Danh thắng Động Tiên trong thơ Phạm Văn Vui

Nhà thơ, nhà giáo Phạm Văn Vui, quê ở tỉnh Ninh Bình. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh, ông về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc (tỉnh Thái Nguyên). Năm 1977, ông chuyển về ở Tuyên Quang và công tác tại Trường THPT Hàm Yên. Đến năm 2007, ông về nghỉ hưu tại xã Thái Hoà, huyện Hàm Yên.

 

 
Nhà thơ, nhà giáo Phạm Văn Vui

Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người trên mảnh đất Hàm Yên, không chỉ là nhà giáo giỏi của tỉnh, ông còn là hội viên tích cực của Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang. Là người yêu thơ văn từ nhỏ, nên trong quá trình dạy học, ông đã sáng tác nhiều bài thơ, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, con người vùng quê mình sinh sống và làm việc. Với ông, từng ngôi trường, nẻo đường, con dốc, dòng sông, đỉnh núi, những danh thắng địa phương mà ông đã gặp và đi qua luôn hiện hữu và thường trực, để trào ra ngọn bút. Với một phong thái nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật, kết hợp với một tâm hồn giàu xúc cảm trước thiên nhiên, cuộc sống, tác giả đã sáng tạo ra nhiều bài thơ có giá trị, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Nhiều tác phẩm của ông đã được đăng trên báo Trung ương và địa phương như Tạp chí Văn nghệ, báo Phụ nữ, báo Tân Trào và nhiều tuyển tập in chung của Hội VHNT Tuyên Quang. Trong số đó, có các bài như: “Cảm nhận mùa xuân”, “Một đoạn đường xuân”, “Ám ảnh vàng”, “Động Tiên”, “Giờ học cuối cùng”, “Đêm trên Hồ thuỷ điện Nà Hang”… Đến với đề tài thiên nhiên, bài thơ “Động Tiên” sáng tác năm 2008 của ông đăng trong Tuyển tập Văn học Tuyên Quang 2005 - 2010, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2010 là bài thơ giàu ấn tượng và có sức khái quát cao. Nhà thơ Phạm Văn Vui tâm sự: Động Tiên được Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Thắng cảnh cấp Quốc gia năm 2005. Tôi cũng đã ấp ủ viết một bài thơ về địa danh này từ rất lâu và luôn trăn trở viết như thế nào để khái quát rõ nhất hình ảnh của danh thắng. Trước hết là để nói lên tình cảm, tấm lòng mình. Sau nữa nhằm giới thiệu, giúp bạn đọc hiểu hơn về mảnh đất, vẻ đẹp quê hương. Năm 2008, nhân dịp dẫn đoàn học sinh Trường THPT Hàm Yên tới thăm Động Tiên, đồng thời, cũng là năm tỉnh có chủ trương quan tâm, phát triển về du lịch, trước vẻ đẹp lung linh của Động Tiên, tôi đã viết nên bài thơ bằng cảm nhận rất chân thành của một người con quê hương.

Bài thơ có 4 khổ thơ xinh xắn, gọn gàng. Với tứ thơ lạ, ý thơ hay, tác giả đã giới thiệu cho người đọc thấy được vẻ đẹp huyền ảo, sinh động cùng gốc tích của danh thắng giữa đại ngàn núi rừng thu hút bước chân du khách: 

“Động tiên treo ở ngang trời
Từ nơi xa đến với người cõi tiên
Ngỡ ngàng từng bước theo lên
Thênh thênh gửi hết ưu phiền gió mây”

Đến thăm Động Tiên, theo từng bậc đá cao dần, du khách lần lượt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hấp dẫn của bức tranh danh thắng với nhiều quần thể núi đá, hang động kỳ thú còn in dấu tích và những câu chuyện kể, những truyền thuyết dân gian: 

“Trời cao chỉ một tầm tay
Nơi kia chốn tục, xứ này bồng lai
Cỏ thơm lưu giữ dấu hài
Xiêm y thấp thoáng bóng ai đi về”

Giới thiệu vẻ đẹp quần thể Động Tiên, tác giả còn ca ngợi tình yêu chung thuỷ, không phân biệt ranh giới, giai cấp, vị thế. Đó là duyên tình giữa Nàng tiên thứ Bảy và chàng mồ côi bản xứ từ thủa hồng hoang, trời đất mới sinh:

“Tình yêu là thứ bùa mê
Dấu chân tiên nữ tìm về trần gian
Yêu người chẳng kể hèn, sang
Duyên tình đôi lứa trái ngang luật trời!”

Ca ngợi sức mạnh tình yêu của đôi nam nữ, hai câu thơ cuối của bài thơ một lần nữa khẳng định tình yêu là vĩnh cửu. Nàng tiên thứ Bảy và chàng mồ côi yêu nhau tha thiết, họ tình nguyện đến với nhau. Mối tình ấy dù gặp nhiều gian nan, trở ngại. Khi thân xác họ mất đi, nhưng trái tim sắt đá vẫn phập phồng đập cho tình yêu sắc son, bền chặt:

“Thanh tân ngực đá bồi hồi
Đã yêu, thì chết đi rồi còn yêu!”

Bằng cảm nhận rất riêng của mình, tác giả đã bộc lộ cái nhìn tinh tế trước thiên nhiên và cuộc sống thời quá khứ và hiện tại. Qua đó, nói lên tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước của tác giả và một lần nữa khẳng định vẻ đẹp của Động Tiên là kết quả của thiên tạo và nhân tạo sẽ mãi trường tồn với thời gian.

Theo: TQDT

Tin cùng chuyên mục