặc biệt là riêng buổi đêm hay 1, 2 giờ sáng, ông rất ít khi lấy tiền khách qua đò. Ông bảo, những người đi giờ đó thường là có chuyện gấp gáp mới đi như: Ốm đau, tai nạn hay sinh nở. Chỉ cần có người gọi thì dù đang ngủ, trời đang mưa, ông cũng vui vẻ chở mọi người qua sông. Có lần, ông phải chở người nhà và một tử thi qua sông. Quan niệm chở người chết qua sông là kiêng kỵ với dân sông nước lắm, nhưng ông Giáp vẫn nhiệt tình chở miễn phí. Bởi đối với ông, làm những việc tốt từ tâm thì không có thần thánh nào trách cứ cả.

Dân sông nước bao năm, ông Giáp được biết đến là một “kình ngư” thứ thiệt. Trước đây, ông từng giành chiến thắng nhiều cuộc thi bơi do xã, huyện tổ chức. Ông cũng chính là một trong những thành viên nhiệt tình của Đội Cấp cứu Chữ thập đỏ Sông Lô. Ông vượt qua “lời nguyền hà bá” để cứu người đuối nước.

Có lần khi đang chuẩn bị buộc đò để về nhà ăn cơm trưa thì nghe tiếng kêu, nhìn xuống dòng nước thấy có người đang chới với, ông Giáp không ngần ngại lao mình xuống sông. Chỉ vài phút sau, ông đã kịp thời đưa cháu bé cùng xóm tên là Minh lên khỏi bờ. Chị Nguyễn Thị Hường (mẹ cháu Minh) xúc động kể: “Năm đó con trai tôi 6 tuổi bị đuối nước đã được ông Giáp cứu giúp. Mẹ con tôi rất biết ơn và coi ông như người thân trong gia đình”.

Hay như trường hợp hai anh em Lưu Văn Minh và Lưu Thanh Hà ở Chiêu Yên. Buổi trưa đi tắm sông, gặp phải nguồn nước xoáy đã bị chới với giữa sông. Lần đó, ông Giáp cũng vất vả lắm mới cứu liền một lúc hai cháu rồi lấy xe máy chở về tận nhà. Bố mẹ hai cháu rối rít cảm ơn và biếu quà, nhưng ông Giáp đều từ chối.

Ngoài ra, nhiều lần ông cùng các thành viên Đội Cấp cứu sông Lô tham gia mò vớt tử thi mà không một chút ngại ngần. Lần nào Đội huy động ông Giáp đều có mặt nhanh chóng. Ông tâm sự: “Tôi luôn tâm niệm công việc mà mình làm là công việc nhân đạo, chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện nên sức mình còn làm được đến đâu thì gắng làm đến đấy. Tôi chưa bao giờ vì luật tục ràng buộc hay kiêng cữ để nhận lấy cuộc sống an toàn cho riêng mình”.

Ông Giáp là người công giáo của giáo xứ Hàm Yên. Chính vì sự nhiệt tình, nhân hậu của mình, 20 năm liền ông được bà con tín nhiệm bầu là Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Tân An. Ông luôn tích cực vận động người dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của xóm, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Hàng năm, trên 85% hộ gia đình trong thôn đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Trong 10 năm qua, khu dân cư giữ vững danh hiệu Khu dân cư văn hóa. 

Nói về những việc làm ý nghĩa của ông Giáp, anh Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, nhiều năm qua ông Trần Văn Giáp đã có những việc làm nhân đạo giúp đỡ người nghèo, người khó khăn hoạn nạn. Việc làm của ông luôn được Hội Chữ thập đỏ biểu dương, ghi nhận. 

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục