Người dẫn lối ở Minh Khương

Nhiều người lầm tưởng, Mai Văn Phi, Giám đốc Hợp tác xã nông sản sạch Minh Khương (Hàm Yên) thuộc thế hệ 7X. Là bởi trông anh rắn rỏi và khắc khổ, phong trần hơn so với tuổi 38 của mình. Sự khắc khổ ấy một phần do chính sự đau đáu, tâm huyết của anh, khi mỗi ngày đều nỗ lực tìm kiếm con đường mới, vừa làm giàu cho mình, vừa làm giàu cho người.

“Việt kiều” 47 kg

Mai Văn Phi sinh năm 1985. Như nhiều thanh niên cùng làng thời bấy giờ, học xong THPT, Mai Văn Phi hăm hở đi xuất khẩu lao động, nuôi ước mơ đổi đời từ xứ người.

Anh Phi nhớ lại, thời điểm ấy cơn sốt đi Malaysia, Đài Loan không chỉ ở riêng Minh Khương, mà ở gần như tất cả các xã khác trong tỉnh.

Nhưng người tính không bằng trời tính, ngày anh lên đường, bố mẹ chạy vạy vay mượn được 37 triệu đồng để đóng phí và hỗ trợ đi lại. Sau hơn 1 năm làm việc ở Malaysia, áp lực công việc, cộng với chế độ đãi ngộ không đúng với những cam kết ban đầu nên anh quyết định về quê với số tiền nợ giữ nguyên.

Anh Phi nhớ mãi, ngày xuống sân bay Nội Bài, anh trai và chị dâu ra đón, mà đứng trước mặt em trai vẫn không nhận ra. Là bởi, người em trai khi họ tiễn ra sân bay trắng trẻo, khỏe mạnh, trở về với cơ thể chưa nổi 47 kg. Đen sạm và khô quắt như trái chanh đã vắt hết nước.

Anh Phi với mô hình trồng rau khí canh.

Xót ruột, cũng sợ bố mẹ ở quê “sốc”, gia đình người anh trai ở Hải Dương quyết định đưa cậu em về tẩm bổ nửa tháng rồi mới “trả” về Minh Khương.

Về quê, cõng trên lưng số nợ còn nguyên 37 triệu đồng, Mai Văn Phi lao vào làm đủ thứ nghề. Sửa chữa, bán điện thoại, làm công nhân cho một doanh nghiệp viễn thông, rồi đi buôn… Anh bảo, ngày đi xuất khẩu lao động, mình chỉ ước thoát cái mác “nhà quê”, sau này thì chẳng lo ai chê cười nữa, nghề gì cũng làm, miễn là có tiền phụ bố mẹ trả nợ là được.

Sau này, khi có một số vốn nhất định, Mai Văn Phi quyết định về Minh Khương để ổn định. Về làng đúng thời điểm diện tích cam mở rộng rất nhanh, nhưng chất lượng lại có dấu hiệu đi xuống, nhiều người trồng cam đã manh nha ý định bỏ cây cam để chuyển sang các cây trồng khác.

Anh Phi nhớ lại, có thời điểm, giá vườn cam rộng cả héc ta chỉ bằng đúng một chiếc điện thoại di động, anh xót ruột lắm. Bỏ tiền thu mua lại vườn, chuyển đổi từ chăm sóc phụ thuộc phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật sang chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng đến hữu cơ, năm 2020, anh Phi quyết định thành lập Hợp tác xã Nông sản sạch Minh Khương, tập hợp những nông dân trồng cam với diện tích trên 60 ha cam.

Mô hình nuôi cá tuần hoàn của Hợp tác xã Minh Khương.

Thành viên hợp tác xã là những hộ có diện tích cam nhiều, trồng nhiều năm nên có kinh nghiệm trong chăm sóc, thu hái, bảo quản. Đến nay Hợp tác xã nông sản sạch Minh Khương đã hoàn thành việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho cam. Có truy xuất nguồn gốc, cam của xã viên hợp tác xã đã vào được siêu thị, lên được các sàn thương mại điện tử cung ứng cam đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Và câu chuyện “thay đổi người nông dân”

Mai Văn Phi tự nhận mình là người đam mê với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Sau thành công của mô hình trồng, chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP, Mai Văn Phi nghiên cứu từ mạng Internet mô hình trồng rau khí canh và mày mò áp dụng vào thực tiễn. 

Sau này, anh quyết định tách ra và thành lập HTX Thương mại Và Dịch vụ sản xuất Long Hải, với nhiều ngành nghề kinh doanh hơn.

Anh Phi bảo, Minh Khương không phải là địa phương bị hạn chế bởi diện tích sản xuất, nhưng như nhiều địa phương khác, việc trồng trọt luôn phải phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Năm nào mưa thuận gió hòa, thì bà con nông dân được vụ mùa bội thu, năm nào tiết trời đỏng đảnh thì năm ấy coi như “nháp”. Từ đó, anh luôn canh cánh suy nghĩ làm cách nào để sản xuất chủ động, không còn phải ngay ngáy lo rủi ro sâu bệnh, thời tiết... Anh đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều mô hình, tham khảo trên báo, đài, trong và ngoài nước và quyết định, thử nghiệm mô hình trồng rau khí canh - mô hình còn mới mẻ không chỉ với nông dân Minh Khương, mà với nhiều nông dân xứ Tuyên.

Khu vực sản xuất, anh chia làm 2 tầng. Tầng 1 nuôi cá tuần hoàn để lấy nước và chất thải làm dinh dưỡng cho cây. Tầng 2 anh trồng các loại rau mà không cần sử dụng đất (thổ canh) và nước (thủy canh). Đây là công nghệ canh tác cây trồng trong môi trường không khí chứa các thể bụi dinh dưỡng.

Hợp tác xã Nông sản sạch Minh Khương mở thêm xưởng may, giải quyết việc làm cho lao động địa phương và các xã lân cận.

Với phương pháp này, rễ cây có thể hấp thụ dinh dưỡng từ các bụi thể để sinh trưởng và phát triển tốt. Hệ thống nước tưới được anh Phi thiết kế tuần hoàn, nước từ bể theo đường ống truyền đến rễ cây bằng hệ thống phun tự động, sau đó nước được lắng lại trả ngược xuống bể. Phương pháp trồng rau sạch bằng công nghệ khí canh giúp anh tiết kiệm tới 90% lượng nước trên cùng một diện tích so với thủy canh và các phương pháp trồng rau truyền thống khác.

Không chỉ làm chủ công nghệ trồng rau khí canh, anh Phi cũng mày mò thành công công nghệ hút nước từ giếng khoan mà không cần dùng máy bơm, không sử dụng điện…

2 năm trở lại đây, diện tích cam ở Minh Khương giảm mạnh do dịch bệnh. Thu nhập giảm, không có việc làm, người lao động ở quê lại lũ lượt đến các nhà máy, khu công nghiệp ngoài tỉnh làm công nhân. Cùng với duy trì sản xuất nông nghiệp, anh Phi quyết định mở rộng ngành nghề, thành lập một xưởng may gia công quần áo xuất khẩu ngay tại Minh Khương.

Hơn 200 công nhân, là người dân Minh Khương và một số xã quanh khu vực như Bạch Xa, Minh Dân, Phù Lưu không phải rời quê đi thuê nhà, kiếm việc ở tỉnh bạn nữa.

“Như một cách để bà con thêm yêu đất, yêu quê mình hơn thôi” - Giám đốc Hợp tác xã Mai Văn Phi chia sẻ thế!.

Theo: TQĐT

Tin cùng chuyên mục