Vài nét về địa chí huyện Hàm Yên

Huyện Hàm Yên nằm ở phía bắc tỉnh ta, trong lịch sử đã nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới: Thời Lý - Trần - Lê gọi là huyện Sóc Sùng; thời thuộc Minh là huyện Văn Yên, sau gộp vào huyện Khoáng; thời Lê Hồng Đức gọi là huyện Sùng Yên, rồi đổi làm huyện Phúc Yên, do dòng họ Lương nhiều đời cai quản.
 

 
Tiết mục múa cờ, đánh trống khai Hội chọi trâu Hàm Yên A: NC

Năm Nguyễn Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi thành huyện Hàm Yên, bao gồm cả huyện Yên Sơn ngày nay. Huyện Hàm Yên nay là phần đất phía bắc huyện Hàm Yên (Phúc Yên) xưa. Hàm Yên có nhiều địa danh tên nôm như: Luổng, Lếch, Thụt, Bợ, Hoóc Trai, Khởn, Cháy Cáy, Làng Bát, Làng Chão, Làng Cào... Các địa danh có gốc từ Hán Việt đều có nghĩa hay. Chữ “Hàm Yên” mang nghĩa: Hết thảy, đều khắp bình yên; “Bắc Mục” chỉ nơi hoà thuận, vui tươi ở phương bắc; “Nhân Mục” chỉ xứ sở của nhân hoà…


Huyện Hàm Yên có các dân tộc như Kinh, Tày, Dao, Cao Lan... sống gắn bó từ lâu đời qua nhiều thời kì lịch sử. Bà con có nhiều phong tục tập quán đẹp như hát cọi của thanh niên Tày; trong lao động, vui chơi, hôn nhân không phân biệt sắc tộc, khi có nhu cầu kết hôn nhà trai thuận lễ theo nhà gái. Các dân tộc thiểu số sống ít chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Đây là mảnh đất có nhiều ưu thế về tài nguyên và khí hậu, là xứ sở của nứa, tre, chè, trâu, nhiều sa khoáng và có loài cá anh vũ. Sử sách thời Lê còn nhắc đến đặc sản mật o­ng và sa nhân nơi đây, đặc biệt là cây thuốc, lưu truyền nhiều bài thuốc quí trong dân gian. Nay vẫn còn lại địa danh Thuốc Thượng, Thuốc Hạ và Bến Thuốc phía tả ngạn sông Lô, xưa là nơi mua bán trao đổi thuốc nam và hàng hoá với miền xuôi bằng đường thuỷ.


Phía bắc thị trấn Tân Yên (km 44) bên phải quốc lộ 2 đi Hà Giang có một trái núi cao tiếp giáp sông Lô (tên cũ là Cao Nham). Trên núi có nguồn nước mạch tự nhiên, cảnh quan tươi đẹp và mát mẻ. Năm 1905, thực dân Pháp cho xây dựng trên đỉnh núi này một toà nhà nghỉ lớn cùng một số đồn bốt, trên tháp canh lắp đèn pha mạnh có thể kiểm soát toàn bộ đường thuỷ, đường bộ và phố huyện, từ đó núi mang tên mới: Núi Đèn. Cầu Bắc Mục (cũ) người Pháp cũng cho xây dựng từ 1905, từng hứng chịu 8 trận bom của đế quốc Mỹ; kề đó là đền Bắc Mục cùng bị phá huỷ năm 1966. Đền được tái lập năm 2006, được công nhận là di tích văn hoá cấp tỉnh năm 2008. Ngược lên xã Yên Phú có động Tiên, đã lưu lại nhiều truyền thuyết hấp dẫn trong dân gian.


Phố Bắc Mục, ở trung tâm huyện lỵ cũ, xưa là nơi buôn bán sầm uất một thời; có hai dãy chính phố dọc theo quốc lộ và phố ngang đồng thời là phố chợ thẳng xuống bờ sông có bến đò. Năm 1950, máy bay Pháp ném bom phố huyện làm hơn ba mươi người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Huyện Hàm Yên xưa có 3 chợ chính: Chợ Bắc Mục họp định kỳ vào thứ năm hằng tuần; chợ Thụt ở tả ngạn sông Lô, phía bắc cách phố huyện 8 km thuộc xã Phù Loan (nay là Phù Lưu); chợ Bợ ở tả ngạn phía nam, cách huyện lỵ chừng 10 km thuộc xã Bình Xa họp vào chủ nhật. Đây là những nơi trao đổi hàng hoá từ lâu đời.


Thời xưa, Hàm Yên đã có người tham gia thi hương, thi hội, thi đình. Thời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) có ông Tạ Thông thuộc thôn Yên Hưng, nổi tiếng về thần đồng, thi đình đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức (1475), đỗ đồng tiến sĩ tài danh lừng tiếng. Các nhà Nho như Nguyễn Hàng (thế kỷ XVI), Nguyễn Công Hãng (thế kỷ XVIII) từng sống, sáng tác trên mảnh đất này và để lại nhiều tác phẩm đến ngày nay.


Trước 1945, Hàm Yên mới chỉ có một trường tiểu học tư thục dạy chữ Quốc ngữ kèm với chữ Nho. Hoà bình lập lại (1954), huyện mở trường cấp I, năm 1958 mở cấp II, năm 1966 mở cấp III, Hiện nay đã có 4 trường cấp III (THPT).

Hàm Yên có hai nhà văn: Đinh Công Diệp và Vũ Xuân Tửu là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Kinh tế Hàm Yên chủ yếu là nông, lâm nghiệp; đặc sản nổi tiếng là cam sành và bưởi đỏ, quýt đỏ. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, Hàm Yên là nơi sơ tán của cơ quan tài chính, ngân hàng trung ương. Hàm Yên nay đã có nhiều thay đổi, mạng lưới giao thông đã phát triển, có hai cây cầu lớn bắc qua sông Lô là cầu Tân Thành và cầu Bợ, nối liền hai bờ sông Lô, thỏa ước mơ ngàn đời của nhân dân.

PGS. TS Trần Mạnh Tiến

Tin cùng chuyên mục